“Vắt chân lên cổ” với lịch học
Ngay khi trở lại trường, giáo viên và học sinh khối 12 chạy đua cùng thời khoá biểu học dày đặc. Mục tiêu là hoàn thành học kỳ II năm học 2019-2020 và ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, dành vé vào đại học.
Nguyễn Quang Tuấn (trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết một ngày chia làm ba buổi học: Sáng học trên lớp, chiều học trực tuyến và tối tham gia lớp học nhóm ôn tập kiến thức chuẩn bị thi THPT.
Trong thời gian nghỉ dịch, Tuấn cùng các bạn được thầy cô giáo thường xuyên gửi bài tập và trao đổi kiến thức qua học trực tuyến, học trên truyền hình. Tuy nhiên Tuấn thấy vô cùng lo lắng về khối lượng kiến thức không đủ để đạt mục tiêu đỗ đại học. Vì vậy, Tuấn cũng như các bạn đang “vắt chân lên cổ” chạy đua với kiến thức và thời gian.
Dự kiến khối lớp 12 còn tròn 8 tuần nữa để kết thúc năm học 2019-2020, sức ép về thời gian đang khiến chặng đưa “nước rút” ngày càng nóng hơn.
Em Nguyễn Hồng Mai (trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội) chia sẻ, việc học trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch chưa đạt được hiệu quả mong đợi. Hồng Mai thấy lượng kiến thức đó không đủ để tham gia thi THPT, dành tấm vé vào đại học.
Ngay sau khi đi học trở lại, nữ sinh tự lập thời khoá biểu nghiêm túc, tập trung toàn lực vừa học trên lớp, vừa ôn luyện cho kỳ thi.
Hồng Mai nhẩm tính, tuần đầu đi học là hệ thống lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến, tuần thứ hai là kiểm tra, đánh giá; chỉ còn chưa tới 6 tuần để kết thúc năm học.
“Quãng thời gian hoàn tất học kỳ II chưa bằng một nửa so với trước đây, cộng với thời tiết nắng nóng và lịch ôn tập kín mít các môn khiến em cảm thấy mệt mỏi, áp lực”, nữ sinh nói.
Học sinh khối lớp 12 tăng tốc chuẩn bị cho kỳ thi THPT 2020.
Giáo viên cũng chạy đua
Mặc dù chương trình học kỳ II được tinh giản, nhưng nếu các trường dạy trực tuyến không đạt hiệu quả, học sinh sẽ rất chật vật để hoàn thành chương trình bởi quỹ thời gian năm học ngày càng hạn hẹp.
Không riêng học sinh, cả giáo viên cũng than trời, chạy đua với chương trình. Cô Nguyễn Hồng Vân, giáo viên môn Toán một trường THPT (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, ngoài giờ dạy trên lớp, cô tiếp tục các giờ dạy trực tuyến và phụ đạo kèm một số bạn học sinh không có điều kiện học trực tuyến đợt nghỉ dịch.
Thời gian dạy học một ngày của cô Hồng Vân bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối. Cô vừa dạy trên lớp, vừa dạy học kiến thức của 2 tháng trực tuyến cho các em chưa học. Tối đến cô lại chấm bài, sửa bài ôn tập cho học trò. Mọi thứ cứ chồng chéo khiến cô Vân chịu áp lực không kém gì học sinh
“Vất vả nhất là kéo sức ì của học sinh đi lên. Bởi nghỉ dài ngày nhiều em bị lười học, quên kiến thức chỗ nọ, nhầm chỗ kia. Vừa dạy đuổi kiến thức mới, vừa ôn tập kiến thức học trực tuyến, rồi nhiều em ý thức học kém, chểnh mảng khiến các cô giáo cũng áp lực nặng như đá đè”, cô Vân tâm sự.
Thầy Lê Trọng Nghị, giáo viên môn Ngữ văn một trường THPT (Thái Bình) thừa nhận cả thầy và trò đang chạy đua cho kịp chương trình năm học.
Hầu hết các hoạt động ngoại khoá đều lược bỏ, thậm chí giáo viên phải “xin” tiết của môn thể dục, công nghệ, mỹ thuật… để dạy bù cho học sinh. Tất cả ưu tiên thời gian cho việc hoàn thành chương trình học kỳ II và trang bị đủ kiến thức cho các em thi tốt nghiệp THPT.
Hiện nhiều trường học chung tình trạng khó khăn dồn tiết học vừa ôn lại kiến thức học trực tuyến, vừa giảng bài mới.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, với hướng dẫn giảm một số đầu điểm kiểm tra của Bộ GD&ĐT và giảm tải nội dung chương trình học kỳ 2 thì thầy trò cũng giảm áp lực hơn. Nhưng để đảm bảo chất lượng vẫn phải dành thời gian ôn tập lại, củng cố nề nếp học tập cho học sinh.
Dự kiến trường dành 2 tuần để ôn tập lại phần nội dung đã dạy học trực tuyến. Giáo viên sẽ nhóm các chủ đề, bài học liên quan lại để ôn tập hoặc lồng ghép luôn vào các bài mới. Với cách triển khai như vậy sẽ tiết kiệm thời gian học kỳ II và củng cố ôn luyện cho các bạn học sinh cuối cấp.
Đồng thời, trường cũng tổ chức học 2 buổi/ngày nên có phần thuận tiện hơn để tận dung thời gian cho cả thầy và trò.
Video: Phương án thi tốt nghiệp THPT 2020