Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thảm họa cháy rừng tàn phá Australia, Thủ tướng Morrison bị chỉ trích nặng nề

(VTC News) -

Chính phủ Australia, đặc biệt là Thủ tướng Morrison đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ vì cách họ đối phó với cháy rừng.

"Đây là khoảnh khắc sự thật đối với Thủ tướng Scott Morrison, người đang thất bại trong nhiệm vụ cơ bản của mình là giữ cho các công dân của chúng ta không bị tổn hại.

Phản ứng hoàn toàn không thỏa đáng của ông ấy với các đám cháy cũng như việc ông ấy từ chối thừa nhận những gì chúng ta đã biết trong nhiều thập kỷ rằng đốt các nhiên liệu hóa thạch gây biến đổi khí hậy sẽ dẫn tới các vụ cháy thường xuyên và dữ dội hơn, đẩy cuộc sống người Australia gặp nguy hiểm", lãnh đạo đảng Xanh Richard Di Natale nói trong tuyên bố đưa ra hôm 1/1. 

Nhiều bang của Australia đang trải qua thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử. Con số thiệt hại về người và tài sản tiếp tục tăng nhanh và cháy rừng chưa biết đến khi nào sẽ chấm dứt. Liên tiếp trong vài tuần qua, bầu trời nhiều khu vực ở quốc gia châu Đại dương chuyển sang màu đỏ máu.  

Hàng trăm đám cháy vẫn đang vượt tầm kiểm soát trên khắp Australia, phá hủy hàng triệu ha rừng, cướp đi sinh mạng của 18 người, thiêu rụi ít nhất 1.200 ngôi nhà.

Ảnh vệ tinh chụp lại các đám cháy tàn phá thị trấn ven biển BHRans, phía Nam bang New South Wales. (Ảnh: EMS)

Người dân cũng như nhiều chính trị gia Australia kêu gọi chính phủ hành động lập tức để đối phó với thảm kịch này. 

"Điều hoàn toàn rõ ràng ở đây là chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp và giờ là lúc Thủ tướng cần chấp nhận sự thật đó", ông Di Natale nhấn mạnh. 

Đảng Xanh đang yêu cầu chính phủ thành lập Ủy ban Hoàng gia, điều tra tất cả mọi thứ từ quản lý đất đai và cách các địa phương đối phó với biến đổi khí hậu. 

"Nếu ông ấy từ chối làm vậy, chúng tôi sẽ chuyển sang yêu cầu thành lập ủy ban điều tra của Quốc hội có thẩm quyền tương tự Ủy ban Hoàng gia", ông Di Natale cảnh báo.  

Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Lao động Anthony Albanese kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp giữa lãnh đạo chính phủ, các tiểu bang và nhiều vùng lãnh thổ. 

"Đây là một trường hợp khẩn cấp quốc gia. Nó đòi hỏi một phản ứng quốc gia tới từ chính phủ", ông Albanese nói với truyền thông hôm 20/12, nhưng không đả động tới vấn đề biến đổi khí hậu. 

Về phần mình, ông Morrison không đưa ra phản hồi về 2 đề xuất trên. Ông thừa nhận thời điểm này là "giai đoạn thử thách lớn đối với đất nước" nhưng phớt lờ nhận định cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn. 

Trên thực tế, biến đổi khí hậu trở thành vấn đề gây tranh cãi kịch liệt ở Australia nhiều năm qua. Kể từ năm 2016, một phần của New South Wales cùng khu vực Nam Queensland phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài. Cục Khí tượng Australia cho biết nguyên nhân hạn hán một phần là do nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn ảnh hưởng đến các hình thái mưa. Nhiệt độ không khí ấm lên cũng trở thành tác nhân thúc đẩy hạn hán và hỏa hoạn. 

Nhiều nhà hoạt động môi trường, các nhà lập pháp kêu gọi Thủ tướng Morrison - người vẫn luôn khẳng định cháy rừng và biến đổi khí hậu không hề liên quan đến nhau - cần thay đổi quan điểm và làm nhiều hơn để chống lại tác động biến đổi khí hậu.

Đáp lại, ông Morrison - người ủng hộ ngành than đá khẳng định chính phủ của ông vẫn đang cân bằng hiệu quả giữa nhu cầu của nền kinh tế và hành động chống lại sự biến đổi khí hậu, đồng thời từ chối lời kêu gọi cắt giảm hoạt động khai thác than tại quốc gia xuất khẩu than và khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giớ. Nhiều người đồng quan điểm với nhà lãnh đạo Australia khi cho rằng kìm hãm sự phát triển công nghiệp sẽ làm tê liệt nền kinh tế của đất nước.

Trong bài phát biểu mới đây tại Liên hợp quốc, ông Morrison cũng phản bác những chỉ trích nhắm vào chính sách chống lại biến đổi của Australia, khẳng định Canberra đang làm việc của mình. 

 

 

Song Hy (Nguồn: Bussiness Insider )

Tin mới