Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thắt lòng… Miền Trung ơi!

Khi những ám ảnh kinh hoàng từ trận lũ lịch sử diễn ra đầu tháng vẫn còn trĩu nặng, thì trong mấy ngày vừa qua, ngay khi bài viết này đang lên trang...

Ở miền Trung, sau lũ không chỉ là đói ăn, dịch bệnh, thảm hoạ môi sinh, mà sau lũ còn là lũ. Lũ chồng lên lũ. Khi những ám ảnh kinh hoàng từ trận lũ lịch sử diễn ra đầu tháng vẫn còn trĩu nặng, thì trong mấy ngày vừa qua, ngay khi bài viết này đang lên trang, mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống các tỉnh miền Trung, tiếp tục gây ra những hậu quả nặng nề. Người dân miền Trung còn chưa kịp gượng dậy sau cơn lũ trước giờ lại gồng mình chống chọi với những siêu bão tiếp theo, nước mắt hòa cùng nước lũ, đau thương khó khăn chất chồng…

 

 Hình ảnh người dân xin cứu trợ

Trắng trời, trắng đất… trắng tay

Hà Nội mấy hôm nay trở lạnh, chỉ se se lạnh thôi nhưng cũng khiến không ít người phải ái ngại. Vậy mà, tại miền Trung, những ngày tháng 10 như bao tháng 10 của các năm trước, vẫn lũ, vẫn sông, vẫn nhà tan cửa nát. Số người chết, bị thương và mất tích vẫn không dừng lại. Thiệt hại có thể thống kê được đã lên tới gần 2.900 tỷ đồng. Đằng sau con số lạnh lùng ấy là những cảnh đời tan tác, bi thương và khốn cùng. Hàng trăm, hàng nghìn người phải tiếp tục chạy lên núi để tránh dòng nước lũ khi mà những mái nhà của họ đã bị nhấn chìm hòan toàn. Thiếu thức ăn, nước uống, quần áo ấm và trên hết là nỗi sợ hãi bao trùm.

Hoang tàn, đổ nát là cảm giác của bất cứ ai khi bước chân về vùng lũ lúc này. Trẻ em ngồi trên nóc nhà với quần áo ướt đẫm vẫy tay, các cụ già run rẩy dưới những mái nhà kêu cứu và òa khóc như trẻ con khi nhìn thấy đội cứu hộ. Xung quanh các mái nhà đều lổn nhổn người lẫn heo, gà sống chung. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng trăm xã bị cô lập. Hai cơn lũ liên tiếp ập đến, dải đất nghèo miền Trung vật lộn với cảnh thiếu đói, nhà cửa tan hoang. Cả một dải đất chẳng còn gì ngoài mênh mông biển nước. Người dân phải nhịn đói qua ngày chờ con nước xuống. Hàng trăm ánh mắt ngơ ngác tuyệt vọng nhìn thủy thần nhấn chìm làng mạc, nhà cửa, cuốn phăng đi những tài sản có giá trị mà họ chắt chiu dành dụm, tần tảo cả mấy năm trời. Những bàn thờ được lập vội trong những góc nhà nước còn ngập; những chiếc thuyền chênh vênh, chở những người xấu số bị lũ cuốn trôi, những vành tang trắng trên khôn mặt trẻ thơ, những cánh tay vẫy vùng trong tuyệt vọng…

Sức con người dù có mạnh mẽ  đến dường nào, cũng trở thành bé nhỏ, mỏng manh, trước thiên tai. Dù có dũng cảm đến dường nào, cũng trở nên yếu ớt, vô vọng, cô đơn trước biển nước trắng trời. Nước ngập gần đỉnh cột điện cao thế, hàng trăm ngôi nhà chìm nghỉm trong dòng nước đỏ ngầu. Gỗ rừng, dây điện lấp lửng dưới mặt nước, buộc xuồng cứu trợ phải tắt máy mới vào được tận nhà dân. Có gia đình ở Hà Tĩnh, khi đội cứu hộ dỡ ngói leo vào thì chỉ thấy một ông già ngồi rúm ró bên nồi măng luộc ăn dè đã suốt mấy ngày. Ông Bùi Văn Giá, hơn 70 tuổi ở xã Đức Bồng, Hà Tĩnh cho biết “Dù tui đã sống hơn nửa thế kỷ nhưng kể cả cơn lũ lịch sử năm 1962 cũng không to đến mức này. Cái xe Dream là tài sản quý giá nhất trong nhà, đã yên tâm buộc dây thừng treo lên giữa nhà, thế mà giờ vẫn đang bì bõm trong nước”. Người ta cũng không thể quên hình ảnh cụ bà Nguyễn Thị Đức ở Hà Tĩnh phải cùng con cháu bám trên cây mít cả đêm vì nhà sập, đói và rét nhưng vẫn không dám ngủ vì sợ rơi xuống nước.

Các tuyến đường về các xã nằm ở tâm lũ đã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Hầu hết các địa phương ven quốc lộ 8 ở Hà Tĩnh đều phải đưa trâu, bò, lợn, gà và tài sản lên đường mòn Hồ Chí Minh tránh lũ. Hàng chục ngàn gia đình đang sống trên núi, trên nóc nhà và trên bè nổi.

Chị Trần Thị Thúy ở Tuyên Hóa, Quảng Bình nức lên: “Chập tối, nghe tiếng anh em, họ hàng kêu cứu, hai vợ chồng tất tả chạy đi hỗ trợ. Đến gần sáng về thì… không thấy nhà mô nữa”… Ở khoảng đất mà trước đây vẫn là một ngôi nhà khá khang trang thì giờ đây, sau cơn lũ, tất cả còn lại chỉ là khoảng nền trống trải. Nhưng người chủ của nó vẫn phải cố bòn mót những gì còn sót lại, cũng chẳng được là bao, nhưng là để tự an ủi lòng mình. Đây là trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Đến thời điểm này, những con số thiệt hại về người và của vẫn chưa dừng lại, nhưng chắc chắn sẽ rất thảm khốc, nặng nề.

 

 Nhận quà cứu trợ

Sống lại thời “nguyên thủy”

Để tránh cơn lũ dữ, hàng trăm người ở miền Trung đã phải chạy lên những vách núi cheo leo, bám vào những lèn đá để tồn tại và sống như những người… nguyên thủy. Mỗi người chỉ có một bộ quần áo trên người, ướt lại khô, khô lại ướt. Chỉ có cây rừng âm u, và dòng nước đỏ ngầu phù sa lạnh lẽo, vô cảm, có thể cuốn phăng bất cứ sinh mệnh nào nếu vô tình gặp phải. Trước cái lạnh thấu xương của núi đá vôi, lại thêm đói khát, khuôn mặt của họ tái nhợt và đầy hoang mang. Mỗi lần có đoàn cứu trợ đến, người dân trên các vách đá lại chạy ùa xuống để xin mì tôm. Hàng chục đứa trẻ lem luốc nhanh tay bóp vụn gói mì, ngấu nghiến. Trong lúc này, một mẩu mì tôm sống cũng giúp người ta bám trụ được thêm một ngày. Xa xỉ lắm thì nấu được một nồi mì chia nhau. “Nhìn cảnh hai đứa nhỏ lạc mất gia đình, đôi mắt hoảng sợ chạy khắp sườn núi để tìm bố mẹ, hay những em khác ngồi hí húi nấu gói mì cho nhau ăn, nồi nước không thể sôi vì hết củi, khói bay nhem nhuốc khuôn mặt mà không ai cầm được nước mắt. Mình cũng làm bố, cũng có con nhỏ, nên nhìn cảnh đấy mà đau thắt lòng. Có những cụ già bằng tuổi bố mẹ, ông bà của mình rét run lẩy bẩy trong những bộ quần áo ướt, ngày này qua ngày khác, đôi dép đứt chỏng chơ, phô ra những bàn chân ghẻ lở do nước ăn chân… Có đến tận nơi và chứng kiến những cảnh ấy, mới hiểu hết những đau đớn mà người dân miền Trung đang phải trải qua”- anh Đình Huy của kênh VTC14 vẫn còn nguyên xúc động khi nhớ lại chuyến đi miền Trung làm chương trình lũ lụt vừa qua. Anh kể thêm, có nơi vừa hôm trước đi qua còn thấy con lợn nái ngoe nguẩy đuôi buộc ở mõm đá, nay trở lại đã thấy xác nằm chỏng chơ trên mặt đất, ngay bên cạnh chỗ nằm của những người ốm.

Tránh được dòng nước lũ thì lại phải chống chọi với cái đói và bệnh tật để sống qua ngày. Những người đàn ông phải dùng rựa để xẻ thịt những con bò chết vừa mới vớt được. Trên đồi Ngá, thôn Cổ Liêm, có trên 300 thân hình tiều tụy bắt đầu phải chiến đấu với dịch bệnh. Cả người ốm và gia súc chết cùng nằm ở dưới đất bùn trong một manh chiếu hẹp. Đã có rất nhiều người bị sốt cao, đặc biệt là trẻ nhỏ. Cơn lũ còn chưa kịp rút thì hàng chục người dân ở Tân Hóa, Quảng Bình đã bắt đầu mắc các bệnh tiêu chảy, đỏ mắt... Những phóng viên VTC14, trong quá trình tác nghiệp tại vùng lũ ở Hà Tĩnh vẫn không thể quên, câu chuyện về một đứa trẻ sinh ra trong lũ, không có sữa để bú vì người mẹ bị lũ cuốn trôi.

Lũ có thể đã qua đi, nhưng nỗi đau vẫn đè nặng lên những người còn lại.

 

 Hai ông cháu đêm nay đã có chăn ấm để đắp

Bao giờ nước mắt thôi rơi…!

Nước mắt có lẽ là thứ dễ nhận thấy nhất ở miền Trung trong những ngày này. Nước mắt của rất nhiều cảnh ngộ khác nhau. Nước mắt của những đứa trẻ mất mẹ, và của cả những người mẹ đau đớn mất con trong làn lũ dữ. Phải gắng gượng lắm, bà Nguyễn Thị Lý ở Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình mới có thể đứng dậy thắp hương cho người con trai duy nhất của mình, vừa bị qua đời trong lũ dữ, 17 tuổi, thảm cảnh khiến người ta chua xót nhớ đến câu “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời…”.

Những giọt nước mắt của bà Nguyễn Thị Vinh ở Xuân Lộc, Quảng Phúc, Quảng Trạch - người mẹ có 2 đứa con trai thiệt mạng trong cơn lũ vừa qua, đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. “Khoảng 3h sáng ngày 4/10, con gọi về “mẹ ơi, tàu con bị cuốn trôi rồi, mẹ cứu con”. Nước lúc đó đã lên đến ngang bụng, tui vội gác 2 đứa con nhỏ lên nóc tủ rồi lội bì bõm đi tìm con. Nhưng mưa to gió lớn, tui chạy ra không thấy ai, chạy gọi con lạc cả giọng mà không thấy ai…”.

Đó còn là nước mắt của em Mai Thị Kim Dung lớp 4A, trường tiểu học Quảng Văn (Quảng Trạch, Quảng Bình) nức nở vì toàn bộ sách vở của em đã bị cuốn theo bùn. Những trang sách, dòng chữ thân thương em nâng niu quý trọng, giờ đây đã nhạt nhòa. Giọt nước mắt của người đàn ông mất vợ, ôm đứa con nấc lên từng hồi “mấy ngày ni không có mẹ, con không chịu ăn. Nhìn tay con toàn gân với xương mà bố chỉ biết thắt ruột…”. Nước mắt của em Trần Đức Xuân, 14 tuổi, ngồi trên nóc bếp, ôm chặt lấy đứa em lên 5 dỗ dành  “mai rồi cha mẹ về, nín đi em”, đứa em tím tái, khóc ngằn ngặt đòi mẹ. Buổi sáng, bố mẹ đưa đàn gia súc lên núi, dặn hai anh em ngồi chờ. Nhưng trời mưa, nước lên nhanh quá, mãi chưa thấy bố mẹ về… Rồi nước mắt và nỗi đau tê dại của người mẹ mất đi đứa con 4 tuổi trong dòng nước lũ, nước mắt của người vợ gầy gò ngồi trên mái ngói gọi tên chồng vừa bị nước cuốn trôi ngay trước mặt mà không thể làm gì…

Lũ đi, quét sạch nhà cửa và toàn bộ tài sản, vốn dĩ đã rất nghèo khó của người dân miền Trung. Những tổn thất về vật chất thì đã rõ nhưng nỗi đau về tinh thần, những vết thương lòng thì rất khó nguôi ngoai.

Xin được trích những dòng nhật ký của em Trần Thị Thuý Hằng, 13 tuổi, con gái đầu của cô giáo Trần Thị Hoa, người đã quên thân mình, vượt dòng lũ để cất đồ đạc cho học sinh. Cô giáo Hoa đã không may đã bị dòng nước cuốn trôi trong trận lũ vừa qua tại Hương Khê – Hà Tĩnh:

Bốn tuổi đầu, em Thuý Hân chưa thể cảm nhận được nỗi đau tột cùng mà gia đình ta đang gặp phải. Em vẫn nắn nót vẽ từng nốt nhạc mà mẹ dạy em cách đây không lâu. Em bảo, lúc mẹ về, em sẽ khoe với mẹ.

 Đau đớn làm sao, bàn thờ mẹ con chỉ được dựng vội trong những ngày chạy lũ. Hương Khê nước trắng mênh mông. Đưa tiễn mẹ, tất cả mọi người đều phải đi bằng thuyền mẹ ạ. Mười ba tuổi đầu, đây là lần đầu tiên con nhìn thấy bố khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má khắc khổ như ngàn mũi dao đâm vào trái tim con. Dù bố không nói ra nhưng con vẫn cảm thấy nỗi đau tột cùng trong lòng bố. Những giọt nước mắt khóc vì đã bất lực nhìn dòng nước cuốn mẹ đi xa mãi. Khóc vì thương mẹ, khóc vì thương chúng con mồ côi…

Mấy ngày hôm nay, nhà mình đón nhiều người đến thắp hương cho mẹ, động viên bố con con. Mỗi lần có người nhắc đến mẹ là lòng con tê tái…Nỗi đau nào trên đời hơn thế nữa. Con 13 tuổi, em con 4 tuổi, trên đầu chúng con trắng một vành khăn.

Mẹ ạ, con đường nơi mẹ đi qua đã khô tạnh, không giống như ngày hôm đó, nước lũ ngang rốn người. Mẹ của con liều mình lội qua dòng nước lũ để tới trường cất đồ đạc cho học sinh. Dưới chân cầu Hố Hô, dòng nước yên ả đến lạ. Chẳng ai có thể nghĩ rằng chỉ trước đó mấy ngày thôi, dòng nước đó đã cướp đi mẹ của chúng con. Chẳng ai có thể hình dung ra rằng, trước đó, bố và các chú, các bác đã bới bèo tìm mẹ, tìm trong tuyệt vọng. Bố gào khóc tự trách mình vì đã đi cùng mẹ mà cuối cùng đã không nắm chắc tay mẹ. Trong đợt lũ vừa qua, con nghe nói quê mình còn có hơn 10 người xấu số bị nước lũ cuốn trôi. Phận con người quê ta trong lũ sao mà mỏng manh, nhỏ nhoi đến thế mẹ ơi…!

Đứng trước bàn thờ mẹ con chỉ ước sao trời đừng mưa nữa. Để cái đói, cái khát sẽ không còn ám ảnh những người dân vùng lũ. Để dân mình dìu nhau qua những ngày khốn khó này. Để những đứa trẻ khác sẽ không chịu cảnh mồ côi như 2 chúng con. Và lớp học mẹ thường đứng giảng sẽ vang mãi những bài ca bất tận… Mẹ ơi, miền Trung ơi, bao giờ nước mắt thôi rơi…!

 

Các em nhỏ tránh lũ cùng với trâu bò

Đâu chỉ cần… những gói mì tôm

 Khi lũ rút, hàng nghìn gia đình bị trắng tay, mọi tài sản trong nhà đều bị lũ cuốn sạch, hoa màu chìm trong biển nước, ngập úng và chết toàn bộ, gia súc trôi dạt, trương phềnh trong lũ… Thứ duy nhất mà họ có thể bấu víu lúc này là trông chờ vào hàng cứu trợ để sống qua ngày. Cả nước xót xa khi chứng kiến “khúc ruột” miền Trung đang phải oằn mình trong cuộc chiến chống thiên tai, đã có rất nhiều cơ quan, tổ chức và các tấm lòng hảo tâm cứu trợ nhiệt tình đến tận vùng lũ để chi viện cho người dân. Và giống như mọi năm, hàng cứu trợ chủ yếu vẫn là những gói mì tôm…

Nước lũ đã tạm rút, trở về nhà từ nơi lánh nạn, anh Trương Đình Phúc – thôn Tân Sơn, làng Tân Lý, xã Minh Hóa không khỏi xót xa khi nhìn cảnh tượng xóm làng tan hoang. Cuộc sống trước mắt của gia đình anh và bà con nơi đây vô cùng khó khăn: "Gia đình tôi cũng như bà con ở đây trước mắt là không có cái ăn. Tài sản cũng hỏng và trôi đi hết. Mấy ngày nay có xe cứu trợ về, cho được mỗi hộ 2 thùng mì tôm. Từ đầu mùa lũ đến giờ phải ăn mì tôm sống suốt nên thèm một thìa cơm thôi mà khó quá”.

 Nhiều bà mẹ có con nhỏ ốm triền miên mấy ngày liền mà cũng chỉ được mớm mỳ tôm trừ bữa, con thì gầy quay quắt, mẹ thì xót xa khao khát một hộp sữa cho con cải thiện mà sao xa vời quá. Nhà cửa trôi hết, hạt giống cất trữ cả năm cũng mất sạch. Người dân hoang mang không biết phải bắt đầu lại từ đâu, từ cái gì. Hiện tại nhiều hộ dân muốn gieo trồng lại lúa, hoa màu và các cây ngắn ngày để cải thiện nhu cầu thực phẩm trước mắt cũng không thể kiếm đâu ra hạt giống để canh tác. Hàng nghìn đứa trẻ khao khát được quay trở lại trường học nhưng sách vở, cặp bút giờ đã trôi theo dòng nước lũ. Những gì còn lại cũng đã lấm lem bùn đất. Trong tình hình lũ lụt như vậy, cái đói vẫn chưa phải là khủng khiếp nhất. Khi đang trú ẩn trên mái nhà chờ nước rút, chị Nguyễn Thị Hiền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã lên cơn đau bụng dữ dội. Chồng chị hốt hoảng cầu cứu ca nô cứu hộ đến đưa vợ mình đi cấp cứu. Ngồi bên cạnh nhìn vợ đau đớn, lòng anh sắt lại, hoảng sợ vì lo và hoảng sợ vì trong túi không còn một đồng nào để mua thuốc. Nguồn nước sinh hoạt đang bị ô nhiễm trầm trọng, dịch sốt xuất huyến, tiêu chảy đang lan nhanh trong cộng đồng dân cư. Vì vậy nhu cầu về các loại thuốc chữa sốt, tiêu chảy, kháng sinh cũng khát cháy như nước sạch và cơm gạo vậy. Nhiều hộ gia đình thì mong muốn có thêm ánh đèn. Cũng phải thôi, khi mà lúc này các đường dây điện chưa khôi phục lại được, mọi sinh hoạt vẫn cần đến ánh sáng. Ánh sáng của ngọn đèn dầu, của nến dẫu chỉ leo lắt nhưng cũng đủ để sưởi ấm cuộc đời họ, trong lúc này.

BTV Lan Anh - kênh VTC14 tâm sự: “Chứng kiến cảnh những người dân toét nhoèn vì đau mắt đỏ, nằm thượt vì ốm yếu, tiêu chảy rồi cảnh người dân cong lưng gạn từng chậu nước nhỏ để sinh hoạt… mới thấy họ thiếu thốn nhiều đến mức nào. Có lẽ, những gói mì tôm thôi vẫn chưa đủ”. Một người dân tại thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch cũng xúc động chia sẻ: “Sau lũ gia đình tôi được hỗ trợ, chủ yếu là mì tôm, còn gạo thì ít lắm. Được các cơ quan ban ngành giúp đỡ cái chi là quý cái nấy nhưng mong cấp trên xem xét khi cứu trợ đừng cho mì tôm nhiều mà thay vào đó là gạo, chăn màn, quần áo, sách vở… bởi đó là những thứ người dân cần trong lâu dài”.

Vẫn biết cả cộng đồng đang chung tay hướng về miền Trung ruột thịt, các chuyến hàng cứu trợ vẫn đang liên tiếp được chuyển đến tận tay người dân. Tuy nhiên thứ mà người dân cần, có lẽ, còn nhiều hơn… những gói mì tôm.

 Mẹ Vinh gục trên đôi vai BTV Lan Anh - VTC 14
Tình người miền Trung trong cơn lũ

 Có phải là sắp đặt của tạo hóa, mà những ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long, trời Hà Nội xanh trong hơn, những vệt nắng trải nhẹ, một bầu không khí lý tưởng cho những ngày lễ hội. Đối nghịch với nó, miền Trung xám xịt, tối xầm, rồi những cơn mưa như trút nước đổ xuống. Ai đó vô tình thốt lên “Miền Trung hút hết mưa để cho Hà Nội nắng”. Một câu nói vô tình thôi, nhưng ai cũng phải nao lòng. Miền Trung như một người em nhân hậu, bao dung, lặng lẽ ôm vào mình những khổ đau, mất mát để người “anh cả” được trọn vẹn ngày vui. Vật lộn giữa mênh mông màn trời chiếu đất, nhưng người dân miền Trung vẫn hướng về Hà Nội trong những ngày đại lễ, vẫn cầu mong ngày vui của dân tộc được thành công. Những đoàn xe đưa các anh hùng, mẹ liệt sĩ từ miền Trung ra Hà Nội tham dự đại lễ, trên đường đi nhận được tin miền Trung gặp lũ dữ, thôi thì nước mắt đành nuốt vào trong…

Tình người miền Trung càng sáng hơn trong những lúc “tối lửa tắt đèn”. Cùng sợ hãi hứng chịu cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên, cùng vật lộn giữa ranh giới sự sống và cái chết, giữa đói khát, bệnh tật… cái lúc mà bản năng sinh tồn của con người ngự trị… nhưng những con người lam lũ, nghĩa tình ấy vẫn chia sẻ cho nhau từng mẩu mì tôm, từng manh chiếu rách. Trong cơn hoạn nạn, những người dân nơi đây lại bao bọc nhau hơn bao giờ hết.

Ngồi giữa bãi hoang tàn đổ nát mà trước đây vẫn là ngôi nhà của mình, chị Điều ở Minh Hóa, Quảng Bình vẫn chân thành nói: "Bây giờ người ở Yên Thọ vẫn còn ở trên vách đá chưa có chi mà ăn, nước chưa ra mô. Tụi tui cũng bị nạn nhưng yêu cầu nhà nước cấp cho những vùng, những người gặp khó khăn hơn tụi tui để cứu dân, cho họ sống với. Còn tụi tui bây giờ nước cũng ra rồi". Nhà bà Trương Thị Hường ở cùng xã là một trong những hộ dân hiếm hoi bị ngập ít nhất, và những ngày qua, nhà bà là nơi cưu mang hơn 12 gia đình với gần 40 người.

Lũ lụt không hề xa lạ với người dân miền Trung nhưng phải trải qua trận lũ lịch sử này thì là điều quá sức tưởng tượng với những con người nhỏ bé nơi đây. Tưởng tượng làm sao nổi, khi chị Thúy (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa đang ngồi ăn cơm với chồng thì lũ ập đến, chỉ kịp bồng con cái rồi chạy đi lánh nạn. Sau khi trở về thì chỉ thấy nền đất, toàn bộ khung nhà đã trôi tấp ngoài bụi tre. Lũ dứt, đoàn thanh niên trong xã đến dựng nhà giúp, nhà vừa dựng xong buổi sáng thì buổi tối nước lại lên đến nóc, cuốn phăng mọi thứ. Trắng tay, gia đình chị chỉ biết sống lay lắt qua ngày bằng nguồn viện trợ và tấm lòng của những người hàng xóm.

Anh Hoàng Văn Ninh - Trưởng thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình bồi hồi nhớ lại thời khắc vật lộn với dòng nước lũ. Anh là người đã không màng hiểm nguy chèo thuyền trong đêm khi lũ tràn về, nhẩm mãi, anh cũng chỉ nhớ mang máng được mình đã cứu khoảng 150 người. “Khi ấy nước đã lên rất nhanh, nghe tiếng kêu cứu của phụ nữ, mình phải dùng hết sức để cạy cửa vào nhà và mất một lúc lâu mới có thể đưa chị này cùng những người dân trong thôn đến nơi an toàn. Khi quay về nhà thì chết sững khi mọi đồ đạc trong nhà đã trôi theo dòng lũ dữ, sạch trơn không còn thứ gì. Thôi thì dù sao mình cũng đã làm được một việc tốt, giúp được nhiều người vượt qua cơn khó khăn. Đồ đạc, nhà cửa trôi đi thì đều có thể làm lại được, nhưng mất người là mất tất cả”.

Người miền Trung nồng hậu, hiền lành. Lũ dữ bao năm cướp đi mái nhà và của cải mà họ suốt năm trời cum cúp dành dụm, cướp đi cả mạng sống của những người thân yêu trong gia đình. Lũ đến lại chạy, lại ngậm ngùi bỏ lại tất cả gia sản cơ nghiệp, để rồi sau cơn mưa, lại trở về bắt đầu với hai bàn tay trắng. Khổ đau là thế, nhưng người miền Trung quyết không xa quê, xa mảnh đất dẫu chỉ toàn mưa bão. Bởi không có ai chọn cửa mà sinh ra, đất có cơ cực, nhưng người có bao giờ phụ đất mà đi.

Vật lộn, chống chọi với thiên tai, mà lạ thay, vẫn không thiếu vắng nụ cười. Những nụ cười đầy bao dung, tội nghiệp... Miền Trung là thế, nghèo khổ muôn đời mà vẫn luôn yêu đời, lạc quan.

 

 Xin cứu trợ

Miền Trung ơi, vững lòng nhé!...

 Những ngày tháng 10 này, không có nỗi lo nào lớn hơn nỗi lo của những người miền Trung, không có sự mất mát nào lớn hơn những tổn thất mà người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đang gánh chịu. Cả nước hướng về miền Trung. Những tin tức, những hình ảnh, những con người xa lạ, không hề quen biết... mà sao thương thế, đau thế, xót xa thế. Chẳng còn một thứ gì để gọi là nhà, chỉ mênh mông là nước. Những xác trâu bò chỏng chơ; những đứa trẻ gầy còm, nhếch nhác, run rẩy trong mưa; những người dân nghèo tội nghiệp ngồi co ro trên từng nóc nhà chờ cứu đói.

Bên cạnh các cơ quan báo chí thì nhiều forum, diễn đàn và blog cá nhân đã lặng lẽ đứng ra kêu gọi quyên góp, người có tiền thì góp tiền, không có tiền thì góp áo quần, vật dụng, sinh viên nghèo thì góp sức, góp công… tất cả đều mong muốn được san sẻ phần nào những khó khăn của “khúc ruột” miền Trung lúc này. Một bạn gái đã viết trên blog của mình “Nhìn bàn tay giơ cao trên nóc nhà và gương mặt tần tảo nhợt nhạt vì mưa lũ mà trái tim tôi thắt lại. Tôi ước gì mình là chủ doanh nghiệp giàu có, tôi sẽ bớt một bữa ăn vài triệu tại nhà hàng để một xã miền Trung khỏi chết đói vì lũ. Tôi ước gì tôi có tiền để làm được nhiều hơn nữa.”

Là một người con của mảnh đất miền Trung, trở về quê trong những ngày mưa lũ để làm chương trình, Lan Anh- kênh VTC14 ngậm ngùi chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở miền gió Lào cát trắng, mình biết người dân quê mình vốn kiên cường lắm. Mình biết, dù là trẻ nhỏ hay cụ già, đã là người miền Trung thì sẽ không ngại đương đầu với khó khăn, với thiên tai và địch họa. Nhưng chưa bao giờ mình thấy người dân khốn khó và đau đớn đến thế! Họ dường như tuyệt vọng, nỗi đau chồng chất nỗi đau. Trên gương mặt hốc hác của những người nông dân tội nghiệp in hằn thêm cả những sầu khổ, những lo toan, sợ hãi… Cầu mong, bình yên mau quay về trên mảnh đất quê mình…”

 Ở nơi ấy, mưa vẫn trút và nỗi lo vẫn còn đó. Xin mượn lời một blog để khép lại bài viết: “Đọc tin cơn bão cấp 17 sắp đổ về miền Trung mà nghẹn ngào. Dân tôi nghèo, nghèo thật. Dân tôi khổ, khổ đủ đường. Nhưng không phải nghèo vì ngu, khổ vì dốt. Trong cái nghèo đói, dân tôi đã vươn lên và chứng tỏ được bản lĩnh của người con xứ Nghệ. Nhưng cả đời, cả kiếp lay lắt vì thiên tai như thế này thì phải làm sao đây? Bão Megi ơi, đã đủ rồi, tôi xin, xin đừng làm khổ dân tôi nữa!...”

 … Thắt lòng… Miền Trung ơi!

 Để việc cứu trợ đồng bào miền Trung khắc phục ảnh hưởng do lũ lụt, Đường sắt VN nhận tổ chức vận chuyển miễn tiền cước đối với hàng cứu trợ của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước kể từ ngày 17.10 đến hết ngày 31.10.2010. Tổng giám đốc Đường sắt VN đã quyết định miễn cước vận chuyển hàng cứu trợ đồng bào miền Trung của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước thông qua Ủy ban MTTQ VN, hoặc Hội Chữ thập đỏ VN. Hàng cứu trợ từ các ga: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang, Sài Gòn đến các ga: Vinh, Hương Phố, Đồng Lê, Đồng Hới, Đông Hà sẽ được vận chuyển bằng tàu khách theo hình thức vận chuyển bao gửi; Từ các ga: Hải Phòng, Yên Viên, Giáp Bát, Sóng Thần, đến các ga: Vinh, Hương Phố, La Khê, Đồng Lê, Đồng Hới, Đông Hà bằng tàu hàng.

 Ngay từ bây giờ, mỗi lần nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH và gửi về số 1405 là bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.

Thanh Hương

Nguồn:

Tin mới