(VTC News) – “Không có một bà Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam như Thanh Ngoan chắc sẽ có người khác thay thế. Nhưng hiện tại, ở vị trí nhà quản lý, để làm được việc tốt cho nghề, tôi sẽ hết tâm hết sức. Có thể sau này Thanh Ngoan không làm quản lý nữa nhưng với chèo, tôi sẽ không bao giờ dừng lại!”, NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ.
NSƯT Thanh Ngoan sinh tại quê lúa Thái Bình, một làng quê nhỏ với những “cây đa, bến nước, sân đình” điển hình của vùng đồng bằng Bắc bộ, nơi lưu dấu rất nhiều các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật chèo gắn với các hội làng, lễ hội mùa xuân dưới mỗi gốc đa, mái đình. Ngay từ năm lên 9, NSƯT Thanh Ngoan đã đi học hát chèo khắp nơi trong tỉnh. Năm 13 tuổi, chị một mình khăn gói quả mướp lên Hà Nội đeo đuổi nghiệp chèo.
Thanh Ngoan là người đầu tiên cùng với NSƯT Bùi Đức Hạnh (Nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam) đưa ca trù vào chèo với vai chủ quán Hồng Chấu trong vở Hồ Xuân Hương. Chị diễn sắc sảo và điêu luyện trong cả vai đào lệch và đào thương. Bằng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, chị đã gặt hát được nhiều thành công xứng đáng với rất nhiều giải thưởng cao quý gắn với nghiệp chèo.
Mới đây nhất, vào đêm 24 – 25/6 vừa rồi, NSƯT Thanh Ngoan tái xuất trong chương trình nghệ thuật hài chèo Láng giềng láng tỏi - Cả nhà cùng vui, với sự góp mặt của ca sỹ Minh Quân và nhóm hài Sài Gòn. NSƯT Thanh Ngoan cho biết, chính chị đã nghĩ ra sự kết hợp độc đáo này nhằm tiếp cận khán giả một cách nhanh nhất và mong muốn khán giả Việt sẽ không quay lưng lại với nghệ thuật chèo truyền thống.
NSƯT Thanh Ngoan |
Phóng viên VTC News đã có buổi trò chuyện với NSƯT Thanh Ngoan ngay tại phòng làm việc của “bà Phó Giám đốc” Nhà hát Chèo Việt Nam. Chị trẻ trung, cởi mở về “thế sự” của chèo, về bản thân và về những dự định tương lai. Nhưng điều quan trọng nhất với Thanh Ngoan, chưa bao giờ và không bao giờ chị mất niềm tin vào sức sống của chèo.
Sống sung túc với nghiệp chèo
- Có vẻ như chị sống với nghiệp chèo khá sung túc?
- Đúng thế! Tôi được thừa hưởng lộc tổ. Tôi đam mê chèo từ khi còn rất nhỏ và luôn có khát vọng được sống với nó. Thế hệ chúng tôi có cái may mắn là các nghệ nhân đi trước vẫn còn sức khỏe tốt để có thể truyền dạy lại nhiều điều cho học trò. Ngày xưa cái sự học rất nghiêm túc và tâm huyết. Năm 13 tuổi, tôi lên nhà hát theo học các thầy, chỉ việc học là chính thôi, vì vậy mà tôi đã giữ được những cái vốn không bao giờ quên được. Sau này trải qua thực tế đi biểu diễn, cùng với vốn các cụ truyền lại cộng thêm các kỹ năng sáng tạo của mình nên mọi thứ đã có, kể cả cái duyên với chèo đều khó mai một đi. Thành thật mà nói, tôi sống bằng nghề một cách thực sự.
- Chị cũng thường xuyên đi diễn nước ngoài. Chị thấy cộng đồng Việt kiều đón nhận chèo như thế nào?
- Nếu là những người xa quê, đặc biệt là những người lớn tuổi thì họ không bao giờ quên được chèo vì khi còn ở Việt Nam, họ đều đã được nghe những câu hát chèo nặng tình nặng nghĩa. Nhắc đến Việt Nam, chèo là cái gì đó gần gũi nhất. Người ta vẫn thường nói chèo là loại hình nghệ thuật thuần Việt nhất mà.
Người Việt ta ở nước ngoài đón nhận chèo một cách nồng nàn, tha thiết như thể đó là một món ăn ngon của quê hương lâu ngày không được thưởng thức. Bên cạnh chèo, chúng tôi cũng giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: ca trù, trầu văn, hát xẩm… Từ đó, giới trẻ vốn là con cháu của những người Việt kiều được sinh ở nước ngoài sẽ có cơ hội tiếp xúc, làm quen và biết tới nghệ thuật truyền thống của quê cha đất tổ.
Cũng qua những cuộc giao lưu văn hóa như vậy thì người Việt kiều lâu năm bên đó sẽ có thể tự hào để nói với con cái họ rằng: đó là cội nguồn, là những câu hát mà cha mẹ đã nghe từ ngày xưa và đến bây giờ nó vẫn thấm đẫm tình quê hương, đất nước. Những cái như thế nó ăn sâu vào hồn một cách hồn nhiên, vô thức thôi nhưng là động lực để họ sẽ mến yêu, trung thành với nguồn gốc, với quê hương Việt Nam.
- Đó là đối với Việt Kiều, còn đối với cộng đồng người ngoại quốc thì thế nào?
- Tôi đi biểu diễn ở nước ngoài rất nhiều. Nếu chèo mà kết hợp với múa rối thì người ta sẽ tổ chức những liveshow rất lớn. Người nước ngoài rất thích nghe chèo Việt Nam. Họ có thể vào những hội chợ, cũng có thể vào nhà hát tới hàng nghìn người. Khi tôi biểu diễn ở Paris hay một số nước khác, đi theo các liveshow mà BTC phía nước ngoài mời thường đem theo cả vở Quan âm thị kính. Người nước ngoài thường nhận thấy ở chèo Việt Nam có nhiều cái lạ. Bởi vì chỉ có ở Việt Nam mới có chèo. Họ cũng thấy Việt Nam là một đất nước thanh bình qua trang phục áo tứ thân, nón lá, khăn xếp của diễn viên chèo nên rất mê.
Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một đất nước thanh bình qua trang phục của nữ diễn viên chèo với áo tứ thân, nón lá, khăn xếp... |
Ý tưởng về sự kết hợp độc đáo giữa hài - chèo
- Để khán giả Việt thời hiện đại không quay lưng lại với chèo, chị cùng anh em nghệ sỹ của Nhà hát Chèo Việt Nam đã tìm ra những phương cách gì để làm mới môn nghệ thuật cổ xưa này?
- Không thể dùng từ "đổi mới" đối với nghệ thuật chèo. Mình chỉ có thể bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Chúng tôi cũng tính nhiều tới vấn đề phát triển nhưng phát triển như thế nào là một định hướng vô cùng khó. Nếu như anh phát triển mà không hiểu gì về gốc thì sẽ làm mất gốc. Mình phát huy, kế thừa truyền thống nhưng cũng cần có hơi thở của thời đại để đưa vào lồng ghép. Đó là một bài toán vô cùng khó cho những người làm chèo nói riêng và cho những người làm nghệ thuật ở đất nước này nói chung.
Nhà hát Chèo có những phương thức như: vẫn giữ sân khấu truyền thống là những sân khấu nhỏ còn sân khấu lớn dùng để biểu diễn những vở chèo truyền thống. Bên cạnh đó các vở chèo cũng được cách tân nhưng cách tân thế nào cũng phải giữ lại 2/3 là chèo để mọi người tiếp cận và nhìn nhận nét đặc sắc truyền thống của nó. Đặc biệt với khách nước ngoài thì chúng tôi sẽ dùng các trích đoạn và mẫu truyện nào nó đặc sắc nhất, gần gũi nhất và dễ hiểu nhất để phục vụ họ.
- Vào đêm 24 và 25/6 vừa qua, chị tái xuất trong chương trình nghệ thuật hài chèo "Láng giềng láng tỏi - Cả nhà cùng vui”. Đây là một sự cách tân chèo hay là sự cách tân của chính bản thân Thanh Ngoan?
- Không thể nói đó là cách tân của chèo mà chỉ là một phương hướng làm mới như tôi đã nói, tức là để kéo khán giả đến với chèo nhiều hơn. Giới trẻ bây giờ thích thưởng thức những loại hình âm nhạc nghệ thuật khác, tuy vậy không phải là không có người tìm đến chèo. Cách của tôi và nhà hát là muốn phục vụ nhiều đối tượng khán giả. Ví dụ như chương trình đêm 24 và 25/6 vừa rồi, tại sao tôi lại kết hợp với ca sỹ Minh Quân cùng nhóm hài Sài Gòn trong khi đó Nhà hát Chèo diễn tới 2/3 chương trình, trong đó vẫn có chèo truyền thống. Khán giả cứ nức nở mỗi khi nghe những câu chèo hay. Đây là một trong những cách hay mà nhà hát đã nghĩ ra và tôi rất vui vì là người đầu tiên nghĩ ra sự kết hợp lạ này.
Theo NSƯT Thanh ngoan, bên cạnh là cách tiếp cận nhanh nhất, hài chèo còn giúp cho khán giả Việt không quay lưng lại với nghệ thuật chèo truyền thống |
Không riêng gì hài chèo mà tất cả từ nội dung đến kịch bản một vở chèo đều có thể làm mới. Vấn đề ở đây là bàn tay đạo diễn và người diễn viên thổi hồn vào nó như thế nào thôi. Vì mỗi một người đều có một phong cách diễn khác nhau. Hài chèo cũng là một trong những cách hay để tiếp cận khán giả. Đặc biệt với đời sống bây giờ nhiều khó khăn, bươn chải nên cần có những vai hài chèo vui vẻ để tiếp cận khán giả đến gần hơn, nhanh hơn, sảng khoái hơn.
Với riêng Thanh Ngoan, làm mới chèo cũng như làm mới mình, và như thế, tôi nhận được rất nhiều.
- Sẽ thường xuyên có những sự kiện tương tự?
- Tôi mong ước và đang làm. Hằng tháng, chúng tôi sẽ tổ chức các sự kiện tương tự. Tôi cũng mong nhận được nhiều hơn nữa sự giúp đỡ chứ một mình tôi không làm nổi. Tôi chỉ là người đưa ra lối, vạch ra hướng thôi.
Không bao giờ mất niềm tin vào chèo
- Chị có ý định lấn sâu vào hài chèo để trở thành nghệ sỹ hài Thanh Ngoan chẳng hạn?
- Tôi bước vào nghiệp chèo đầu tiên chỉ vì yêu nghề chứ không nghĩ mình sẽ trở thành một cái gì đó ghê gớm. Trong con người tôi đã có sẵn cái tố chất hài hước, một cái duyên nào đó. Khi tốt nghiệp lớp diễn viên chèo, tôi làm một vai hài. Trong chèo không thể thiếu được những vai hài. Tôi đã có những thử nghiệm và đã làm được. Cho nên trên sân khấu những vai diễn dí dỏm là tôi đưa ra.
Lối tiếp cận này đưa đến thành công rất nhiều. Còn để trở thành một danh hài hay nghệ sỹ hài gì đó thì tôi không dám nghĩ tới. Từ năm 1985, tôi cùng NSND Mạnh Tuấn kết hợp với Dihavina phát hành băng đĩa hài chèo đầu tiên. Những năm 1986, 1987, tôi cùng Hồ Gươm audio làm những băng Tấu tấu tấu. Trong Tấu tấu tấu có tất cả, nào là vỉa hè phiêu lưu kí, sinh đẻ có kế hoạch… Hài chèo bên cạnh là cách tiếp cận khán giả nhanh còn góp thêm tiếng cười cho đời vui hơn.
- Hát văn hầu đồng cũng là một cách để nghệ sĩ chèo sống 'khỏe" hơn với nghề. Đã bao giờ chị làm điều tương tự?
- Tôi là người đầu tiên phát hành đĩa hát văn Thanh Ngoan và Khắc Tư vào năm 2001. Trong khi đó, làng hát văn có rất nhiều gương mặt mà ít người biết đến nhưng họ hát rất hay, hát hay hơn những nghệ sỹ chuyên nghiệp khiến tôi mê mẩn. Tôi cũng không giấu diếm nói rằng, tôi đang học tiếp hát văn. Nếu như sau này Thanh Ngoan không làm quản lý ở nhà hát chèo mà đi hát văn cũng là điều bình thường. Bởi vì một khi khán giả còn yêu mến tôi và mê cái tâm huyết của mình thì cứ hát tiếp. Thu nhập của hát văn cũng rất khá. Tôi thường hát ở những nơi người ta dâng văn thánh, không hẳn chỉ là những bài hát lên đồng mà tôi còn giới thiệu nhiều bài hát ca ngợi cụ Hồ. Đấy cũng là hát văn.
- Thẳng thắn mà nói, tình hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam hiện nay khá "lặng". Chị thấy thế nào, cụ thể hơn là loại hình nghệ thuật chèo?
- Gần đây thì cũng có khá hơn rồi, vì nhiều lễ hội được mở ra, đặc biệt vào mùa xuân. Đó là khoảng thời gian mà nghệ thuật truyền thống như: chèo, tuồng, cải lương, ca trù, hát xẩm… có thể gặt hái được nhiều thành công, kể cả thu nhập. Sống dựa vào lễ hội - đấy là một thực trạng! Còn việc bán vé ở rạp là vô cùng khó, vì làm nhiều rồi nên tôi biết. Rất đáng biểu dương những người dám đứng ra để làm việc đó. Không riêng gì ở Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội hay Nhà hát Tuồng thì việc bù lỗ là chuyện thường.
"Hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam sống dựa vào lễ hội - đấy là một thực trạng" - NSƯT Thanh Ngoan cho biết. |
Riêng Nhà hát Chèo vẫn có đất sống hơn nhiều vì chèo gần với làng quê, với lễ hội. Ngay những bài hát như dân ca, quan họ thì nghệ sĩ chèo vẫn hát được. Hài chèo cũng rất gần gũi với đời sống nhân dân, thành ra họ cũng mời chèo nhiều. Mỗi làng xã đều có một di tích lịch sử, làng này làng kia cũng tìm cách mời bằng được nghệ sỹ về hát trong những dịp lễ hội.
Còn khoảng thời gian tháng ba ngày tám như thế này thì khó khăn vô cùng. Người ta chỉ có thể mời lẻ, mời Thanh Ngoan, mời Xuân Hinh hoặc mời Quốc Anh, tức là những nghệ sỹ thực sự có tên tuổi. Tôi có những hợp đồng người ta yêu cầu rõ ràng là Thanh Ngoan, với mức cát xê rất cao. Thanh Ngoan phải đến hát chèo, người khác hát họ sẽ không nghe. Hoặc Thanh Ngoan đến hát xẩm, hát chầu văn… Cũng có nơi mời Thanh Ngoan đi diễn hài, tôi có êkíp diễn riêng của mình. Tất cả cũng vì cuộc sống, vì muốn nuôi lớn niềm đam mê chèo và sống mãi với nó.
- Thực tế cũng cho thấy rằng sân khấu kịch miền Bắc tỏ ra rất trầm lắng so với phía Nam?
- Đó là hai cuộc sống, hai môi trường hoàn toàn khác nhau. Tôi cũng đã vào miền Nam rất nhiều và đã ở ngoài Bắc quá lâu. Quả thật là vô cùng khó khăn cho những nghệ sỹ phía Bắc mặc dù họ rất tài giỏi, nhiều diễn viên nổi tiếng thực sự nhưng rất ít đất để cho người ta dụng võ. Ví dụ trong Nam, một đêm diễn các nghệ sỹ có thể chạy ba bốn sân, bởi vì tư duy người miền Nam họ mở hơn rất nhiều. Miền Bắc mình quen với tư duy bao cấp, không có thói quen mua vé. Kịch đã thế, huống hồ là chèo. Chèo còn khó khăn hơn!
- Chị có bao nhiêu phần trăm niềm tin đặt vào thế hệ trẻ hiện nay với chèo?
- Tôi rất tin! Như truyền thống của Nhà hát Chèo từ xưa đến nay, những người đứng vững trên nghề thì vẫn cùng những nghệ sỹ trẻ biểu diễn phục vụ nhân dân và những vai diễn trong các kỳ hội diễn thì chúng tôi thường nhường cho các nghệ sỹ trẻ có điều kiện làm nghề và khẳng định bản thân.
"Sau này Thanh Ngoan có thể không làm quản lý ở Nhà hát Chèo Việt Nam nữa nhưng với chèo, tôi sẽ không bao giờ ngừng", NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ. |
Hiện tại bây giờ, Nhà hát Chèo có rất nhiều gương mặt có thể gánh vác được vị trí về nghệ thuật như: An Chinh, Phú Kiên, Kim Liên, Hương Dịu (Thu Hương), Thu Hằng, Ngọc Bích, Tuấn Tài, Tuấn Cường… Còn các thế hệ 8X, 9X chúng tôi vẫn đang đào tạo.
- Giữa công việc quản lý và công việc của một nghệ sỹ chèo có khá nhiều điều mâu thuẫn. Chị đã làm gì để hòa hợp được mọi việc?
- Không có một Phó Giám đốc như Thanh Ngoan chắc sẽ có người khác thay thế nhưng với vị trí hiện tại, để làm được việc tốt cho nghề thì tôi sẽ hết tâm, hết sức. Có thể sau này Thanh Ngoan không làm quản lý nữa nhưng với chèo, tôi sẽ không bao giờ dừng lại!
- Vâng! Rất cảm ơn chị! Chúc chị thành công hơn nữa với nghiệp chèo!
Hoàng Nghĩa (thực hiện)