Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thay vì bỏ đếm giây, hãy phạt vượt đèn đỏ thật gắt như với lỗi nồng độ cồn

(VTC News) -

Đừng bỏ đếm ngược đèn giao thông chỉ vì một số người hay vượt đèn đỏ, mà hãy “trị bệnh” này bằng cách phạt thật nặng, thật gắt như đối với vi phạm về nồng độ cồn.

Theo dõi các ý kiến xung quanh việc TP.HCM thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu giao thông ở một số giao lộ lớn, tôi tâm đắc với bình luận: “Ý thức của tài xế mới là quan trọng nhất, sao chúng ta không phạt thật nặng tài xế vượt đèn đỏ mà lại loay hoay đi sửa cái đèn?”. Thật tội cho cái đèn giao thông khi bị đổ lỗi về hành vi vượt đèn đỏ của những người coi thường luật, trong khi nó đang giúp ích cho số đông.

Vượt đèn đỏ chỉ là một trong nhiều biểu hiện của căn bệnh trầm kha trong văn hóa giao thông của bộ phận không nhỏ người Việt Nam: Chỉ cần tiện lợi cho mình, tảng lờ các quy định và những hậu quả nặng nề có thể xảy ra cho cả bản thân và người khác. Với những người này, tính năng đếm giây bị họ lợi dụng để vi phạm, nhưng không có nghĩa là bỏ tính năng đó thì sẽ giảm vi phạm.

Nâng cao ý thức tài xế thông qua bỏ đèn đếm giây hoàn toàn là cách đi đường vòng, vừa lãng phí vừa gây bất lợi cho những người nghiêm túc tuân thủ luật. Sao không dùng cách trực tiếp hơn để trị tận gốc bệnh coi thường quy định, đó là phạt thật nặng, thật triệt để, kiên quyết, không cho họ cơ hội để xin thông cảm hay “gọi điện cho người thân”?

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, áp dụng luật một cách gắt gao, nghiêm khắc là cách hiệu quả nhất để người dân tuân thủ, chiến thắng thói quen xấu cũng như sự bừa bãi, tùy tiện. Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy là một ví dụ. Suốt một thời gian dài trước khi quy định này có hiệu lực, nhiều người nhao nhao phản đối với lời lẽ rất hùng hổ, viện đủ lý do nghe khá “xuôi tai”. Tuy nhiên sau một thời gian cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm soát chặt, phạt nghiêm, đội mũ bảo hiểm trước khi ngồi lên xe máy trở thành phản xạ của đại đa số người dân.

Đừng đổ lỗi cho đồng hồ đếm ngược khi có người vượt đèn đỏ. (Ảnh: Pxfuel)

Ví dụ gần đây nhất là chuyện lái xe sau khi uống rượu, một vấn nạn kéo dài nhiều thập kỷ, dai dẳng đến mức tưởng không thể khắc phục được. Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế cũng gây nhiều ì xèo phản đối. Thế nhưng bằng sự kiên quyết trong kiểm tra và xử phạt, cái thời uống rượu bét nhè rồi thản nhiên lên xe cầm lái đã lùi về quá khứ.

Giờ đây, mọi tài xế sau khi uống dù chỉ một lon bia đều phải dừng lại suy nghĩ, cân nhắc trước ý muốn tự cầm vô lăng, vì họ biết hễ bị phát hiện là không thể thoát án phạt.

Để xóa bỏ thói quen vượt đèn đỏ, các lực lượng chức năng cũng nên làm như vậy, thay vì điều chỉnh tính năng đếm giây của đèn tín hiệu. 

Bạn có đồng tình với phương án bỏ đếm giây ở đèn giao thông?

Những lần chạy xe ra đường vào giờ tan tầm, tôi thường xuyên chứng kiến cảnh lấn vạch dừng và vượt đèn đỏ. Dường như với nhiều người, hành vi đó như một phản xạ. Họ không mấy lo lắng vì cảnh xe dừng đèn đỏ chiếm hết vạch cho người đi bộ, thậm chí tràn ra ngã tư trong giờ cao điểm đã quá phổ biến, đến mức nhiều người nghĩ rằng CSGT ngầm chấp nhận điều này như một thực tế khó tránh.

Người nọ nhìn người kia, thế là đám đông thi nhau vượt qua vạch kẻ quy định khi đèn đỏ bật lên, như một kiểu "lệ làng trong thành phố lớn". Dù đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do vượt đèn đỏ xảy ra đủ minh chứng cho câu “nhanh vài giây,  chậm cả đời”, người ta vẫn không thắng được thói quen tùy tiện ấy, do sự dễ dãi của lực lượng chấp pháp.

Có những ý kiến cho rằng chế tài với hành vi vượt đèn đỏ hiện chưa đủ mạnh: Phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng với xe máy, 4 - 6 triệu đồng với ô tô. Tôi cũng nghĩ, so với mức phạt 400 - 600 nghìn đồng cho hành vi không đội mũ bảo hiểm, mức này chưa đủ để răn đe, vì không đội mũ là gây hại bản thân, còn vượt đèn đỏ gây nguy hiểm cho cả người khác, cần phạt nặng hơn ít nhất là gấp đôi.

Tuy nhiên, việc kiểm soát gắt gao sao cho tất cả những người vi phạm đều bị phạt vẫn quan trọng hơn là tăng mức phạt. Nếu như không ai thoát án phạt mỗi lần vượt đèn đỏ thì việc mất số tiền trên cũng đủ khiến không ít người “chùn lại” khi định tái phạm.

Tại Trung Quốc, nơi có mật độ dân cư đông nhất nhì thế giới, giao thông phức tạp và chính phủ vẫn dùng đèn giao thông đếm ngược, các lỗi vi phạm giao thông bị phat rất nặng, trong đó có việc trừ điểm giấy phép lái xe. Mỗi tài xế có 12 điểm mỗi năm, sau mỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, chở quá số người, họ bị trừ hẳn 6 điểm. Tài xế bị trừ hết điểm sẽ bị tạm giữ bằng lái và phải thi lại, nếu còn tiếp tục vi phạm sẽ phải chịu phạt rất nặng.

Tại Singapore, quốc đảo nhỏ bé với mật độ giao thông đông đúc, chính phủ cũng dùng cách tính 12 điểm như trên, tuy nhiên tài xế vượt đèn đỏ bị trừ cả 12 điểm, đình chỉ giấy phép lái xe và phạt tới 500 đô la Singapore (khoảng 10 triệu đồng). Nhờ quy định đó, số vụ vượt đèn đỏ tại đây giảm 28,8%, từ 44.688 vụ năm 2022 xuống còn 31.815 vụ năm 2023. Thái Lan cũng đã áp dụng hình thức tính điểm này từ năm 2022.

Những thông tin trên là bằng chứng cho thấy, sự nghiêm khắc trong xử lý vi phạm là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nó. Vì thế, với chuyện đồng hồ đếm ngược ở đèn giao thông, tôi nghĩ cứ nên duy trì như cũ, vì lỗi không phải ở cái đèn.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Diệu Ngọc

Tin mới