Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thấy gì ở tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới?

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, từ ngày 27/6, Mỹ tổ chức tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2024 trong 5 tuần tại Hawaii.

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, từ ngày 27/6, Mỹ tổ chức tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2024 trong 5 tuần tại Hawaii, đây được ví như “cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới”.

Điểm nóng an ninh

Thành lập năm 1971 với ba nước ban đầu là Australia, Canada và Mỹ, RIMPAC 2024, quy tụ lực lượng vũ trang của 29 quốc gia, với mục tiêu tăng cường quan hệ đa phương và hiện thực hóa tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của quân đội Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như các quốc gia ở Đông Nam và Nam Á, Mỹ Latinh và bảy quốc gia châu Âu.

RIMPAC 2024 quy tụ lực lượng vũ trang của 29 quốc gia, với mục tiêu tăng cường quan hệ đa phương và hiện thực hóa tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ảnh minh họa. (Nguồn: Times of San Diego)

Chương trình RIMPAC 2024 tập trung vào chiến đấu và huấn luyện dự phòng trên đất liền, trên không và trên biển, với 150 máy bay, 40 tàu mặt nước, 3 tàu ngầm và hơn 25.000 quân nhân thực hiện các cuộc đổ bộ, huấn luyện chiến đấu đô thị, tác chiến chống tàu ngầm, diễn tập đánh chìm tàu, cũng như các hoạt động mạng và không gian.

Cuộc tập trận sẽ tổ chức hoạt động huấn luyện cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai lớn nhất từ ​​trước đến nay. Lực lượng viễn chinh và 2.500 người tham gia từ tám nước phối hợp với các tổ chức bên ngoài, gồm Liên hợp quốc và các nhóm phi lợi nhuận. Theo người phát ngôn RIMPAC, cuộc tập trận đề cao tính chiến thuật, củng cố năng lực cứu trợ thảm họa và nhân đạo toàn diện, cũng như chiến tranh tích hợp đa miền.

RIMPAC năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực dâng cao. Mỹ tìm cách tăng cường quan hệ đối tác đa phương liên khu vực, thiết lập các thỏa thuận quốc phòng mới và phát triển năng lực quân sự trên khắp châu Á-Thái Bình Dương. Vài ngày trước khi diễn ra RIMPAC, Washington còn tiến hành các cuộc tập trận ném bom chiến lược, điều một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên và tiến hành các cuộc tập trận chiến đấu tại Thái Bình Dương với đồng minh.

Trong khi đó, Trung Quốc từng tham gia RIMPAC năm 2014 và 2016, nhưng trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, Bắc Kinh không được mời tham dự năm 2018 và cả năm nay. Gần đây, Trung Quốc tăng cường tập trận quân sự quanh Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều lần đụng độ với Philippines tại các đảo và bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông.

Mặt khác, Nga đang tích cực triển khai hoạt động ngoại giao trong khu vực. Trong hai tháng qua, Tổng thống Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp cao tới Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Đặc biệt, việc Moscow ký kết thỏa thuận quốc phòng với Bình Nhưỡng báo hiệu giai đoạn hợp tác mới đáng chú ý của hai nước.

Trả lời tờ Al Jazeera, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Pacific Forum, Viện nghiên cứu chính sách châu Á Thái Bình Dương ở Hawaii, ông David Santoro cho biết, sau 25 năm tập trung chống khủng bố, thế giới đang chứng kiến xung đột nóng quay trở lại, như những gì đang diễn ra tại châu Âu, Trung Đông và nguy cơ có thể xảy ra với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore tháng 6/2024. (Nguồn: AFP)

Trung tâm địa chính trị

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, châu Á-Thái Bình Dương là trung tâm chiến lược an ninh của Mỹ và khẳng định “Mỹ chỉ có thể an toàn nếu châu Á an toàn”. 

Trả lời câu hỏi liệu Washington có đang cố gắng xây dựng một liên minh giống Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực, ông Austin cho hay, các nước cùng chí hướng, cùng giá trị và tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở đang hợp tác để cùng đạt mục tiêu. Theo đó, Nhà Trắng đang tăng cường quan hệ với các đồng minh, đối tác và các nước khác cũng dần củng cố quan hệ lẫn nhau trong khu vực.

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương. Phát biểu trước chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng, ông Stoltenberg lưu ý: “Những gì xảy ra ở châu Âu quan trọng với châu Á và những gì xảy ra ở châu Á quan trọng với châu Âu”.

Trong khi RIMPAC được ngợi khen vì thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia đối tác, cuộc tập trận đang vấp phải chỉ trích từ nhà hoạt động môi trường và người dân bản địa. Họ khẳng định cuộc tập trận gây ra suy thoái môi trường trên diện rộng, đe dọa hệ sinh thái mỏng manh của Hawaii và xâm phạm lợi ích an ninh của quốc đảo.

Phản ứng trước các cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hạm đội 3 của Washington tuyên bố, mục tiêu của RIMPAC là tăng cường an ninh và cho phép Nhà Trắng thực thi các quyền tự do và quyền bảo vệ môi trường.

Trợ lý Giáo sư nghiên cứu sắc tộc tại Đại học Hawaii, ông Kyle Kajihiro đã chỉ ra nhiều ví dụ về ô nhiễm quân sự ở Hawaii và các khu vực khác của Thái Bình Dương, ông cho rằng tác động của hoạt động diễn tập quân sự khiến đất khó phát triển, biến những nơi có sự sống thành không gian của cái chết.

Như vậy, RIMPAC 2024 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực dâng cao, ba nước lớn Mỹ, Trung Quốc và Nga đẩy mạnh hoạt động ngoại giao và quân sự nhằm củng cố an ninh, tăng cường vị thế trong khu vực. Trong khi đó, các bên liên quan đều nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương là trọng điểm địa chính trị của thế giới, hứa hẹn khu vực này xuất hiện nhiều diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam

Tin mới