Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 3 vừa qua, không có dự án ODA mới được ký kết.
Tính đến ngày 20/3, giá trị giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đạt khoảng 90 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm 2020, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết là 105 triệu USD, tổng vốn ODA và vốn vay ưu giải ngân ước đạt 424 triệu USD (tương đương khoảng 9.834 tỷ đồng).
Không có dự án ODA mới nào được ký kết trong tháng 3/2020. (Ảnh minh họa)
Về vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Đại dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến hết sức phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài, làm cho thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I năm 2020 giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tính đến ngày 20/3/2020, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) đạt gần 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD, thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I năm 2020 bằng 64,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Giải ngân vốn FDI trong quý I ước đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Một số lĩnh vực hút vốn FDI nhiều nhất là sản xuất phân phối điện (chiếm tỷ trọng 47,5% tổng số vốn đăng ký) và công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm tỷ trọng 31,9%).
Như vậy, lũy kế đến ngày 20/3/2020, cả nước có 31.665 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 370,1 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 215,6 tỷ USD, bằng 58,3% tổng số vốn đăng ký.
Đứng đầu danh sách các nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 68,6 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 59,7 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc).