Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thánh địa Mỹ Sơn suýt chìm dưới đáy hồ

Không phải chuyện khoa học viễn tưởng, không phải màn biến hóa thần kỳ của David Copperfield. Đây là chuyện về một dự án có thật.

Không phải chuyện khoa học viễn tưởng. Càng không phải là màn biến hóa thần kỳ của các ảo thuật gia lừng danh thế giới kiểu như David Copperfield. Đây là chuyện về một dự án có thật. May mắn là nó bị bác bỏ quyết liệt, nếu không thì khu đền tháp Mỹ Sơn (thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), đã phải vĩnh viễn chìm trong đáy nước. Và, như thế sẽ mất đi một di sản văn hóa quý giá của nhân loại. 


Điều đáng trân trọng, trong số người "giải cứu" Mỹ Sơn thoát nạn chìm xuống đáy hồ phải kể đến ông Hồ Nghinh, lúc đó đang còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng...


Đã 12 mùa xuân đi qua, kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, mỗi năm hàng trăm ngàn lượt du khách viếng Mỹ Sơn để được đắm chìm trong không gian kỳ bí, linh thiêng của một thung lũng lọt thỏm giữa chốn núi rừng thâm u, với những ngôi đền, ngọn tháp kiến trúc, điêu khắc hết sức độc đáo được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người Chămpa cổ xưa.


 

Trên những phiến đá (bia ký) vẫn còn khắc sâu những dòng chữ Phạn cổ cho các nhà khoa học xác định: khu đền tháp Mỹ Sơn được xây dựng liên tục trong suốt hơn 1.000 năm, kể từ đời Vua Bhadravarman trị vì vào thế kỷ IV cho đến cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV là triều đại của phò mã nhà Trần - Vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân). Mỹ Sơn là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của các vương triều Chămpa, cũng là nơi chôn cất các vị vua và thầy tu quyền lực...


Mới đây, trong hành trình đi tìm bí ẩn của pho tượng cổ Laksmindra - Lokesvara được tìm thấy ở di tích Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam), tình cờ tôi lại được ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích tỉnh Quảng Nam, tiết lộ một bí mật "động trời". Đó là chuyện dự án thủy lợi mang tên ngọn suối chảy bên chân khu đền tháp Mỹ Sơn - suối Khe Thẻ từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX. May mắn là công trình thủy lợi Khe Thẻ bị phản đối nên di tích khu đền tháp Mỹ Sơn mới tránh được "họa" chìm dưới đáy hồ. 


Thực, hư chuyện này thế nào? Ai là người có công giải cứu Mỹ Sơn thoát khỏi “kiếp nạn” ấy để rồi được sự hỗ trợ của Kazik (cách gọi thân mật đối với kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski) mà vinh danh thành di sản văn hóa thế giới?...


Lần theo sự hướng dẫn của ông Phan Văn Cẩm, tôi tìm gặp ông Đoàn Văn Lộc. Vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, ông Lộc làm Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, nên rất tỏ tường câu chuyện suýt dìm khu đền tháp Mỹ Sơn xuống đáy hồ...


Sau khi nghỉ hưu, ông Lộc về ở căn nhà trên đường Văn Cao đối diện với hồ Thạc Gián. Nghe hỏi chuyện cũ, người chiến sĩ cách mạng lão thành đã ngoài tuổi thất tuần, chợt giật mình. Rồi ông chép miệng bảo: "Cũng may hồi đó số đông cán bộ huyện không tán đồng. Đặc biệt khi trình bày với Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, các đồng chí lãnh đạo, trong đó có anh Hồ Nghinh, đã nghiên cứu lại và gạt bỏ chuyện xây dựng công trình thủy lợi Khe Thẻ, nếu không thì chắc chắn di tích Mỹ Sơn đã nằm trong biển nước...".


Bên chén trà nóng thơm ngát mùi hoa nhài của một ngày cuối năm, ông Lộc kể lại đầu đuôi câu chuyện, mới thấy rõ dự án công trình hồ Khe Thẻ là của các nhà chuyên môn ngành Thủy lợi chứ chẳng phải do sự thiếu suy nghĩ, nóng vội của lãnh đạo địa phương...


Đó là vào thời điểm, khi con đập cao 32m, dài nửa cây số chặn dòng sông Tam Kỳ của công trình thủy lợi Phú Ninh sắp hoàn thành. Trước sự thúc bách của việc phát triển lương thực cho đất nước, các nhà chuyên môn trong ngành thủy lợi lúc bấy giờ nhanh chóng tìm giải pháp tưới tiêu đồng ruộng vốn dĩ từ bao đời chỉ biết "thay trời làm mưa". Tại tỉnh Quảng Nam, cùng với hàng loạt công trình thủy lợi, dự án Khe Thẻ chào đời.

"Hồi đó đất nước đang trong khó khăn, lại xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cho nên "Tất cả cho lương thực" là một trong những khẩu hiệu hành động hàng đầu. Cho nên, các nhà chuyên môn của ngành thủy lợi hạ quyết tâm xây dựng được càng nhiều công trình thủy lợi càng tốt..." - Hớp ngụm trà, ông Lộc kể tiếp rằng, lúc bấy giờ với tư cách là Chủ tịch huyện Duy Xuyên, nên ông được các nhà chuyên môn đưa đến hiện trường xem việc khảo sát địa chất để ngăn đập tạo hồ cho công trình thủy lợi Khe Thẻ. 


Dòng suối Khe Thẻ, trước khi ra sông Thu Bồn, chảy quanh co trong thung lũng Mỹ Sơn xung quanh vây bọc bởi núi Chúa, Dương Chỉ, Dương Thông, Mỏ Cày... Chỉ cần đắp một con đập từ núi Mỏ Cày qua Dương Chỉ, Dương Thông ngăn suối là có một hồ chứa nước đủ để tưới tiêu cho một vùng đất rộng lớn ở các xã thuộc phía tây huyện Duy Xuyên.


 

Ông Lộc nhíu mày trầm ngâm một lát rồi chậm rãi: "Tuy nhiên, khi họp bàn Đảng ủy, UBND huyện để đi đến thống nhất dự án của các nhà chuyên môn thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo chia làm hai nhóm. Một nhóm tán đồng; nhóm đông hơn thì phản bác"... Thấy tôi tỏ sự ngạc nhiên, ông Lộc cười rung cả mái đầu tóc đã muối tiêu. Ông nói: "Bộ anh nghĩ nhóm cán bộ phản bác là muốn giữ lại khu đền tháp Mỹ Sơn, vì họ tiên lượng được UNESCO sẽ công nhận nó là di sản văn hóa thế giới sao? Không phải vậy đâu...".


Kiến trúc độc đáo của người Chămpa cổ xưa với hàng chục ngôi tháp linh thiêng, huyền bí mà người địa phương đặt cho những cái tên nghe hết sức dân dã như: Tháp Chùa, Tháp Chợ... đã bị giặc Mỹ đánh bom san bằng bình địa. Không muốn xóa đi một chứng tích tội ác chiến tranh, phần đông cán bộ lãnh đạo huyện Duy Xuyên phản bác dự án công trình thủy lợi Khe Thẻ. Họ đưa ra lý do xác đáng rằng, người Pháp đã xây dựng hai con đập lớn là Vĩnh Trinh và Thạch Bàn để tưới tiêu cho vùng đất phía tây Duy Xuyên. Vì thế, chỉ cần nâng cấp hai đập nước này cũng sẽ dư nước tưới cho đồng ruộng các xã Duy Châu, Duy Tân, Duy Phú, Duy Hòa... Tuy nhiên, trước những phản bác quyết liệt đó, các nhà chuyên môn cùng nhóm tán đồng dự án vẫn bảo thủ, không chút nhượng bộ. May mà sự việc được báo cáo lên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ và đề xuất nâng cấp đập Vĩnh Trinh, Thạch Bàn được thực hiện.


Trong số cán bộ lãnh đạo tỉnh bác bỏ chuyện ngăn suối Khe Thẻ để xây hồ làm thủy lợi có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh. Dõi đôi mắt xa xăm, đoạn ông Lộc nói thêm rằng, ông Hồ Nghinh quê ở khu Tây Duy Xuyên, kết thúc cuộc trường chinh chống Pháp, đánh Mỹ, trước khi làm Phó ban Kinh tế Trung ương (1982), đã làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời đó, ông Hồ Nghinh là người cất công thuyết phục lãnh đạo ngành thủy lợi và các quan chức kinh tế Trung ương cho xây dựng đập Phú Ninh để giải quyết vấn đề kinh tế, dân sinh của tỉnh. Nhưng, ông cũng chính là người quyết liệt trong việc bác bỏ làm đập Khe Thẻ. "Một người học rộng tài cao như ông Hồ Nghinh hiểu được giá trị văn hóa vô giá của Mỹ Sơn, chứ không phải giữ lại để làm chứng tích tội ác chiến tranh".


Nói rồi ông Lộc kể thêm câu chuyện khác. Hồi đó cũng cuối thập niên 70, sau khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chủ trương dời các nghĩa địa lẻ ở các thôn xóm, quy tập hài cốt vào chôn tập trung, trong một chuyến công tác về vùng Đông Duy Xuyên, khi đi qua một mương nước có tấm bia mộ làm cầu, ông Hồ Nghinh dừng lại đọc kỹ văn bia. Rồi ông bảo đoàn cán bộ đi theo rằng, phải biết tôn trọng người đã khuất. Cũng vì thiếu lương thực mới bốc mộ, dồn nghĩa địa lấy đất sản xuất, nhưng không vì thế mà phá bỏ đạo lý truyền thống dân tộc. Nói rồi ông lội mương mà qua chứ không bước lên tấm bia khiến những người đi theo phải cảm phục…


Nhắc đến những việc làm đáng trân trọng của ông Hồ Nghinh khi ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi chợt nhớ lại chuyện kể của các cán bộ cách mạng lão thành ở Hội An. Họ kể rằng, nếu không có ông Hồ Nghinh thì phố cổ Hội An cũng đã bị phá tan, vì cán bộ địa phương "quá tả" trong việc đập miếu, phá đình, bài trừ phong kiến. May mà, người ta mới đập phá cổng tam quan Khổng Miếu thì ông Hồ Nghinh biết chuyện, liền vội vã vào tận hiện trường ngăn chặn. Và nhờ thế mà phố cổ Hội An tồn tại, rồi kiến trúc sư Kazik góp phần bảo tồn để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ghi nhớ công lao người kiến trúc sư Ba Lan, người ta đã đặt tượng Kazik trong một vườn hoa giữa phố cổ Hội An. Còn công lao góp phần làm nên công trình thủy lợi Phú Ninh, giữ lại khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An của ông Hồ Nghinh thì sao? Nhiều người cũng đã đề xuất đặt tượng nơi này, nơi nọ. Song, tôi rất tâm đắc với lời tâm sự chân thành và sâu sắc của ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch TP Hội An, rằng: Với ông Hồ Nghinh, người dân xứ Quảng đã dựng tượng đài ông trong trái tim mình rồi!...


Long Vân/ An ninh thế giới

Nguồn:

Tin mới