Dù đã qua giai đoạn "làm mưa làm gió" nhưng gameshow vẫn là một mảng quan trọng trên truyền hình. Đại dịch COVID-19 bùng phát kéo theo thời gian dài giãn cách xã hội khiến cho việc sản xuất, ghi hình các gameshow trong 2 năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người đã dùng từ "chết lâm sàng" để nói về đời sống của các gameshow trong thời gian này.
"Running Man" lùi lịch phát sóng vì đại dịch COVID-19.
Hầu hết các gameshow ở Việt Nam hiện nay đều được thực hiện dưới hình thức cuốn chiếu, vừa quay vừa phát sóng. Cách làm này giúp các nhà sản xuất cập nhật được thị hiếu của khán giả và điều chỉnh nội dung theo hướng phù hợp hơn. Tuy nhiên, khi giãn cách xã hội, họ không thể ghi hình các tập mới. Có không ít chương trình đang phát sóng buộc phải dừng lại vì không sản xuất được tập mới.
Running Man Việt Nam mùa thứ hai công bố lịch phát sóng là tháng 7/2021. Tuy nhiên, vì dịch COVID-19, nhà sản xuất phải dời lịch tới tháng 9. Trong suốt khoảng thời gian tháng 6 và tháng 7, ê-kíp gần như không làm được gì. Tới giữa tháng 8, Running Man sang Hàn Quốc ghi hình 10 ngày. Tối 29/8, cả đoàn trở về Việt Nam và thực hiện cách ly theo quy định.
Theo kế hoạch ban đầu, Running Man Vietnam ghi hình tại nhiều tỉnh thành để quảng bá hình ảnh Việt Nam tươi đẹp cùng những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc. Tuy nhiên, điều này trở nên cực kỳ khó khăn trong bối cảnh COVID-19 hoành hành.
The Heroes 2021 ghi hình và lên sóng trước khi dịch bùng phát mạnh tại TP.HCM. Khi dịch có dấu hiệu diễn biến phức tạp, ê-kíp sản xuất buộc phải quay lần lượt từng thí sinh và trong hoàn cảnh không có khán giả. Sau đó, The Heroes cũng buộc phải dừng công việc ghi hình trực tiếp một thời gian.
Hàng loạt chương trình khác như Vietnam’s Best Dance Crew quay được nửa chặng đường cũng phải dừng lại. Sàn đầu vũ đạo cũng phải tạm dừng ghi hình sau khi thực hiện được 5 số. Siêu tài năng nhí tạm dừng lại ở tập 10....Hàng loạt gameshow đã lên lịch ghi hình như Ca sĩ bí ẩn, Thách thức danh hài, A đây rồi... cũng phải hoãn.
Nhà sản xuất nhiều gameshow chọn cách ghi hình online như: Nhanh như chớp, Ghép đôi thần tốc, Ông mai hẹn hò, Bạn muốn hẹn hò, Cả nhà thương nhau, Tâm đầu ý hợp, Lạ lắm à nha....Tuy nhiên, việc thực hiện các gameshow này gặp quá nhiều rủi ro khách quan, chẳng hạn về chất lượng đường truyền internet, thời gian ghi hình có thể kéo dài khi nghệ sĩ tự đảm nhận nhiều vai trò (make - up, quay phim, căn chỉnh ánh sáng, âm thanh...). Chất lượng các chương trình này dĩ nhiên không thể bằng các chương trình được ghi hình trực tiếp với sự hỗ trợ của cả ê-kíp có thể lên tới hàng trăm người. Đây chỉ có thể coi là món "ăn tạm" cho khán giả trong mùa dịch.
Nhiều gameshow ghi hình online trong mùa dịch.
Khi gameshow không thể ghi hình, các nhà sản xuất rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính. Ngày 21/9, 20 doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình trong nước ký tên vào kiến nghị gửi Thủ tướng và UBND TP.HCM. Trong đó, họ không yêu cầu hỗ trợ tiền bạc, mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới. Cũng theo các đơn vị này, việc giãn cách xã hội kéo dài khiến kế hoạch sản xuất và phát hành nhiều bộ phim, chương trình truyền hình bị lùi lại hoặc trì hoãn vô thời hạn, tình hình tài chính trở nên thê thảm.
Hiện, xã hội trở về trạng thái bình thường mới, các gameshow đang rục rịch ghi hình trở lại. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và nghệ sĩ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chi phí đội lên do phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch. Mỗi chương trình sẽ bị giới hạn số người, không có khán giả, các thành viên trong ê-kíp phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine... Tất cả luôn căng mình trong bối cảnh phải vừa đảm bảo chất lượng chương trình, vừa đảm bảo an toàn cho các thành viên, cùng tâm lý sẵn sàng đối mặt với những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào.