Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thầy giáo ước mơ định danh thương hiệu kiến trúc sư Việt trên bản đồ toàn cầu

(VTC News) -

ThS.KTS Phạm Trung Hiếu có duyên với nhiều giải thưởng từ cấp quốc gia đến quốc tế tại nhiều cuộc thi kiến trúc lớn.

ThS.KTS Phạm Trung Hiếu là giảng viên khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội. Thi đỗ vào trường năm 16 tuổi, Trung Hiếu không ngờ bản thân gắn bó với trường từ đó cho đến nay. Trong 19 năm làm giảng viên Đại học Kiến trúc, anh được nhiều thế hệ sinh viên yêu mến, quý trọng.

Sinh ra lớn lên ở phố Lãn Ông (Hà Nội), Phạm Trung Hiếu có tình cảm đặc biệt với đô thị cổ xưa này. Đồ án tốt nghiệp đại học của thầy (năm 1997) mang tên “Phố Phái xưa & nay”. Đồ án này được giải thưởng trong nước và quốc tế - “mở hàng” cho chuỗi giải liên tiếp của anh về sau này.

Anh và các cộng sự cũng chính là nhóm tác giả nổi tiếng đoạt giải nhất Cuộc thi thiết kế xây dựng Cột mốc Km0 tại hồ Hoàn Kiếm. Đồ án mang tên “Cổng ánh sáng”.

ThS. Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu, khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Nhớ lại những ngày là sinh viên, các thầy cô của Hiếu hồi đó là PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, TS.KTS Trần Đức Khuê, TS.KTS Bùi Quý Ngọc và các thầy cô khác… đã trực tiếp giảng dạy và truyền ngọn lửa say mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm với công việc cho thế hệ các anh.

Với sinh viên, thầy Phạm Trung Hiếu luôn dùng phương pháp truyền lửa với mô hình “huấn luyện viên với cầu thủ”, phát huy năng lực, truyền cho sinh viên ngọn lửa tinh thần, họ sẽ phát huy được hết khả năng của mình.

Thầy cho rằng, các đồ án trên xưởng học mang lại kiến thức nền rất tốt cho sinh viên. Nhưng để kích thích tư duy nhạy bén, sáng tạo thì các dự án thực tế thú vị hoặc các cuộc thi kiến trúc sẽ giúp các bạn sử dụng khối kiến thức cơ bản đó, kết hợp với những điều mỗi sinh viên tự chiêm nghiệm được ở một dạng thức thăng hoa hơn.

Số lượng sinh viên được anh hướng dẫn đoạt giải thưởng quốc gia, quốc tế rất nhiều và đa dạng ở các thể loại. Gần đây nhất là tại cuộc thi "Ý tưởng Kiến trúc Bệnh viện Dã chiến" nhóm sinh viên do thầy Hiếu hướng dẫn đã giành hai giải thưởng là Ý tưởng xuất sắc và Thiết kế ấn tượng.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và hướng dẫn đồ án cho sinh viên, thầy Hiếu nhận thấy, hầu hết sinh viên kiến trúc hay chọn đề tài thiết kế có tính hoành tráng, quy mô khá lớn chứ ít khi gắn với thực tiễn. Như thiết kế Trung tâm thương mại, khách sạn, resort 5 sao… những đề tài này, sau khi ra trường nhiều năm các em mới có thể thực sự có kinh nghiệm làm chủ nhiệm đồ án, đồng thời tính chất đề tài cũng không mang ý nghĩa xã hội cao.

Vì vậy, theo thầy Hiếu, sinh viên kiến trúc nên chọn đề tài thiết thực, không cần quá lớn, quá phức tạp nhưng giúp ích được cho xã hội, khi đạt được những thành quả ban đầu. Đó sẽ là động lực khiến các em tự tin hơn trên con đường trưởng thành.

Thầy Hiếu hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện các đồ án thiết kế.

Khi làm việc với những nhóm sinh viên nhiệt huyết và đam mê nghệ thuật, Phạm Trung Hiếu luôn trân trọng tất cả bởi các bạn sinh viên ấy lúc nào cũng lạc quan. Họ thể hiện ở mọi lúc mọi nơi, dù thành công hay thất bại, dù áp lực của khối lượng công việc và “deadline” gấp gáp thế nào các bạn vẫn giữ được tinh thần “thép” của mình.

Trong bộ sưu tập các giải thưởng kiến trúc danh giá quốc tế mà thầy Phạm Trung Hiếu hướng dẫn sinh viên, có thể kể đến giải Nhất của cuộc thi kiến trúc quốc tế: “Thiết kế Nhà thờ đạo Tin lành trên mỏm núi nổi tiếng Pulpit Rock” tại Na Uy; giải nhất cuộc thi Futur Arc tại Singapore, do tập đoàn BCI Asia (Singapore) và tập đoàn Autodesk (Mỹ) tổ chức; giải nhì cuộc thi Urban Meal Mine thiết kế Mô hình chợ đầu mối tại London (Anh)…

Thông qua các cuộc thi quốc tế, thầy Hiếu và sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội đã ghi danh thương hiệu của mình nói riêng và của nền kiến trúc Việt Nam nói chung trên bản đồ kiến trúc thế giới.

Thiết kế Nhà thờ đạo Tin lành trên mỏm núi nổi tiếng Pulpit Rock” tại Na Uy được quốc tế khen ngợi.

Phạm Trung Hiếu chia sẻ, thời gian tới có thể anh sẽ hướng dẫn một nhóm sinh viên nghiên cứu về việc thay đổi cấu tạo một số chi tiết kiến trúc để hạn chế tiếp xúc bề mặt, tránh dùng vân tay mà dùng cách thức khác để ra vào ở các không gian công cộng.

Dịch bệnh cho thấy phương thức tiếp xúc các vật thể kiến trúc cần được nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp phong phú hơn. Chính những nghiên cứu liên tục này đã thúc đẩy anh luôn quan tâm tham gia nhiều đề tài khoa học, cuộc thi kiến trúc.

Anh mong được dùng kiến thức có được để hướng dẫn nhiều lứa sinh viên - những người góp phần xây dựng tương lai cho đất nước và ghi danh thương hiệu của kiến trúc sư Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.

Nhật Nam

Tin mới