Tối 29/5, hơn 73.000 học sinh lớp 12 khối THPT ở Hà Nội tham gia thi môn Toán của kỳ thi khảo sát chất lượng học sinh. Kỳ thi nhằm đánh giá và tự đánh giá chất lượng học sinh. Từ đó, giáo viên và học sinh có thể căn cứ kết quả kỳ thi để điều chỉnh phương pháp học phù hợp.
Tuy nhiên sau khi kết thúc buổi thi môn Toán, một số học sinh phản ánh trong giờ thi khảo sát trực tuyến, thầy N.T.Đ- giáo viên dạy Toán online chỉ đạo trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án cho các học trò của mình.
Ngày 2/6, chia sẻ với VTC News, thầy N.T.Đ thừa nhận thông tin học sinh phản ánh là đúng. "Tôi có để trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án cho các học trò của mình trên nhóm học ôn tập”.
Giải thích về hành động này, thầy N.T.Đ cho biết, đề thi khảo sát môn Toán của Sở GD&ĐT Hà Nội rất hay, tính phân loại học sinh ở mức độ tương đối, phù hợp cho năm nay. Nhưng cách thi thử online thì có 1 vài bất cập.
Cụ thể, học sinh có thể tham gia làm bài khảo sát bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian 19h30 đến 22h. Học sinh thi chung 1 đề thi và đảo câu hỏi thành các mã đề. Khi thi thử online, học sinh nộp bài lên là có thể thấy được câu đúng và câu sai. Vì vậy những bạn nộp bài sau hoàn toàn có thể hỏi bạn bè đã nộp trước để điền đáp án hoặc nhờ người khác.
Thầy Đạt cho biết, nhiều học sinh của mình vì vướng lịch học nên không thể hoàn thành bài thi tại thời điểm đó. "Vì vậy tôi dặn các em cứ đi học bình thường để nạp kiến thức mới. Còn bài thi trên lớp trợ giảng sẽ giúp đỡ các em. Tôi cũng đã nói trên lớp rất rõ là bài thi này không phản ánh hoàn toàn điều gì. Thầy không dạy các em gian lận. Nhưng để cho xong thì thầy có thể tạo điều kiện”, thầy giáo này nói.
Thầy giáo viên N.T.Đ chỉ đạo trợ giảng giải bài và công khai đáp án cho học sinh sao chép. (Ảnh chụp màn hình)
Về vấn đề trên, ông Hoàng Công Thịnh, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã năm bắt được phản ánh, lập tức chỉ đạo xác minh và làm rõ sự việc. Nếu đúng có sai phạm sẽ nhắc nhở và giải quyết hợp lý, đảm bảo minh bạch kỳ thi.
Đây là kỳ kiểm tra tự nguyện, tự giác nhằm rà soát chất lượng học sinh; phụ huynh sẽ là người trực tiếp giám sát các em làm bài thi. Do đó mức độ nghiêm túc, tính trung thực phụ thuộc vào sự tự giác.
Nếu đúng có trường hợp học sinh làm bài thi kiểu chống đối như vậy thì hy vọng phụ huynh sẽ uốn nắn con cái. “Tôi xin nhắc lại kỳ thi này không bắt buộc phải lấy điểm, kết quả thi sẽ mang tính chất tham khảo và làm căn cứ để các em điều chỉnh phương pháp học phù hợp, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020”, ông Thịnh nói.
Kỳ kiểm tra khảo sát chất lượng học sinh Hà Nội diễn ra trong 3 đợt, nhằm giúp giáo viên, học sinh nhìn thấy điểm yếu, hạn chế trong ôn luyện để bổ sung kiến thức kịp thời.
Để bảo đảm cho toàn bộ học sinh lớp 12 đều có thể tham gia khảo sát, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp tích cực với phụ huynh học sinh chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất (máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, đường truyền kết nối internet); rà soát và có giải pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia khảo sát.
Dân mạng bức xúc
Khi câu chuyện trên chia sẻ trên mạng, phần đông dân mạng rất bức xúc với hành vi trên của thầy giáo. 'Nói gì thì nói thầy giáo rõ ràng là đang ngụy biện. Kể cả kỳ thi của Sở có bất cập thì liên quan gì đến việc thầy giúp học sinh. Là người thầy hơn ai hết hiểu rõ được điều đó, đằng này lại làm bài hộ học sinh", tài khoản Thi Thu viết.
"Thầy đã sai còn ngụy biện. Đáng lẽ dạy học tính tính thật thà thì đằng này lại làm hỏng cả thế hệ học trò", Hà Tâm cho hay.
Nhiều tài khoản Facebook khác cho rằng, kể cả mục đích kỳ thi không phải lấy điểm thì hành vi của thầy đang tiếp tay cho sự gian lận. Điều chúng ta đang muốn xóa bỏ. "Hay thầy đang làm chiêu trò để quảng cáo cho bản thân và lớp học của thầy", một dân mạng bày tỏ.