Ngày 13/8, người phụ nữ họ Vương ở Thượng Hải, Trung Quốc xem video của một blogger về một bé gái bị lạc tại nhà ga xe lửa. Blogger này đang cố gắng tìm kiếm cha mẹ đứa bé. Một người bạn của Vương đã gửi video cho cô sau khi nhận thấy sự giống nhau đến kinh ngạc giữa cô bé và con gái của Vương - đứa trẻ được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
“Bạn tôi hỏi có phải tôi bị lạc mất con không. Tôi hoàn toàn sửng sốt. Bé gái này trông giống con gái tôi thật, ngay cả biểu cảm cũng giống hệt", Vương nói với tờ Chinese Business View.
Hai bé gái trông giống nhau đến kỳ lạ, khiến người mẹ nghi ngờ đó là chị em ruột. (Ảnh: Baidu)
Trong quá trình "sinh" con gái nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, Vương đề nghị lưu trữ các phôi thai được tạo ra dịp này tại bệnh viện để chờ sinh đứa con thứ hai. Khi thấy cô bé trong clip trên mạng, cô nghĩ quy trình IVF của mình có sai sót, phôi thai của cô đã bị sử dụng sai mục đích.
Thủ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của Vương được thực hiện vào tháng 5/2018 tại một bệnh viện ở Thượng Hải, với chi phí khoảng 70 - 80 nghìn nhân dân tệ (244 - 279 triệu đồng) bao gồm lấy nhiều trứng và cấy phôi.
“Khi thực hiện IVF, họ không chỉ lấy một trứng. Có thể đã có sai sót khi trứng của tôi được đưa cho người khác, hoặc có thể bác sỹ đã mắc lỗi. Chúng tôi không dám cáo buộc bệnh viện làm sai trái khi không có bằng chứng, nhưng nếu có vi phạm, chúng tôi cần phải giải quyết", Vương nói. Cô muốn liên lạc với gia đình bé gái để xét nghiệm ADN xem có mối liên hệ sinh học nào giữa bé và con mình không. Tuy nhiên, nỗ lực liên lạc với gia đình đó qua blogger đã đăng video không thành công.
Sau đó, Vương kêu gọi công khai bằng cách đăng tải một video nhằm liên lạc với gia đình cô bé. “Tôi chỉ muốn tìm gia đình này để xác nhận tình hình. Nếu sự giống nhau này hoàn toàn là ngẫu nhiên, chúng tôi thậm chí có thể trở thành bạn bè. Tôi không có ý xấu. Mặc dù chúng tôi không có quyền yêu cầu bất cứ điều gì, nhưng chúng tôi vẫn muốn có câu trả lời”, Vương nói.
Câu chuyện này nhận được sự quan tâm của cư dân mạng Trung Quốc. Nhiều người cho rằng sự giống nhau về ngoại hình là hoàn toàn bình thường: "Chỉ là bọn trẻ trông giống nhau thôi. Sao phải bận tâm tìm gia đình đó? Cô ấy đang cố chứng minh điều gì vậy?"; "Có khả năng cô gái kia được sinh ra một cách tự nhiên và việc họ trông giống nhau chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên không?”...
Một số ý kiến cho rằng, hành động của Vương sẽ khiến mọi việc trở nên rắc rối hơn: “Cô ấy làm vậy chỉ gây rắc rối thôi. Nếu có vấn đề gì thì nên đến bệnh viện, không nên làm phiền gia đình kia. Việc này nên được giải quyết riêng tư, không nên đăng lên mạng”.
Ngày 18/8, cha mẹ của bé gái đi lạc đã xuất hiện trên mạng, tuyên bố rằng con gái họ hiện đã hai tuổi rưỡi, được sinh ra theo cách tự nhiên. Họ đã báo cáo sự việc với cảnh sát ở Thượng Hải. Sau đó, Vương đã xóa đoạn video cô đăng tải.
Khoảng 300.000 trẻ sơ sinh được sinh ra bằng phương pháp IVF ở Trung Quốc mỗi năm. (Ảnh: Shutterstock)
Theo số liệu được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố vào tháng 6, có khoảng 300 nghìn trẻ sơ sinh được sinh ra nhờ IVF mỗi năm, chiếm 2% tổng số trẻ sơ sinh trên cả nước. Công nghệ hỗ trợ sinh sản này chỉ dành riêng cho các cặp đôi đang gặp vấn đề về khả năng sinh sản chứ không dành cho các cặp chưa kết hôn.