Ngày Viettel đá trận cuối cùng với Sài Gòn FC ở sân Thống Nhất để định đoạt chức vô địch V-League 2020, tôi chọn cách ở lại Hà Nội xem trận đấu một mình trong nhà.
Có nhiều lý do khiến tôi không tới sân Thống Nhất, trong đó có yếu tố “tâm linh”. Suốt giai đoạn 2 của V-League 2020, tôi không tới sân bất kỳ trận đấu nào của Viettel và muốn giữ điều này cho đến trận cuối cùng.
22 năm chờ đợi
Ngồi ở nhà, tôi không bị bất cứ điều gì cắt ngang cảm xúc, và xem Viettel như xem một bộ phim dài. Tất cả quá khứ, hiện tại cùng chạy trong đầu. Tôi có thể tua đi, tua lại cả một hành trình để thấy được rõ hơn những giá trị.
Viettel vô địch V-League 2020. (Ảnh: Quang Minh)
Khi Bruno ghi bàn, tôi hét toáng lên, như thể mọi thứ dồn nén lâu ngày, chỉ chờ có khoảnh khắc ấy để bung ra.
Trước khi Bruno lập công, Sài Gòn FC đã cho thấy quyết tâm ngăn Viettel vô địch. Ở sân Cẩm Phả, Quang Hải cũng ghi bàn giúp Hà Nội FC dẫn trước. Áp lực bủa vây Viettel. Họ chỉ có một con đường là tự giải quyết trận đấu.
Bàn thắng của Bruno giống pha ghi bàn của Đoàn Văn Hậu ở chung kết SEA Games 30. Cũng ở điểm đá phạt đó, cái chân trái của Hoàng Đức đá bóng loại bỏ tất cả trước khi Văn Hậu ập vào đá nối. Bàn thắng của Văn Hậu khẳng định chiến thắng cho U22 Việt Nam. Bàn thắng của Bruno cũng vậy, là sự khẳng định chiến thắng cho Viettel.
Năm 1998, Thể Công vô địch nhờ lứa cầu thủ nhập ngũ năm 1987 với những Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng…đang vào độ chín, kết hợp với lứa trẻ gồm có Quang Hà, Việt Hoàng, Đặng Phương Nam, Thạch Bảo Khanh… và được dẫn dắt bởi một HLV rất Thể Công là ông Vương Tiến Dũng.
Những cầu thủ này ăn, tập và trưởng thành cùng nhau trong suốt hơn 10 năm nên có sự gắn kết, hiểu nhau và cùng chơi thứ bóng đá tấn công rực lửa, thăng hoa.
Còn Viettel vô địch V-League 2020 bằng lực lượng hoàn toàn khác. Họ mới lên V-League mùa thứ 2, là tập thể có sự kết hợp giữa những cầu thủ trẻ do họ đào tạo với những ngoại binh và một số cầu thủ tới từ SLNA, hay trường hợp của Vũ Minh Tuấn đến từ Quảng Ninh.
HLV Trương Việt Hoàng hay trưởng đoàn Đỗ Mạnh Dũng thừa hiểu đội bóng có những gì để không thể chơi như Thể Công 22 năm trước. Họ buộc phải đưa ra một con đường đi hợp lý nhất, đúng đắn nhất với hoàn cảnh hiện tại của đội bóng, của giải đấu. Con đường ấy lúc đầu có những chệch choạc, nhưng càng đi càng ổn định và càng cho thấy họ có thể giành được chức vô địch.
Viettel có thể không phải là đội mạnh nhất ở V-League năm nay, có thể thua hoặc hòa Hà Nội FC trong một trận đấu cụ thể, nhưng Viettel vẫn vô địch bởi có chiến lược rõ ràng, sự hợp lý, hiệu quả trong suốt một cuộc đua đường trường. Ví von một chút, Viettel giống như chú rùa trong cuộc đua đường dài với thỏ, biết lượng sức mình để có chiến thắng cuối cùng.
Niềm vui vỡ òa của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng. (Ảnh: Quang Minh)
Tự hào nối tiếp Thể Công
Khi Viettel vô địch, tôi nhớ tới người cha của mình (Ông Ngô Xuân Quýnh, cựu cầu thủ Thể Công – Trưởng đoàn CLB Quân đội). Ở một nơi xa, hẳn ông cũng cảm thấy yên lòng.
Năm 2004, Thể Công lần đầu tiên trong lịch sử xuống hạng. Một năm sau, bố tôi mất. Tôi nhớ đó là tối Noel rét mướt, bố tôi nhập viện cấp cứu. Khi ở cùng ông trong bệnh viện, như thể có điềm báo trước, ông nói với tôi rất nhiều về bóng đá, về Thể Công.
Dù là cựu binh về hưu, song tôi hiểu đó chỉ ở góc độ công việc, còn tâm hồn ông vẫn luôn dành trọn cho Thể Công – nơi ông gắn bó từ những ngày đầu thành lập, đi qua bao gian khổ, giành được những thành tích rất đỗi tự hào. Khi Thể Công xuống hạng, đó là nỗi đau rất lớn với ông.
Thực tế, nỗi đau sau đó còn kéo dài khi cái tên Thể Công được quyết định cất đi ngay trước ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn Thể thao Thể Công. Đội bóng sau đó được bàn giao cho Tổng công ty Viễn thông Viettel quản lý và mang tên Viettel.
Những gì bố tôi nói hôm ấy giống như một câu chuyện còn dang dở. Sau đó, ông rơi vào hôn mê rồi ra đi vào sáng hôm sau.
Khi còn sống, bố luôn nói với tôi rằng, Thể Công là chiến thắng. Hoàn cảnh lịch sử, yếu tố con người tạo ra một đội bóng như vậy. Họ là những người lính luôn xông pha trên tuyến đầu, trên mọi mặt trận để đương đầu với khó khăn, luôn ưỡn ngực đầy kiêu hãnh để giành chiến thắng.
Suốt nhiều năm sau đó, bố tôi, các thế hệ Thể Công cũng đã tin như vậy. Và, để giữ được niềm kiêu hãnh ấy là điều không hề đơn giản.
Thực tế, sau chức vô địch năm 1998, phải mất 22 năm, bóng đá Quân đội mới trở lại vị thế cao nhất ở đấu trường quốc nội. Và, dù dưới cái tên nào, có một điều không thể chối bỏ. Đó là quá khứ hào hùng của Thể Công đã được tiếp nối bởi Viettel hôm nay. Đó cũng là niềm hạnh phúc, tự hào lớn nhất của cá nhân tôi và nhiều người yêu mến Thể Công.
Viettel xứng danh hậu duệ Thể Công. (Ảnh: Quang Minh)
Mong một ngày Thể Công trở lại
Thể Công khi xưa được yêu mến nhiều vì đó là đội bóng của những người lính, mà trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ Việt Nam, có biết bao con người, bao thế hệ đã từng là người lính.
Hơn thế nữa, những người lính luôn mang tới niềm tin yêu cho quần chúng, và Thể Công cũng làm được điều đó.
Những người yêu Thể Công khi xưa bây giờ đã lớn tuổi. Những người trẻ hôm nay lớn lên có thể không biết nhiều về Thể Công, nhưng chắc chắn họ biết Viettel là đội bóng Quân đội.
Các cầu thủ Viettel trong thời cuộc mới có thể không bắt buộc phải là những cầu thủ mặc áo lính. Tuy nhiên, họ được rèn luyện, đào tạo trong môi trường quân đội, được quản lý bởi một đơn vị doanh nghiệp của quân đội với định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng.
Bản thân Tập đoàn Viettel cũng đã khẳng định được khả năng và tầm vóc của mình ở Việt Nam và ngày càng vươn tầm thế giới. Viettel là niềm tự hào của Việt Nam không chỉ trên lĩnh vực viễn thông mà còn rất nhiều lĩnh vực khác...
Họ là minh chứng rõ nét về truyền thống của Quân đội Việt Nam, luôn tiên phong và làm được những điều to lớn cho đất nước, dù ở thời chiến hay thời bình. Và, Viettel chắc chắn cũng sẽ xây dựng một đội bóng xứng tầm.
Cái tên Thể Công chưa hề mất, nó chỉ được cất đi, và có thể một ngày nào đó, Thể Công sẽ trở lại!