Sáng 7/1, Bệnh viện Từ Dũ thông tin liên quan đến sự cố thai nhi 40 tuần tuổi chết bất thường tại đây. Theo BS. Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nguyên nhân khiến thai nhi chết là do dây rốn thắt nút, đồng thời quấn 2 vòng quanh cổ.
Theo bác sĩ Nhi, trên thế giới ghi nhận số trường hợp bị dây rốn thắt nút rất hiếm, chỉ từ 0,3 - 2% và cũng rất khó chẩn đoán trong siêu âm.
“Khi dây rốn thắt nút, tuần hoàn của mẹ và con thường sẽ bị gián đoạn, dẫn đến tử vong. Hơn nữa thai nhi này còn bị dây rốn quấn 2 vòng quanh cổ, tức là bé bị quấn rất chặt. Có nhiều trường hợp cũng bị dây rốn thắt nút nhưng do nút thắt lỏng hơn nên bé vẫn sống.
Không có quy định nào trong siêu âm cho biết thời điểm phát hiện dây rốn thắt nút, cũng không có một dấu hiệu cảnh báo lâm sàng nào. Vì vậy không thể có chiến lược tầm soát bằng siêu âm đối với những trường hợp như thế này được”, bác sĩ Nhi cho biết.
Bệnh viện Từ Dũ tổ chức thông tin cho báo chí về nguyên nhân sự cố thai nhi 40 tuần tuổi chết bất thường.
Theo mô tả từ hồ sơ bệnh án, chị Trần Thị Kiều Diễm nhập viện ngày 28/12/2019, lúc thai được 40 tuần 1 ngày tuổi và bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. Sau khi tiếp nhận thai phụ, kíp trực thực hiện nghe tim thai theo đúng quy trình và đều có ghi nhận trong hồ sơ.
“Quy định của sản A là khi sản phụ nhập viện sẽ nghe tim thai 4 tiếng 1 lần. Khi cổ tử cung mở được 3 cm thì sản phụ được chuyển vào phòng sinh và bắt đầu 1 tiếng nghe tim thai 1 lần. Trong thời gian chị Diễm ở sản A, tim thai vẫn hoàn toàn bình thường.
Đến khoảng 22h27 phút, sau khi nhận thông tin từ người nhà về việc chị Diễm ngày càng đau dữ dội, kíp trực thực hiện việc khám, lúc này tim thai rất khó nghe. Chúng tôi gửi chị Diễm đi siêu âm ngay lập tức. Kết quả siêu âm cho ghi nhận thai đã chết trong tử cung”, bác sĩ Nhi cho biết.
Cũng theo bác sĩ Nhi, đây là trường hợp thai nhi diễn tiến đột ngột mà các bác sĩ không thể lường trước được. Sau sự cố, bệnh viện yêu cầu kíp trực giải trình, kiểm tra hồ sơ lưu trữ lại và thực hiện hội chẩn 3 lần để đánh giá lại toàn bộ sự việc.
“Kết quả nhận thấy đội ngũ kíp trực thực hiện đúng quy trình, phù hợp hoàn toàn với quy định tại khoa sản A, của phòng cấp cứu.
Chúng tôi hiểu và chia sẻ về mất mát này đối với gia đình bệnh nhân, bản thân chúng tôi cũng rất đau lòng khi không thể cứu được cháu. Tuy nhiên, đây là sự việc đáng tiếc mà chúng tôi không thể lường trước được”, bác sĩ Nhi cho biết.
BS. Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (bên trái).
Cũng theo bác sĩ Nhi, trường hợp chị Diễm vì là con so nên quá trình chuyển dạ rất lâu. Tại thời điểm chuyển dạ, các bác sĩ không thể can thiệp vào khu vực âm đạo và cũng không thể làm gì hết. Vì nếu can thiệp như khám âm đạo có thể gây ra nhiễm trùng, gây ra những biến chứng cho mẹ và bé sau này.
Sau khi phát hiện tim thai ngừng đập, các bác sĩ dự kiến sẽ cho chị Diễm sinh thường để tránh phải trải qua một ca mổ. Tuy nhiên, phát hiện chị Diễm bắt đầu có dấu hiệu nhau băng non (một biểu hiện ban đầu của phong huyết tử cung), các bác sĩ quyết định thực hiện ca mổ bắt thai nhi ra để tránh những nguy hiểm về sau cho sản phụ.