Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thả cá chép, thản nhiên quăng luôn cả túi nilon xuống sông trong ngày ông Công, ông Táo

(VTC News) -

Dù các bao tải đựng túi nilon được đặt ngay bên cạnh nhưng nhiều người đi thả cá chép vẫn vô tư ném cả cá lẫn túi, chân nhang, tro... xuống sông trong ngày ông Công, ông Táo.

Clip: Người dân vô tư xả rác xuống sông trong ngày ông Công, ông Táo

Đến hẹn lại lên, ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp (tức 17/1/2020), người dân Hải Phòng lại thi nhau mang cá chép, chân hương, đồ thờ cúng... về các khu vực cầu, sông để thả.

Khu vực cầu Rào (qua sông Lạch Tray, Hải Phòng) là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân đi thả cá chép, dù lưu lượng giao thông qua đây tương đối đông.

Nhằm đảm bảo văn minh cho người thả cá ngày ông Công ông Táo, cơ quan chức năng chuẩn bị hàng chục bao tải trên thành cầu để mọi người bỏ túi nilon.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV VTC News, mặc dù đứng ngay cạnh những bao tải chứa rác thải ấy nhưng nhiều người vẫn vô tư đứng từ trên cầu vứt cả túi nilon và cá xuống sông Lạch Tray.

Cá chép vàng, chép đỏ ồ ạt được phóng sinh.

Thậm chí, để tiết kiệm thời gian và không phải dựng chân chống xe, nhiều người cả túi còn đang buộc chặt xuống sông Lạch Tray.

Không những thế, sau khi hóa tiền vàng, người dân mang tro ra đổ xuống mặt sông khiến nhiều người ngao ngán.

Hình ảnh nhếch nhác trên cây cầu nằm ngay trung tâm thành phố Cảng trong ngày tiễn ông Táo về trời.

Nhìn cảnh dòng sông Lạch Tray được người dân "khuyến mãi" tro bụi, chị Linh (ở đường Lạch Tray, TP Hải Phòng) bức xúc nói: "Thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời là phong tục tập quán từ lâu đời nay của người dân Việt Nam nhưng mọi người vô tư xả rác thế này làm mất hết nét đẹp của ngày 23 tháng Chạp. Mỗi người nên có ý thức một chút sẽ góp phần bảo vệ được môi trường".

Tại cầu Rào, từ rất sớm, khoảng 5 người gồm các thanh, thiếu niên có mặt ở đây để làm dịch vụ thả cá thuê.

Một người trong nhóm này cho biết, họ làm công việc này từ nhiều năm nay vào sáng 23 tháng Chạp. "Tiền công là tùy tâm mỗi người cho bọn em. Cá chép đỏ, chép vàng sức sống yếu, nếu thả từ trên cầu xuống sẽ dễ chết nên mấy người bọn em nhận thả thuê. Làm như vậy vừa đảm bảo an toàn cho người dân không bị trượt ngã khi men theo con đường từ trên cầu xuống, vừa đảm bảo cá vẫn sống sau khi được thả", người này nói.

Tuy nhiên, chính những thanh niên thả cá thuê này cũng làm dòng sông thêm đục bẩn bởi sau khi hoàn thành công việc, họ lại tiện tay vứt túi nilon ở ngay chân cầu Rào.

Cũng có những người muốn tận tay "tiễn cá Chép" nên sẵn sàng trèo qua lan can cầu.

Cá vừa được thả xuống liền có những người chèo thuyền đi vớt.

Những con thuyền lướt qua lướt lại khu vực thả cá cùng rất nhiều túi nilon lềnh bềnh trên mặt sông.

Tại cầu Niệm (TP Hải Phòng) cũng có rất đông người dân đi thả cá chép trong ngày tiễn Táo Quân về trời.

Ở đây cũng có rất nhiều thùng đựng rác được để sẵn cùng pano với dòng chữ "không xả rác xuống sông".

Thế nhưng, ngay trên thành cầu, rất nhiều túi nilon vẫn nằm lỳ tại đó sau khi được người dân vô tư vứt bỏ.

Khói nhang bay mùi mịt sau hành động "bức tử" các dòng sông trong ngày ông Công, ông Táo.

Nguyễn Huệ - Minh Khang

Tin mới