Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thấy mẹ trên tivi con khóc đòi bế, bác sĩ tuyến đầu nức nở không dám hứa ngày về

(VTC News) -

Biết chuyện con gái một tuổi rưỡi òa khóc đòi bế khi thấy mẹ trên tivi, nữ bác sĩ chống dịch ở Bắc Giang không thể kìm lòng nhưng không dám hứa ngày về.

"Chiều 29/5,

Trưa nay, gia đình gửi cho tôi đoạn video ghi lại cảnh tôi xuất hiện trên tivi, Kem - con gái mới gần 18 tháng tuổi của tôi khóc òa khi thấy mẹ. Nhìn con bé bập bẹ gọi mẹ, bàn tay bé xíu chìa ra đòi mẹ bế, tay còn lại vẫn còn cầm chặt đồ ăn khiến lòng tôi đau như cắt.

Chồng tôi kể, cả nhà đang ngồi ăn cơm, thấy giọng tôi trên tivi, bé vội chạy ra nhìn mẹ, òa khóc nức nở, không ngờ mẹ đeo khẩu trang mà nó vẫn nhận ra.

Theo lịch phân công, chiều nay tôi nghỉ, nhưng tôi ước giá như mình không được nghỉ, để tôi cuốn vào công việc ở bệnh viện dã chiến như mọi ngày, chắc có lẽ tôi sẽ vơi bớt nỗi nhớ con.

Bé Kem, con chị Hạnh khóc nức nở khi thấy mẹ trên tivi.

Đây không phải lần đầu tôi chui vào một góc, lặng lẽ cố giấu đi dòng nước mắt vì nhớ con. Con tôi vẫn chưa cai sữa. Tôi từng nghĩ mình sẽ cho con bú đến khi tròn 2 tuổi.

Cách đây 10 ngày, lúc 22h, khi tôi đang bế con ru ngủ thì nhận tin nhắn ngay sáng hôm sau phải lên đường về Bắc Giang chống dịch. Tâm trạng rối bời, cả đêm trằn trọc tôi không sao ngủ được.

Hôm sau, tôi dậy thật sớm, chỉ dám nhẹ nhàng đứng nhìn con từ xa, không dám thơm lên trán con nụ hôn tạm biệt vì sợ con thức giấc. 7h30, tôi có mặt tại bệnh viện, nghe phổ biến các quy định sau đó lên đường ngay. Ngồi trên xe, nghĩ đến con, tôi khóc không ngừng.

Giờ đây, nhiều lúc cùng đồng nghiệp quay cuồng trong công việc khám chữa cho các bệnh nhân COVID-19, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ bớt bận tâm đến con hơn nhưng không phải. Dòng sữa vẫn chảy đều, căng cứng trong bầu ngực tôi. Mấy ngày đầu khi mới đến tâm dịch Bắc Giang, tôi bị tắc sữa, sốt suốt 3 ngày. Bây giờ không còn bị như thế nhưng mỗi khi "sữa về", ngực tôi đau nhói. Khi ấy lòng tôi cũng đau.

Tôi là bác sĩ điều trị cho F0 nên bản thân tôi là F1. Hàng ngày, tôi phải vắt sữa vào chai nhựa rồi bỏ đi, không thể tích trữ gửi về cho con. Lúc đó hình ảnh con gái ở nhà khát sữa hiện lên khiến tôi xót xa vô cùng. Tôi không thể quên mỗi đêm, con bé cần sữa mẹ đến thế nào. Chỉ có vậy thôi đấy mà mỗi lần vắt sữa, tôi lại khóc như mưa.

Thú thật, trời nắng nóng, mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ, bầu ngực căng sữa khiến tôi nhiều lúc như phát điên. Và tôi phải uống nhiều loại thuốc để tiêu sữa.

Tôi nhớ con đến cồn cào. Tôi biết ở nhà Kem của tôi cũng thế. Mọi người kể, bình thường Kem chơi rất vui vẻ nhưng nếu vô tình nhìn thấy ảnh mẹ, con bé lại khóc. Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, con lại òa lên, đòi bế. Nhớ con nhưng tôi đành phải tắt máy rồi quay mặt đi lau nước mắt. Dù hứa với con "ngoan, mấy hôm nữa mẹ về", nhưng đó là nói dối. Bởi tôi cũng đâu biết trước khi nào có thể về nhà.

Mỗi lần gọi điện thoại, nhìn thấy mẹ, bé Kem lại khóc đòi bế

Thỉnh thoảng tranh thủ lúc nghỉ ngơi, tôi xem camera thấy ở nhà 9h tối con mới được ăn cơm. Tôi hỏi chồng, anh ấy nói: "Chẳng ai cho con ăn được đâu em ạ. Cả nhà phải dỗ mãi mới chịu ăn đấy".

Tôi đọc đâu đó trên mạng xã hội có người bình luận "sao con còn nhỏ thế mà còn tình nguyện đi", nhưng đây là nhiệm vụ, dù thương con nhưng tôi sẵn sàng tinh thần cùng đồng đội lên đường. Lên đến đây rồi, ngoài tôi còn rất nhiều người khác cũng phải xa gia đình đi chống dịch. Vậy nên, tôi sẽ gác gia đình sang một bên, cùng đồng nghiệp tập trung chống dịch.

Ở vùng dịch, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải giữ gìn sức khỏe, bởi tôi nghĩ nếu không may mình bị lây nhiễm, thành F0 thì thời gian được trở về bên con sẽ còn lâu hơn nữa".

Vũ Liễu (ghi theo lời kể của BS Phùng Thị Hạnh)

Tin mới