Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tham vọng chinh phục sao Hỏa hay sự điên rồ của Elon Musk?

(VTC News) -

2 thập kỷ từ khi SpaceX ra đời, tham vọng chinh phục và biến sao Hỏa thành thuộc địa mới của loài người liên tục được vị tỷ phú này nhắc đi nhắc lại đến mức ám ảnh.

Tên lửa Starship của SpaceX.

Ngay từ năm 2007, Elon Musk đã công khai tuyên bố mục tiêu cá nhân của mình là tạo điều kiện cho con người thám hiểm và định cư trên sao Hỏa - hành tinh đá gần Trái đất nhất ngoài sao Kim. Ước mơ đầy tham vọng của ông được hiện thực hóa bằng một loạt nước đi như đầu tư mạnh cho công nghệ tên lửa, nghiên cứu Hành tinh Đỏ. 

Năm 2013, trong bài phát biểu quan trọng tại sự kiện South by Southwest (SXSW), ông tuyên bố: "Tôi muốn chết trên sao Hỏa, nhưng không phải khi va chạm".

Ông Musk, 53 tuổi, đã chỉ đạo các nhân viên SpaceX đào sâu vào thiết kế và các chi tiết của một thành phố trên sao Hỏa, theo nguồn tin của NYT. Một nhóm đang lập kế hoạch cho các môi trường sống dạng mái vòm nhỏ, sử dụng các vật liệu đặc biệt. Một nhóm khác đang nghiên cứu các bộ đồ du hành vũ trụ có khả năng chống chịu môi trường khắc nghiệt của sao Hỏa, trong khi một nhóm y khoa thậm chí tìm hiểu xem liệu con người có thể sinh con ở đó hay không.

Các sáng kiến, hiện đang trong giai đoạn đầu, là minh chứng cho việc ông Musk đang ngày càng lạc quan về một thuộc địa sao Hỏa. Năm 2016, ông tuyên bố rằng sẽ mất 40 đến 100 năm để có một nền văn minh tự duy trì trên hành tinh này. Nhưng đến tháng 4 năm nay, ông Musk đã nói với các nhân viên SpaceX rằng hiện ông hy vọng một triệu người sẽ sống ở đó trong khoảng 20 năm nữa.

Elon Musk thể hiện tham vọng rất rõ ràng về việc biến sao Hỏa thành thuộc địa ngoài hành tinh. (Ảnh: NYT)

Elon Musk vốn nổi tiếng là người có cá tính khác thường, hành động khó đoán và tư duy ít ai hiểu nổi. Nhưng tầm nhìn của ông về cuộc sống trên sao Hỏa đã đưa những tham vọng dường như vô hạn của ông lên đến mức cực đoan nhất, hay như một số người cho là vô lý nhất. Chưa ai từng đặt chân lên hành tinh này. NASA không kỳ vọng đưa con người lên sao Hỏa trước những năm 2040. Và nếu con người có đến được đó, họ sẽ bắt gặp một địa hình cằn cỗi, nhiệt độ băng giá, bão bụi và bầu không khí không thể thở được.

Vậy lý do gì khiến ông Musk dồn toàn bộ tâm sức, hy vọng vào một kế hoạch tưởng như không thể thực hiện hoặc thậm chí giống như tự sát?

Tầm nhìn vượt hành tinh hay mộng tưởng điên rồ?

Ông Musk đã bị sao Hỏa mê hoặc kể từ năm 10 tuổi, sau khi đọc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Foundation" viết năm 1951 của Isaac Asimov. Trong câu chuyện, nhân vật chính xây dựng một thuộc địa trên khắp thiên hà để cứu nhân loại khỏi sự sụp đổ của một đế chế liên sao.

"Họ tìm thấy một hành tinh cách xa trung tâm thiên hà và cố gắng bảo tồn kiến ​​thức và nền văn minh của con người ở đó trong lúc trung tâm của thiên hà đang sụp đổ", ông Musk nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 cho một video khoa học.

Theo một tập podcast năm 2023 của Lex Fridman, lý do đầu tiên vị tỷ phú này muốn lên sao Hỏa và xa hơn nữa là vì mục đích sinh tồn của giống loài. Điều này cũng được ông khẳng định nhiều lần trong các podcast với Joe Rogan.

Theo Musk, Mặt trời đang liên tục mở rộng. Dù rất chậm thôi, nhưng cuối cùng, nó sẽ làm nóng Trái đất, đun sôi các đại dương và biến Trái đất thành bản sao của sao Kim, nơi "sự sống như chúng ta biết là không thể tồn tại".

"Nếu chúng ta không trở thành nền văn minh liên hành tinh và vượt ra ngoài Hệ mặt trời của mình, thì sự hủy diệt của mọi sự sống trên Trái đất là điều chắc chắn. Có thể chỉ mất nửa tỷ năm; chỉ hơn 10% so với thời gian Trái đất từng tồn tại. Nếu sự sống mất hơn 10% thời gian đó để tiến hóa trên Trái đất, thì nó sẽ không tồn tại được", ông lập luận.

Theo NASA, Mặt trời phát triển và co lại theo chu trình tương đối ổn định. Khi Mặt trời cạn kiệt năng lượng, khoảng 5 tỷ năm nữa, nó sẽ mở rộng thành một ngôi sao khổng lồ đỏ, nhấn chìm một số hành tinh trong Hệ mặt trời.

Ông chủ SpaceX tuyên bố rằng, nếu nhân loại có thể khám phá các hệ sao khác, các nhà thám hiểm của chúng ta có thể sẽ phát hiện ra bằng chứng về "một nhóm lớn các nền văn minh đã chết từ lâu do chưa bao giờ thoát khỏi hành tinh quê hương của họ".

Việc chinh phục những hành tinh khác trong Hệ mặt trời là bước đầu tiên tiến ra không gian "ngoài kia". (Ảnh: Interstellar)

Musk cho biết, để nền văn minh tồn tại, nó phải có cơ sở liên hành tinh. Ông nhấn mạnh một cách vui đùa rằng loài khủng long đã tuyệt chủng vì chúng không có tàu vũ trụ. Tóm lại, nếu nhân loại không thể tìm ra cách di cư đến những hành tinh khác để có phương án B, phương án C ngoài hành tinh mẹ, thì "chỉ là vấn đề thời gian" trước khi một sự cố không may nào đó diễn ra xóa sổ toàn bộ chúng ta. Sự cố đó có thể là Thế chiến III, sự suy thoái của nền văn minh, biến đổi khí hậu hay suy sụp dân số.

Một khái niệm được ông nhắc đến trong buổi podcast với Joe Rogan là The Great Filter (tạm dịch: Màng lọc lớn). Về cơ bản, khái niệm này nằm trong nhóm các giả thuyết được đưa ra để lý giải Nghịch lý Fermi (rằng tại sao có hàng tỷ tỷ hành tinh trong vũ trụ, nhưng chúng ta chưa thể phát hiện bất cứ dấu vết nào của nền văn minh khác). The Great Filter lập luận rằng sự sống từ khi sơ khai, cho đến khi thành trí thông minh, rồi sở hữu năng lực truyền thông liên hành tinh hay du hành liên sao, đều trải qua vô số biến cố khiến chúng "chết yểu" và đạt được đến nền văn minh như chúng ta hiện tại là vô cùng hiếm có.

Là một người say mê khoa học và tiểu thuyết viễn tưởng, Elon Musk sở hữu tầm nhìn với tư cách một giống loài, thay vì hành tinh. Một giả thuyết phổ biến trong khoa học viễn tưởng và thiên văn học cho rằng, sau khi một loài thông minh đạt được tiềm lực công nghệ đủ lớn, nó có thể tiêu diệt các loài thông minh khác để đảm bảo sự tồn tại của mình.

Ý tưởng này đã được thảo luận trong các tác phẩm của Fred Saberhagen, Gregory Benford, Greg Bear và Lưu Từ Hân. Những lý do đằng sau hành động này có thể là do sự mở rộng lãnh thổ, lòng tham, sự lo sợ, tính hiếu chiến, hoặc đơn giản nhất là nhu cầu năng lượng, một khi dân số và nhu cầu năng lượng của một nền văn minh đã vượt quá hành tinh hay ngôi sao mẹ. Để tránh khỏi sự đe dọa tiềm tàng từ một nền văn minh không thân thiện, một hướng đi chính là phải trở thành một nền văn minh có khả năng xây dựng thuộc địa liên sao, "lấy công làm thủ" và không bỏ tất cả trứng vào một giỏ.

"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trái đất, sự sống có thể mở rộng ra ngoài hành tinh. Cửa sổ đó đang mở. Bây giờ nó có thể mở trong một thời gian dài hoặc có thể mở trong một thời gian ngắn. Động thái thông minh là biến sự sống thành liên hành tinh trong khi vẫn có thể làm như vậy", ông Musk nói.

Việc lựa chọn sao Hỏa cũng không phải ngẫu nhiên. Mục tiêu cuối cùng của SpaceX không phải sao Hỏa, mà là du hành liên sao - mặc dù điều đó khó có khả năng xảy ra khi Musk còn sống. Lý do mà sao Hỏa được lựa chọn một phần lớn là bởi trọng lực. Trái đất là ngôi nhà duy nhất của con người, nhưng cũng đồng thời chính là nhà tù – bởi lẽ để phóng được tàu vũ trụ từ Hành tinh xanh, cần rất nhiều năng lượng và sức đẩy. tiêu tốn lượng lớn tiền, thời gian và nhân công.

SpaceX thu hồi thành công tên lửa đẩy - một bước đi được xem là có tính lịch sử của ngành hàng không vũ trụ.

Với trọng lực chỉ bằng khoảng 38% so với Trái đất và bầu khí quyển mỏng hơn, việc phóng tàu vũ trụ từ sao Hỏa sẽ yêu cầu ít năng lượng và lực đẩy hơn nhiều so với Trái đất. Điều này làm cho việc xây dựng và phóng các tàu liên sao từ một thuộc địa trên sao Hỏa trở nên khả thi hơn.

Ngoài ra, sao Hỏa có một số tài nguyên sẵn có, như nước dưới dạng băng và các nguyên tố có thể khai thác, giúp hỗ trợ cuộc sống lâu dài cũng như xây dựng công nghệ tại chỗ. Điều này không chỉ làm giảm chi phí vận chuyển từ Trái Đất mà còn giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự sản xuất các tàu vũ trụ liên sao trong tương lai. Mặc dù du hành liên sao là một mục tiêu rất xa vời, việc tạo lập thuộc địa trên sao Hỏa được coi là bước đi cần thiết đầu tiên để hiện thực hóa ước mơ đó.  

Tuy vậy, cho đến nay, thiên thể duy nhất mà con người đặt chân lên được ngoài Trái đất vẫn là Mặt trăng. Việc đưa người lên sao Hỏa sẽ còn khó khăn hơn gấp bội, chưa kể đến tạo lập một nền văn minh tự duy trì được trên đó. Một số nhà khoa học, tỷ phú khác đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Elon Musk là điên rồ, lãng phí và ngu ngốc, nhưng có lẽ chỉ thời gian mới có thể trả lời xem liệu họ có phải là những con ếch đang gắng giữ chân một con ếch khác nỗ lực nhảy khỏi giếng hay không.

Thạch Anh

Tin mới