Kết quả vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp trong ngày 19/6, theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp sau khi việc kiểm phiếu đã hoàn tất, liên minh “Chung sức” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành số ghế nhiều nhất, là 246 ghế.
Liên minh các đảng cánh tả mang tên “Liên minh nhân dân xã hội và sinh thái mới” (Nupes) về thứ hai với số ghế giành được là 142 ghế. Về thứ ba là đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen với 89 ghế.
Tổng thống Pháp Macron đối mặt khó khăn lớn sau bầu cử Quốc hội.
Thất bại của liên minh “Chung sức”
Kết quả này là thất bại lớn đối với liên minh “Chung sức” của Tổng thống Emmanuel Macron bởi trước khi vòng 2 diễn ra, hầu hết cuộc thăm dò dư luận đều dự đoán là liên đảng ủng hộ ông Macron có thể giành ít nhất trên 260 ghế, thậm chí vẫn có khả năng vượt qua con số 289 ghế để giành đa số tại Quốc hội Pháp. Vì thế, việc chỉ giành được 246 ghế là sự thất vọng rất lớn đối với liên đảng của ông Macron.
Đối với liên minh cánh tả Nupes, con số 142 ghế cũng không phải kết quả rất tốt nhưng vẫn nằm trong dự đoán. Tuy nhiên, việc đảng cực hữu “Mặt trận quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen giành đến 89 ghế tại Quốc hội Pháp là sự kiện lịch sử. Đây là số ghế cao nhất mà đảng cực hữu giành được trong các kỳ bầu cử Quốc hội Pháp dưới thời nền Cộng hoà thứ 5 và trên thực tế đã biến đảng “Tập hợp quốc gia” trở thành đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Pháp. Kết quả này nằm ngoài sự chờ đợi của chính những lãnh đạo của đảng “Tập hợp quốc gia”.
Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay đã đánh dấu những bước ngoặt lớn trong nền chính trị Pháp. Thế chia 3 trong nền chính trị Pháp được củng cố rõ rệt hơn nhưng đồng thời chưa khi nào một liên đảng ủng hộ tổng thống đương nhiệm lại có số ghế ít hơn dự kiến tại Quốc hội và đảng cực hữu lại giành nhiều ghế hơn dự kiến.
Về tỷ lệ cử tri vắng mặt, con số sơ bộ cho thấy tỷ lệ vắng mặt tại vòng 2 là khoảng trên 53%. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn con số kỷ lục của năm 2017 (trên 56%) nhưng vẫn là chi tiết cho thấy xu hướng xa rời, thờ ơ của cử tri Pháp đối với bầu cử Quốc hội từ hơn 2 thập kỷ qua chưa có dấu hiệu thay đổi. Nói cách khác, cử tri Pháp vẫn chưa lấy lại được lòng tin vào hệ thống chính trị, vào các đảng phái như trước kia.
Kịch bản duy nhất của Tổng thống Macron
Kịch bản khả thi và cũng là duy nhất giúp liên minh “Chung sức” của ông Macron giành được đa số ghế tại Quốc hội Pháp là liên minh với 2 đảng cánh hữu “Những người Cộng hoà” và Liên minh dân chủ độc lập (UDI).
Hai đảng này giành được 64 ghế nên nếu 2 đảng này chấp nhận liên minh với liên đảng của ông Macron, ông Macron sẽ có đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp. Tuy nhiên, ngay trong tối 19/6, Chủ tịch đảng “Những người Cộng hoà’ Christian Jacob đã tuyên bố rằng, đảng của ông không chấp nhận liên minh với ông Macron và sẽ đứng về phía đối lập.
Quan điểm này có thể thay đổi trong những ngày tới khi các bên tiến hành đàm phán và đưa ra các nhượng bộ, trao đổi, nhưng hiện tại trong nội bộ đảng “Những người Cộng hoà” sự phản đối ông Macron đang ở mức rất cao bởi nhiều thành viên đảng này coi ông Macron là nguyên nhân lớn nhất gây chia rẽ và làm suy yếu cánh hữu trong vài năm qua.
Khả năng đảng “Những người Cộng hoà” chấp nhận liên minh với ông Macron là không cao, do những người có xu hướng ôn hoà trong đảng này trên thực tế đã gia nhập đội ngũ của ông Macron từ trước, điển hình là nhiều chức danh Bộ trưởng nhiệm kỳ trước và hiện nay trong chính quyền của ông Macron là những thành viên của đảng “Những người Cộng hoà” nên những người còn lại đều khá cứng rắn và hầu hết người này đều quyết tâm đứng về phía đối lập với ông Macron.
Những gì chờ đợi chính quyền của ông Macron sắp tới sẽ rất khó khăn. Nguy cơ tê liệt chính trị không nhỏ, bởi bất cứ quyết sách, cải cách nào của ông Macron cũng đều cần có sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội Pháp. Giới phân tích chính trị Pháp cho rằng, trước mắt ông Macron chỉ có thể vận động các nghị sĩ ôn hoà của cánh hữu và cánh tả đối với từng dự án, từng dự luật cụ thể để có đủ 289 phiếu ủng hộ nhưng đây không phải giải pháp lâu dài và sớm muộn ông Macron có lẽ phải tính đến phương án sử dụng điều 12 Hiến pháp đó là giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử lại.
Tuy nhiên, việc giải tán Quốc hội chỉ có thể được thực hiện sau 1 năm diễn ra cuộc bầu cử, tức sang năm 2023 ông Macron mới có thể hy vọng tổ chức một cuộc bầu cử mới để thay đổi cán cân trong Quốc hội Pháp. Điều này cũng có nghĩa là từ nay đến khi đó, các quyết sách lớn, các dự án cải cách mà ông Macron ấp ủ thực hiện sẽ bị đóng băng hoàn toàn.
70% người dân Pháp không muốn ông Macron có đa số tại Quốc hội
Một trong những đặc điểm nổi bật của của nền chính trị Pháp hiện nay đó là Tổng thống có quyền lực rất lớn. Tổng thống Pháp là người chỉ định Thủ tướng, là người có quyền giải tán Quốc hội. Vì thế, trong trường hợp Tổng thống lại có đa số ủng hộ tại Quốc hội thì hầu như mọi quyết sách, mọi cải cách mà Tổng thống muốn thực hiện đều sẽ không thể bị ngăn cản.
Thậm chí, ngay cả khi các nhóm đảng trong Quốc hội Pháp phản đối quyết liệt một dự luật cải cách nào đó, chính quyền của tổng thống vẫn có thể sử dụng lá bài điều hành bằng sắc lệnh, hoặc sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp của Pháp, tức chấp nhận nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm để thông qua dự luật mà không cần đa số tại Quốc hội ủng hộ. Với tất cả những vũ khí đó, quyền lực của Tổng thống Pháp sẽ vô cùng lớn khi có được đa số tại Quốc hội.
Trong nhiệm kỳ 5 năm trước, ông Emmanuel Macron đã có tất cả yếu tố thuận lợi trên và trên thực tế đã điều hành chính quyền Pháp với một phong cách bị các đảng đối lập và truyền thông Pháp chỉ trích rất nhiều là kiêu ngạo, đôi khi độc đoán, phớt lờ rất nhiều ý kiến của các đồng minh chính trị hay các đối tác xã hội, tức là các hiệp hội giới chủ và các công đoàn.
Rất nhiều chính sách ông Macron thực thi hoặc dự định thực thi đã gây ra các tranh cãi lớn, bị phản đối mạnh bởi các đảng đối lập cũng như các công đoàn, như cải cách hưu trí, hay điển hình là việc tăng giá nhiên liệu hồi 2018 dẫn đến bạo động “Áo vàng”. Vì thế, theo quan điểm của rất nhiều cử tri Pháp, ông Macron cần có sự thay đổi lớn về phong cách lãnh đạo và cần có một lực lượng chính trị đủ mạnh để làm đối trọng, buộc ông Macron phải có những cân nhắc, điều chỉnh lớn hơn trong chính sách, đặc biệt là các chính sách về an sinh xã hội và môi trường.
Việc ông Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp không có nghĩa là đa số các cử tri Pháp hoàn toàn ủng hộ ông bởi cũng giống như năm 2017, rất nhiều cử tri Pháp bỏ phiếu bầu ông Macron làm Tổng thống chỉ vì không muốn bà Marine Le Pen chiến thắng. Do đó, việc có đến 70% người dân Pháp không muốn ông Macron có đa số tại Quốc hội là điều có thể hiểu được vì họ chấp nhận ông Macron làm Tổng thống nhưng không muốn trao cho ông quyền lực tuyệt đối, muốn Quốc hội Pháp có một quyền lực cân bằng những chính sách của ông Macron.
Đối với việc ông Jean-Luc Mélenchon làm Thủ tướng, việc đa số dân Pháp không ủng hộ có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tính cách của ông Mélenchon quá quyết liệt, đồng thời các chính sách kinh tế mà ông Mélenchon dự định theo đuổi cũng gây ra rất nhiều tranh cãi và gần như trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Tổng thống Emmanuel Macron.
Tại Pháp, Thủ tướng do Tổng thống chỉ định, là người trực tiếp thực thi các định hướng chính sách lớn do Tổng thống đưa ra nên nhiều người Pháp cho rằng nếu ông Mélenchon làm Thủ tướng sẽ rất khó có sự hợp tác và dung hoà tốt giữa ông Macron và ông Mélenchon. Khi đó, chính quyền Pháp sẽ rơi vào tình trạng tê liệt, bế tắc. Đó là lí do mặc dù tỷ lệ ủng hộ liên minh cánh tả lên rất cao nhưng nhiều cử tri Pháp cũng không cho rằng việc ông Mélenchon làm Thủ tướng sẽ là kịch bản tốt cho nước Pháp. Tất nhiên, với kết quả bầu cử như hiện nay, kịch bản này cũng không có cơ hội xảy ra.