Ngày 10/12/1948, Bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bởi Nghị quyết 217A.
Năm 1950, Đại hội đồng Liên hợp quốc ra Nghị quyết 423 về bản Tuyên ngôn này và kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội lấy ngày 10/12 hằng năm làm Ngày Nhân quyền thế giới.
Kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới cũng là dịp để khẳng định rằng các quốc gia, dân tộc phải luôn hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền con người.
Ở Việt Nam, trong mỗi giai đoạn lịch sử, nước ta luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, đồng thời coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các quốc gia.
Việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam luôn được thể chế hóa cũng như thực thi nghiêm túc trong thực tiễn.
Trong các văn kiện cũng như nghị quyết, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Việt Nam đạt nhiều thành tựu về đảm bảo quyền con người.
Những thành tựu về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận:
+ Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế về quyền con người;
+ Việt Nam đã phê chuẩn 24 Công ước Lao động Quốc tế, trong đó 6/8 Công ước cơ bản của ILO.
+ Việt Nam là thành viên trách nhiệm, tích cực, chủ động trong các cơ chế hợp tác của LHQ, đặc biệt là Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát quyền con người UPR của Hội đồng Nhân quyền…
+ Việt Nam là thành viên tích cực của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), đóng góp quan trọng trong soạn thảo Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến về bình đẳng giới và các nhóm dễ bị tổn thương, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Xã hội - Văn hóa ASEAN.
+ Kể từ khi Hiến pháp 2013 được thông qua, hơn 100 luật, bộ luật liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung.
Hơn 10 năm qua, Việt Nam là thành viên của cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người UPR của Liên Hiệp Quốc. Có thể nói đây là cơ chế cao nhất về rà soát việc thực thi quyền con người đối với một quốc gia.
Đầu năm 2019, Việt Nam đã trình bày Báo cáo UPR chu kỳ III. Tiếp đó tháng 7, trong khuôn khổ Khóa họp 41 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam công bố chấp thuận 241/291 khuyến nghị được các quốc gia đưa ra (chiếm gần 83%). Đây là tỷ lệ chấp thuận cao so với mặt bằng chung của các quốc gia.
Trong các báo cáo UPR chu kỳ I, II, Việt Nam đã bảo vệ thành công báo cáo và được Hội đồng Nhân quyền LHQ đánh giá cao trong việc xây dựng một kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị về đảm bảo an sinh xã hội, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, quyền của các nhóm yếu thế, tăng cường giáo dục quyền con người... với trách nhiệm cụ thể được phân công cho từng Bộ, ngành liên quan.
Những thành tựu đó khẳng định mục tiêu xuyên suốt vì lợi ích nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời chứng minh rằng việc bảo đảm quyền con người phải dựa trên điều kiện, bối cảnh cụ thể.
Là một quốc gia đang phát triển, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, hiện nay Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Nhưng với bản chất của một chế độ xã hội mà cả dân tộc đã lựa chọn và kiên trì thực hiện, thông qua chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn và hợp xu hướng thời đại, Việt Nam ngày càng có điều kiện tạo ra những tiền đề cơ sở vật chất, văn hóa để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của con người.
Việt Nam đang cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế thực hiện hiệu quả những giá trị phổ quát về nhân quyền đã được xác định trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”.