Trước khi V-League 2021 khởi tranh, 4 câu lạc bộ bị điểm tên không đạt chuẩn chuyên nghiệp để tham dự. Đó là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Hải Phòng (không tham dự đầy đủ các giải trẻ trong năm 2020 theo như quy định), Dược Nam Hà Nam Định (không đạt tiêu chí về tài chính) và SLNA (không đạt tiêu chí về cơ sở vật chất, dàn đèn không đạt chất lượng theo đúng yêu cầu của AFC). 4 CLB này sau đó được đặc cách cho tham dự giải đấu.
Than Quảng Ninh, bằng cách nào đó, vượt qua vòng thẩm định từ VFF, VPF. Họ được khẳng định đủ điều kiện tài chính để tiếp tục cuộc chơi bóng đá chuyên nghiệp trong ít nhất 1 mùa giải nữa.
Chuyện chưa từng có
Trưa thứ 6 (10/4), lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, một loạt cầu thủ Than Quảng Ninh, trong đó có cả những người đã và đang là tuyển thủ ĐTQG, viết tâm thư lên mạng xã hội cầu cứu vì bị nợ lương, thưởng suốt 8 tháng trời.
Tâm thư kêu cứu của cầu thủ Than Quảng Ninh.
Việc những đội bóng không đảm bảo tài chính phải giải thể, cầu thủ không được trả lương đúng hạn là điều vẫn thường xuất hiện. Song Than Quảng Ninh đang đứng nhì bảng V-League 2021, lại được chứng thực là đủ năng lực tài chính, bỗng dưng để "nổ quả bom" tài chính rất xấu thế này thực sự khiến người hâm mộ choáng váng.
Cầu thủ, người lao động tại CLB Than Quảng Ninh đã sống, thi đấu thế nào trong suốt 8 tháng qua? Vì sao VPF, VFF lại không biết chuyện tày đình này? Thậm chí, việc nhóm cầu thủ Than Quảng Ninh đình công từ 1 tuần trước cũng chẳng buộc VPF hay VFF phải yêu cầu CLB giải trình như cách họ gửi văn bản hoả tốc ngay chiều tối thứ 6?
Những câu hỏi nhức nhối đó cho đến giờ vẫn chưa được trả lời thấu đáo. Khoản tiền 4,5 tỷ đồng được hứa giải ngân trong 1,2 ngày tới hòng hạ nhiệt "quả bom vừa nổ" cũng chẳng thể lấp đầy nỗi nghi ngờ về năng lực tài chính yếu kém của ông chủ CLB lẫn cách quản lý V-League từ lãnh đạo VFF.
CLB Than Quảng Ninh (áo xanh) nợ lương cầu thủ từ tháng 9/2020.
Trách nhiệm của VFF, VPF
Vấn đề chi trả lương, thưởng là chuyện riêng của CLB. VFF, VPF không can thiệp. Tuy nhiên, biến cố xảy ra với Than Quảng Ninh lại đe dọa tới tính toàn vẹn của V-League 2021, thậm chí tác động đến cả các mùa giải sau.
Biến cố của CLB Than Quảng Ninh cho thấy đây là quy trình vận hành V-League cực kỳ thiếu chặt chẽ.
Lỗ hổng được nhìn thấy ở khoảng thời gian giữa thời hạn cấp phép cho CLB và ngày khai mạc mùa giải mới. Lần gần nhất CLB Than Quảng Ninh trả lương đầy đủ, theo lời các cầu thủ, là tháng 8/2020, vừa đủ để họ đáp ứng tiêu chí chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, 4 tháng kể từ mốc thời gian đó cho đến khi mùa giải khởi tranh là một khoảng cách đủ dài cho những biến cố xuất hiện. VFF, VPF không nắm được thông tin, hoặc biết nhưng làm ngơ, không chủ động, tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Nguy cơ vỡ giải hiện hữu rõ ràng.
Chỉ đến khi các cầu thủ Quảng Ninh kêu cứu, VFF và VPF mới có động thái.
Thực tế, thông tin CLB Than Quảng Ninh nợ lương cầu thủ được nhắc đến từ trước khi mùa giải khai mạc. Lựa chọn làm ngơ, hoặc không quyết liệt, VPF, VFF khiến hệ thống giải chuyên nghiệp phải chịu chung mối nguy bất ổn.
Nếu 2 cơ quan này sâu sát và hành động ngay từ thời điểm đó, đội bóng đất mỏ thậm chí sẽ bị đánh tụt xuống hạng Ba. Nhưng các cầu thủ đủ khả năng và thời gian tìm kiếm bến đỗ mới, nơi cho họ thu nhập trong 4 tháng qua. Còn giải đấu chuyên nghiệp hạng cao nhất, bộ mặt của nền bóng đá, sẽ không phải đối mặt với nguy cơ một đội bỏ giải giữa chừng.
Không cơ chế nào buộc các CLB tự giác giải trình với cơ quan điều hành, quản lý giải về tình trạng tài chính khi chưa đến thời hạn báo cáo. Nhưng VPF, VFF được quyền chủ động yêu cầu điều này, động thái mà họ chỉ vừa mới thực hiện khi các cầu thủ dọa bỏ giải.
Trong hoàn cảnh chỉ một trận đấu bị hoãn cũng là vấn đề lớn, việc 1 đội bóng bỏ trận, bỏ giải đương nhiên sẽ khiến V-League 2021 không thể "về đích an toàn". Nếu nhiều hơn một đội lâm vào cảnh này, mùa giải của bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ vỡ.
Theo luật FIFA, cầu thủ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với CLB nếu bị nợ lương 2 tháng.
FIFA cũng có thể trừng phạt CLB nếu để nợ lương cầu thủ kéo dài.