Chiều 24/9, tại phiên toà xét xử các bị cáo liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Thanh Nhã, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết, người nhà của bà Nhã đã nộp khắc phục 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bị cáo Nhã cũng mong muốn dùng tiền lương trong gần 30 năm làm việc ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (khoảng 7 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả.
Cũng theo Ngô Thanh Nhã, thông qua báo đài, bị cáo được biết trận bão lụt gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, nhân lúc gia đình vào trại tạm giam thăm, bị cáo đã nói gia đình cố gắng gom 20 triệu để ủng hộ bà con miền Bắc.
Các bị cáo tại phiên toà.
Theo cáo buộc, bị cáo Nhã với vai trò là Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và là Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông, mặc dù biết Công ty An Đông không có nhu cầu huy động vốn nhưng thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan nên bị cáo đã ký toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến chủ trương phát hành trái phiếu của công ty này gồm: biên bản họp đại hội đồng cổ đông và quyết định của đại hội đồng cổ đông ngày 3/7/2018.
Nội dung biên bản về việc hợp tác đầu tư với Công ty SPG thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ do Công ty SPG làm chủ đầu tư để Công ty An Đông huy động vốn bằng hình thức vay các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu hoặc hình thức khác.
Bị cáo Nhã còn ký hợp đồng mua bán trái phiếu doanh nghiệp ngày 18/12/2018 về việc Công ty VIPD mua sơ cấp 4.691.388 trái phiếu mã ADC- 2018.09 để Công ty đầu tư VTP thực hiện 5 giao dịch chuyển thanh toán 470 tỷ đồng cho Công ty An Đông trong chuỗi các giao dịch khống tạo lập 2 mã trái phiếu Công ty An Đông phát hành năm 2018.
Những việc làm này của bị cáo Nhã đã giúp sức Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, chiếm đoạt số tiền gần 25.000 tỷ đồng của hơn 30.000 bị hại.
'Nhiều nhân viên SCB không còn gì cả'
Khi được luật sư Nguyễn Đức Bình - người bảo vệ quyền lợi cho các bị hại hỏi về việc các trái chủ có biết gói trái phiếu không có tài sản đảm bảo hay không, ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) cho rằng thông tin về gói trái phiếu đã được công khai.
Ông giải thích rằng đây là trái phiếu phát hành riêng lẻ nên không được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Luật sư nhấn mạnh việc nhiều bị hại cho rằng SCB cố tình lừa dối, vì nhân viên ngân hàng không tư vấn rõ ràng về việc mua trái phiếu của ai. Trả lời điều này, ông Văn bày tỏ sự đồng cảm với nỗi bức xúc của khách hàng khi sự cố xảy ra. Theo ông Văn, các gói trái phiếu được cấu trúc từ loại trái phiếu 5 năm thành dạng có thể nhận lãi hằng năm.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn.
Từ năm 2018 - 2020, không có khách hàng nào khiếu nại hay phàn nàn về trái phiếu, do đó, việc cáo buộc rằng nhân viên SCB gian dối trong quá trình tư vấn là không có cơ sở trong thời gian ông đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc.
Ông Văn cũng chia sẻ rằng khách hàng của SCB có thể mang tài liệu về nhà ký hoặc ký ở bất cứ đâu rồi nộp lại. SCB chỉ đóng vai trò tư vấn, còn Công ty chứng khoán Tân Việt mới là đơn vị thụ hưởng cuối cùng.
Bên cạnh đó, SCB không phải là kênh phân phối duy nhất của Tân Việt mà còn nhiều các kênh phân phối khác.
Về lý do SCB tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu, ông Văn cho biết mục đích chính là đa dạng hóa sản phẩm và tăng nguồn thu cho ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu. Ông cũng nhấn mạnh rằng, trong một số thời điểm, SCB không cần huy động quá nhiều tiền gửi từ khách hàng, vì vậy, ngân hàng đã giới thiệu sản phẩm trái phiếu để khách hàng có cơ hội đầu tư vào các sản phẩm có lợi nhuận tốt hơn trên thị trường.
Luật sư đặt vấn đề, nhiều bị hại cho rằng, nhân viên Ngân hàng SCB phải liên đới bồi thường cho các trái chủ. Trả lời, bị cáo Văn tỏ ra xúc động và xin các trái chủ cho thêm thời gian để giải quyết ổn thoả.
"Trong ngân hàng SCB có những nhân viên không còn gì cả, họ rơi vào cảnh khốn khó, xin HĐXX và pháp luật xem xét", bị cáo Văn khóc nói.