Thấy hàng nghìn ha đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm tại các dự án “đô thị vệ tinh” quanh thủ đô, ông Nguyễn Đình Hòe nảy ý định nuôi trâu để tận dụng nguồn thức ăn từ những “thảo nguyên” mà chủ dự án đang "đắp chiếu" lãng phí.
Chăn trâu giữa phố phường
Ông Hòe (SN 1962, ngụ tổ dân phố 13, phường Yên Nghĩa, Hà Nội) chỉ quen việc đồng áng, nuôi vài con lợn, con gà để cải thiện cuộc sống. Đồng ruộng bị thu hồi hết, ông loay hoay mãi vẫn chưa thể xoay sở chuyển đổi được nghề".
Mỗi lần cảm thấy bế tắc, tôi lại ra khu dự án đô thị bỏ hoang, nơi mà ngày xưa chúng tôi làm ruộng mưu sinh. Nhìn thấy cỏ mọc xanh tốt trên mảnh đất rộng hàng chục hecta mà tiếc đứt tuột. Rồi tôi nảy ý định nuôi trâu để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hàng ngày", ông Hòe tâm sự.
Cuối năm 2009, ông bỏ qua lời can ngăn của gia đình, cương quyết lấy số tiền từ việc đền bù đất nuôi khoảng 10 cặp trâu với giá trên 200 triệu đồng.
Đàn trâu béo tốt của ông Hòe. |
Theo ông Hòe, việc nuôi trâu rất đơn giản. Thức ăn thiết yếu nhất của loài động vật này chính là cỏ và nước uống. Trong khi đó, các khu đô thị bỏ hoang cỏ mọc tươi tốt, chưa kể hàng chục heta đất của người dân tuy chưa thu hồi nhưng chẳng thể canh tác được, vì các kênh tưới tiêu đã bị các dự án đô thị lấp mất, cũng để cỏ mọc um tùm.
Đây là nguồn thức ăn "khổng lồ" nuôi đàn trâu, còn những hồ nước nhân tạo vốn là dự án công viên của đô thị cũng đang bỏ hoang là nơi tắm mát của chúng. Vì thế đàn trâu của ông cứ lớn nhanh như thổi mà không mất nhiều tiền đầu tư.
Thu nhập "khủng" nhờ... "bám đuôi trâu"
Chỉ về phía những con trâu béo tròn đang gặm cỏ phía xa, ông Hòe cho biết: "Những con trâu này tôi mua tận Mộc Châu (Sơn La) dịp cuối năm 2012, giá khoảng 10 triệu đồng/con. Nuôi chưa đầy một năm, vậy mà có thương lái đã trả đến 30 triệu/con. Chịu khó đi xa một chút nhưng mua được giá rẻ. Thời buổi khó khăn, mình vốn ít, đành phải biết lấy công làm lãi".
Mỗi tháng, trung bình ông thu nhập khoảng 50- 60 triệu đồng, số tiền rất cao so với thu nhập của những người dân địa phương.
Tỷ phú nông dân này trải lòng: "Biết rằng việc nuôi trâu chỉ là tạm bợ, khi nào khu đô thị tiếp tục xây dựng thì mình cũng không còn chỗ chăn thả nữa. Tuy nhiên, hiện tại đất bỏ hoang, cỏ vẫn mọc, tôi cứ chăn nuôi được ngày nào hay ngày ấy".
Hiện nay, món thịt trâu đã trở thành đặc sản được nhiều người ưu chuộng. Nhu cầu cung ứng loại thực phẩm này luôn trong tình trạng khan hiếm hàng, nên người chăn nuôi không bị chèn ép giá.
Theo ông Hòe, việc quan trọng của người nuôi trâu chỉ là chăn trâu béo tốt. Khi bán chỉ cần gọi điện thoại cho thương lái, số lượng không kể ít nhiều, bán trâu xong là nhận luôn tiền mặt.
Khuôn mặt của lão nông trở nên rạng rỡ hơn khi kể về những bước ngoặt lớn mà cái nghề "thời vụ dài hạn" này đem lại cho những thành viên trong gia đình mình. Con trai út của ông cùng bạn bè mở quán bia trong miền Nam, mỗi tháng cũng thu nhập hơn chục triệu đồng. Nhưng mọi thứ sinh hoạt ở nơi đất khách quê người đều đắt đỏ, số tiền đó trở nên ít ỏi.
Khi nghe bố kể về kế hoạch nuôi trâu, cậu con trai đã lên mạng tìm hiểu về dự án đất đô thị bỏ hoang, thấy tình hình các dự án gặp nhiều khó khăn, có lẽ gần chục năm nữa, đất ở đây vẫn chưa sử dụng. Trước những phân tích hợp lý và sự khích lệ của người cha, cậu con trai đã quyết định về quê cùng chăn trâu với bố.
Thời gian đầu, nhiều bạn bè cùng trang lứa cũng cười chê con trai ông. Họ bảo thanh niên trai tráng, người thành thị mà lại "đi sau con trâu" khiến cậu này nhiều lúc cũng có chút chạnh lòng. Nhưng nhìn thấy lợi ích kinh tế việc chăn trâu mang lại, về sau, nhiều người không còn dè bỉu cậu nữa.
Ông Hòe cho biết, sau gần 5 năm "bám đuôi trâu", con trai mình cũng đã xây được ngôi nhà 3 tầng để ra ở riêng, ngoài ra, còn sở hữu cả đàn trâu lên tới 40 con.
Con trai ông Hoe không giấu được niềm vui của mình khi kể về "chiến tích" 5 năm chăn trâu: "Khi thấy tôi xây nhà, mua xe, mọi người trong làng bàn tán xôn xao, cho rằng tôi còn làm nghề nào khác nữa. Nhưng quả thật tôi chỉ nuôi trâu, không thể ngờ việc nuôi trâu đem lại lợi nhuận cao đến vậy".
Theo Xa lộ Pháp luật