Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra công tác ứng phó, phòng chống bão tại những địa phương ven biển. Đồng thời, ra công điện yêu cầu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão trước 22h ngày 12/6.
Thanh Hóa yêu cầu các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, yêu cầu toàn bộ người trên các phương tiện, chòi nuôi hải sản lên bờ.
Từ 19h hôm nay, tỉnh Thanh Hóa áp dụng lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Các địa phương ven biển phải tuyên truyền hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, không được tắm biển. Đồng thời báo cáo tình hình công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2 về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh trước 22h cùng ngày.
Tại TP Sầm Sơn, hiện có 1.783 tàu thuyền với 2.010 lao động. Đến 18h ngày 12/6, có 1.748 phương tiện vào bờ, trong đó 30 phương tiện cập Đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và các bến neo đậu các tỉnh bạn. Đến hơn 18h cùng ngày, trên biển có gió to và sóng lớn, nhưng TP Sầm Sơn vẫn còn 5 phương tiện trên biển, đang trên đường vào nơi tránh trú.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là trước bão số 2. Lực lượng biên phòng, các địa phương phải thực hiện nghiêm công tác ứng trực để sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất thường của bão.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 tại TP Sầm Sơn. (Ảnh: BTH)
Tại Nghệ An, lực lượng chức năng cũng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão số 2. Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, hiện toàn tỉnh có tất cả 3.447 tàu thuyền với 17.235 lao động.
Chiều tối 12/6, tỉnh Nghệ An có công điện từ 0h ngày 13/6 cấm tất cả tàu thuyền ra khơi. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 6h ngày 13/6.
Tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển, kể cả tàu vận tải, tàu vãng lai khẩn trương thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú; Thường xuyên giữ liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Đảm bảo an toàn cho các hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và hoạt động khác trên biển.
Neo đậu tàu thuyền an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền tại các khu neo đậu. Lưu ý đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực tập trung người dân sơ tán đến, bao gồm cả ngư dân trên tàu vãng lai, ngoại tỉnh đến tránh trú.
Tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại những khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.