Để các doanh nghiệp quảng cáo, truyền thông, sản xuất các chương trình truyền hình vượt qua khó khăn, rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước đồng thời bản thân mỗi doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động đổi mới để thích ứng với môi trường biến đổi.
Nguyễn Anh Tuấn, một doanh nghiệp truyền thông sự kiện, quay phim trên đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân cho biết, trước năm 2020, doanh nghiệp của anh tạo việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp của anh đã phải đối mặt với khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vì đại dịch COVID-19.
Anh Tuấn cho biết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động và cắt giảm những chi phí biển, bảng quảng cáo, băng rôn, quay phim, chụp ảnh. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, doanh nghiệp của anh gần như không có việc làm.
Nhiều đơn vị quảng cáo, đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
“Để cắt giảm chi phí phát sinh khi không có việc làm, tôi buộc phải cho hầu hết người lao động nghỉ việc về quê phòng dịch. Họ là những người lao động đã gắn bó với mình vài năm, nhưng do không thể “cầm cự” nên tôi buộc phải cho nghỉ không lương. Dù rất thương người lao động nhưng tôi không còn cách nào khác hơn”, anh Tuấn than thở.
Không chỉ có quảng cáo, truyền hình của anh Nguyễn Anh Tuấn gặp khó khăn, mà đây là khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp quảng cáo, truyền thông, truyền hình.
Công ty sản xuất phim TVC quảng cáo có địa chỉ tại tòa nhà 27A2, Chung cư Green Stars 234 Phạm Văn Đồng, Phường Cố Nhuế 2, Quận Bắc Từ Liêm, Tp. Hà Nội cơ hơn 15 nhân viên, người lao động.
Dù mới đi vào hoạt động được hơn 4 năm, nhưng với đội ngũ nhân sự trẻ, có chuyên môn, nhiệt huyết, năng động nên thu nhập trung bình từ 12-15 triệu/người/tháng. Tuy nhiên, đó chỉ là mức lương nhận được của người lao động khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn ra.
Hai năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gần như ngừng trệ, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhà hàng vốn là đối tác tạo việc làm cho Công ty sản xuất phim TVC quảng cáo nay cắt giảm hầu hết các gói kinh phí dành cho truyền thông, quảng cáo, sản xuất phim TVC.
Không có đối tác trong thời gian giãn cách, người lao động phải tìm kiếm việc làm khác để duy trì cuộc sống. Để nay, dù đã đi vào hoạt động bình thường, nhưng việc sản xuất phim gặp khó vì thiếu nhân sự. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất, hợp đồng đã ký kết và thương hiệu của doanh nghiệp.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách hỗ trợ cả về chơ chế, điều kiện làm việc đảm bảo, cả về kinh tế để duy trì hoạt đông sản xuất, kinh doanh”, đại diện đơn vị này nói.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, hoạt động quảng cáo, truyền thông, sản xuất chương trình truyền hình những năm gần đây vốn đã khó khăn do một số cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ thì trong hai năm 2020-2021 vướng phải đại dịch COVID-19 lại càng khó khăn hơn.
Chủ động đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, đổi mới để thích ứng sẽ giúp cho các doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình từng bước vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình, tổ chức sự kiện,... hầu như bị tê liệt, đình đốn. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh, quảng cáo báo chí, truyền hình vốn là thế mạnh bị giảm sút nặng nề và bị lấn át bởi quảng cáo trên mạng xã hội.
Trước những khó khăn này, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp quảng cáo, truyền thông, truyền hình được tiếp cận, áp dụng đầy đủ, bình đẳng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như doanh nghiệp của các ngành nghề khác. Trong đó có việc xem xét cho các doanh nghiệp quảng cáo được miễn giảm thuế thu nhập, thuế đất, cho vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp nối lại chuỗi thời gian đứt gãy, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ Công Thương, Thông tin và Truyền thông, ngành cho các doanh nghiệp được giảm, gia hạn thuế và miễn tiền lệ phí quảng cáo năm 2020-2021. Đồng thời, được gia hạn thuê miễn phí một năm đối với các bảng thuê đất của Nhà nước để bù cho thời gian mất khách do dịch bệnh gây ra.
“Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình phải chủ động thay đổi để thích ứng với môi trường biến đổi hiện nay bằng việc nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cần mạnh mẽ chuyển đổi số để tiếp cận nhu cầu khách hàng nhanh chóng và nhiều hơn trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, ông Sơn cho biết.