Ngày 12/4/2018, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị liên ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Cảnh sát PCCC, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã để xem xét, đánh giá đề xuất dự án cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội của Liên danh gồm 3 nhà đầu tư: Công ty CP Tập đoàn AMACCAO, Công ty CP phát triển ĐTXD Việt Nam và Công ty CP ĐT&PT Hạ tầng Hoàng Thành.
Về quy mô đầu tư, Liên danh đề xuất lập một dự án bao gồm tất cả các chợ có nhu cầu đầu tư, xây dựng mới giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn thành phố (tổng số 115 chợ, tổng mức đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng); Đối với dự án thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và gắn với chuyển đổi mô hình quản lý chợ (tổng số 120 chợ); đề xuất xây dựng 4-6 phương án (mỗi phương án 20-30 chợ), khái toán khoảng 7.200 tỷ đồng; trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thành phố phê duyệt để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo quy định hiện hành.
Theo đề xuất của Liên danh, đây là dự án đầu tư một cách tổng thể, đồng bộ cả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành, cả các phường trong nội đô, các thị trấn và các xã vùng nông thôn khó khăn, xa trung tâm.
Mục tiêu của dự án là nhằm đưa chợ trở thành điểm giao thương kinh tế phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đảm bảo văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ. Đồng thời, chợ cũng sẽ là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm văn hóa địa phương với nhiều điểm nhấn về kiến trúc và văn hóa.
Đề xuất táo bạo này nếu được thực hiện sẽ góp phần mang tới một diện mạo mới của Hà Nội khang trang, hiện đại; giúp ổn định an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và văn minh đô thị; tạo công ăn việc làm, là nơi kinh doanh buôn bán ổn định lâu dài cho các hộ kinh doanh buôn bán; tạo điểm nhấn kiến trúc thu hút khách tham quan du lịch.
Đề xuất xây mới chợ ở Hà Nội góp phần ổn định an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và văn minh đô thị. (Ảnh minh họa)
Dự kiến, thời gian khởi công thực hiện dự án từ quý IV/2018 và hoàn thành vào quý II/2019.
Cần thiết đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ Hà Nội
Hệ thống chợ giữ vai trò hết sức quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô. Trên địa bàn hiện có 454 chợ đã tạo gần 200.000 việc làm; tổng lưu chuyển hàng hóa qua chỉ chiếm khoảng 60% phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Tuy nhiên, với thực trạng phần lớn các chợ hiện có đã xuống cấp, hạ tầng chợ không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại; một số địa bàn chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dẫn đến phát sinh thêm tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất trật tự an toàn giao thông; hàng hóa không được kiểm soát về nguồn gốc, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn.
Việc tìm giải pháp khả thi nhằm đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố đạt các mục tiêu văn minh, hiện đại, đồng thời thành điểm nhấn kiến trúc, điểm mua bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ là yêu cầu cấp bách của thành phố Hà Nội, cần sự vào cuộc của toàn thể các Sở, ngành, các tổ chức đoàn thể, trong đó không thể thiếu được vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp.
Video: Hơn chục xe cứu hỏa đắt tiền diễn tập chữa cháy chợ Hà Đông
Sở Công Thương và Liên ngành đánh giá cao tính khả thi đối với đề xuất của Liên danh, cho rằng đề xuất này phù hợp với Luật Xây dựng, đồng thời khắc phục được những tồn tại, vướng mắc trong kêu gọi đầu tư phát triển chợ trên địa bàn Thành phố những năm qua.
Sở cũng đánh giá hệ thống giải pháp của dự án mang tính đồng bộ, phù hợp với thực trạng và mục tiêu phát triển chợ trên địa bàn Thành phố, có khả năng giải quyết được các tồn tại của hệ thống chợ hiện nay và đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra; mang lại lợi ích hài hòa, kết hợp đảm bảo lợi ích của Thành phố, lợi ích của các tiểu thương và lợi ích của nhà đầu tư.
Sở Công Thương và các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thống nhất đề xuất, đề nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương lập Dự án đầu tư hệ thống chợ và thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ trên địa bàn Thành phố theo đề xuất của Liên danh nhà đầu tư, giao cho các cơ quan có thẩm quyền và các lĩnh vực liên quan bắt tay thực hiện từng bước dự án đầu tư, xây dựng chợ mới.
Nếu được thực hiện, ý tưởng táo bạo này chắc chắn sẽ góp phần mang tới một diện mạo Hà Nội mới mẻ, khang trang.