Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thâu tóm GM Motors, Vinfast có lợi thế gì?

Thương vụ Vinfast mua lại GM Motors đã giúp hãng ô tô "Made in Việt Nam" đến gần tới tay người tiêu dùng và giải quyết được kênh phân phối, mở rộng nhà máy cũng như bằng sáng chế, thương hiệu.

GM Motors (General Motors) bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2002 sau thương vụ  mua lại Công ty Daewoo Motor (Hàn Quốc). Chỉ vài năm sau đó (năm 2006), GM quyết định "khai tử" thương hiệu Deawoo, thay vào đó là biểu tượng chữ thập của Chevrolet. Một số sản phẩm thời kỳ đầu GM Motors bước chân vào thị trường Việt Nam là Chevrolet Captiva, Chevrolet Spark, Chevrolet Cruze.

Các mẫu xe này đều được sản xuất tại nhà máy của GM Việt Nam tại Thanh Trì (Hà Nội), tiền thân của nhà máy GM là nhà máy liên doanh Vidamco (Liên doanh giữa Công Ty Daewoo Motor Hàn Quốc và Xí Nghiệp Liên hiệp Cơ khí 7893 Bộ Quốc phòng).

GM hoạt động tại Việt Nam với một thương hiệu duy nhất là Chevrolet. Trên thực tế, GM toàn cầu còn sở hữu hàng loạt thương hiệu xe khác như: Buick, Cadillac, GMC, Opel, Vauxhall, Holden và Wuling.

GM Motors làm ăn ra sao tại Việt Nam?

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán xe của Chevrolet trong năm 2017 là 10.576 chiếc (chiếm 4,2% toàn thị phần ô tô tại Việt Nam), đây là một con số khá khiêm tốn trong mặt bằng chung của thị trường.

 Xét về doanh số bán xe, Chevrolet chỉ bằng 1/5 so với Toyota, Thaco (bao gồm các thương hiệu KIA, Mazda và Peugoet), tương đương với Honda và xếp trên Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu,....

Với 4,2% thị phần ô tô, Chevrolet vẫn chỉ là "hãng xe nhỏ". Xét về doanh số bán xe, Chevrolet chỉ bằng 1/5 so với Toyota, Thaco (bao gồm các thương hiệu KIA, Mazda và Peugoet), tương đương với Honda và xếp trên Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu,....

Tuy nhiên, Chevrolet là một hãng xe phát triển khá bền vũng tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2015, GM bán được hơn 7.300 xe, tăng 43% so với năm 2014; năm 2016, lượng xe Chevrolet bán được đạt 9.700 xe, đạt thị phần 3,2%; năm 2017, mức tiêu thụ là Chevrolet cao kỷ lục là 10.576 xe, tăng 8,5%, giữ 3,9% thị phần.

Mẫu xe ăn khách nhất của Chevrolet Việt Nam là mẫu bán tải Corolado. Trong năm 2017, Corolado tiêu thụ được 3.082 chiếc, đứng thứ 2 trong phân khúc pick-up và đứng sau mẫu "vua bán tải" Ford Ranger.

Mẫu xe ăn khách nhất của Chevrolet Việt Nam là mẫu bán tải Corolado.

Mới đây nhất, Chevrolet giáng một đòn mạnh vào phân khúc SUV với dòng Trailblazer khi nhanh chóng đưa mẫu xe này về Việt Nam. Chưa dừng tại lại đó, Chevrolet lập tức ưu đãi giá bán xe tới 80 triệu đồng, khiến Trailblazer trở thành mẫu SUV có giá bán lẻ rẻ nhất nhì thị trường. Trong tháng đầu tiên ra mắt, Chevrolet Trailblazer tiêu thụ được 164 chiếc.

Sang 5 tháng đầu năm 2018, cũng giống như nhiều hãng xe khác, Chevrolet bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116 khiến nhiều mẫu xe nhập khẩu không thể đưa về kinh doanh được. Theo số liệu của VAMA, trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng số xe Chevrolet tiêu thụ được là 3.966 chiếc, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2017. 

"Ông già ốm yếu" của ngành sản xuất ô tô thế giới

GM được mệnh danh là "ông già ốm yếu" của làng ô tô thế giới. Bởi lẽ, GM có một chiều dài phát triển đáng nể với hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất ô tô, song GM với thương hiệu Chevrolet đang gặp khá nhiều vấn đề với hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới.

Các thương hiệu xe mà GM nắm giữ.

Cụ thể, năm tài chính 2017, GM báo lỗ 3,9 tỷ USD, do tác động từ cải cách thuế ở Mỹ và chi phí phi tiền mặt trị giá 6,2 tỷ USD từ thương vụ bán nhãn hiệu Opel và Vauxhall cho tập đoàn PSA.

Tới quý I/2018, doanh số của General Motors dù tăng 3,8%, nhưng doanh thu lại giảm 3% xuống còn 36,1 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng chỉ còn 1 tỷ USD, giảm 60% so với mức 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Trên sàn giao dịch NYSE, cổ phiếu S-GM đang tăng trở lại, trong phiên giao dịch mới nhất, S-GM được giao dịch ở ngưỡng 41,30 USD, tăng gần 12 USD so với trước đó 1 tháng.

Đã có thời điểm, GM đứng trên bờ vực phá sản vì gánh khoản nợ 172,8 tỷ USD. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thời kỳ đó là ông Barack Obama đã "hào phóng" rót cho GM 50 tỷ USD và giành lấy 60% cổ phần của hãng xe này. Đây được xem là vụ can thiệp lớn bất thường của Chính phủ Mỹ vào ngành công nghiệp nước này.

Vinfast được lợi gì khi mua lại GM Motors Việt Nam?

Việc Vinfast mua lại GM Motors Việt Nam là một điều khá bất ngờ. Bởi lẽ, trước đó, Vinfast đã hợp tác rất chặt chẽ với BMW để tiến hành sản xuất ô tô "made in Việt Nam".

Theo thoả thuận, VinFast sẽ tiếp nhận hệ thống đại lí hiện tại của GM Việt Nam và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Vinfast sẽ sử dụng hệ thống đại lý của GM dể tạo ra mạng lưới bán hàng và dịch vụ thuận tiện là một trong những yếu tố tiên quyết cho các hãng xe nếu muốn thúc đẩy doanh số.  

Mua GM Motors thể hiện mục tiêu phát triển nhanh của Vinfast khi tận dụng được nhà máy sẵn có của GM cũng như các công nghệ của hãng xe Mỹ để sản xuất xe nhỏ.

Vinfast cũng sẽ tận dụng được hệ thống đại lý của GM (gồm 8 ở miền Bắc, 3 miền Trung và 11 miền Nam) để tạo ra mạng lưới bán hàng và dịch vụ thuận tiện cho khách hàng. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết cho các hãng xe nếu muốn thúc đẩy doanh số. Việc này cũng sẽ giải quyết bài toán phân phối cho các mẫu xe Vinfast khi sản phẩm này chính thức ra mắt trên thị trường.

Ngoài ra, Vinfast sẽ tiếp tục phát triển nhà máy sản xuất Chevrolet Việt Nam. Nhiều khả năng, cơ sở này sẽ là nơi sản xuất một số linh kiện ô tô để đảm bảo việc nội địa hóa 60% vào năm 2025 của Vinfast. 

Nên nhớ, GM Motors là một trong những hãng xe lâu đời trên thế giới, bản thân GM có rất nhiều bằng sáng chế, các công nghệ sản xuất ô tô tiên tiến. Với việc VinFast mua lại hoạt động của GM Việt Nam, hãng xe Mỹ sẽ trở thành đối tác công nghệ của VinFast. Đây chính là "chất xúc tác" cho một hãng xe "tân binh" như Vinfast. Về lâu dài, Vinfast vẫn sẽ phải tự phát triển công nghệ riêng, bản sắc riêng của mình để tồn tại.

Video: Lộ diện những hình ảnh được cho là ô tô Vinfast

Việt Vũ

Tin mới