Năm Nhâm Tuất 1982, tôi đón Tết xa nhà, cái Tết độc thân đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời. Năm đó, chàng giáo chức tôi mới hăm bốn, hăm lăm tuổi, lứa tuổi mà ông Xuân Diệu ngày xưa cuống quít muốn tận hưởng cho hết "thanh sắc của thời tươi". Thế nhưng cái thời chúng tôi đã sống ấy lại đang ở đỉnh cao của sự kham khổ. Cho nên, những "giáo khổ trường công" như chúng tôi Tết đến phải xa nhà thì cực lắm.
Ngày ấy, tàu xe cực kỳ khó khăn, lương thì ba cọc ba đồng không đủ tiền để về quê ăn Tết, đành phải ở lại cơ quan thưởng thức cái Tết nghèo của viên chức Nhà nước thời bao cấp. Tết với chúng tôi chẳng có gì ngoài mấy lạng thịt, cân gạo nếp, gói thuốc lá Đà Lạt hay Sông Cầu phân phối theo tiêu chuẩn cán bộ. Thế cũng đã hào phóng lắm rồi.
Những mặt hàng Tết được ao ước thời bao cấp. (Ảnh tư liệu)
Được cái, thời đó con người ta còn ít bon chen, toan tính nên Tết nghèo vật chất mà vẫn vui, một niềm vui mà bây giờ nghĩ lại thấy tồi tội thế nào ấy. Không biết tự bao giờ, con người thời đó lại dễ bằng lòng với hiện thực nghèo túng đến thế, cho nên làm việc cũng giản đơn, suy nghĩ cũng giản đơn.
Tết Nhâm Tuất năm ấy quả là một cái Tết đáng nhớ. Đêm ba mươi, phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới đã điểm. Chuông chùa tịnh xá Ngọc Thành xa xa vọng tới, từng tiếng ngân dài rồi chìm lỉm trong màn đêm mênh mông.
Đứng bên cửa sổ trên tầng ba của tòa nhà giảng đường được lấy làm khu tập thể giáo viên, tôi thấy lòng buồn, mênh mang một nỗi nhớ quê hương, xứ sở. Giây phút này ở quê, cha mẹ, em út đang quây quần trong không khí đầm ấm, chắc là nhớ lắm một đứa con xa, một người anh tha phương vời vợi. Tôi dõi về phương Bắc, lặng nhìn trong đêm tối. Cuối trời nơi ấy là quê hương. Tiếng pháo đón giao thừa đang rộ lên khắp nơi. Thế là mình đã thêm một tuổi.
Ba ngày Tết ngoài việc gặp gỡ đồng nghiệp, chúc nhau vài chén rượu đỏ, còn thì tụ tập đánh cờ, chuyện phiếm cho hết Tết. Ở nơi được mệnh danh là “bụi mù trời” và “buồn muôn thuở” này, quả thực không còn thú gì vui hơn. Tức cảnh công chức trẻ tuổi nghèo đón Tết, tôi viết mấy câu thơ tự trào:
"Anh em đừng ngại Tết tôi nghèo
Bánh tét hai hàng vẫn đủ treo
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Bếp lò om sẵn mấy giò heo.
Anh em đừng ngại Tết tôi nghèo
Mứt ngon, kẹo ngọt bốn năm bao
Thuốc thơm ba số dăm bảy gói
Bạn đến, chúc xuân rượu hồng đào.
Anh em đừng ngại Tết tôi nghèo
Pháo đốt vài phong tiếng vang reo
Sang năm mồng một hỏi bầu bạn:
Này này, Tết đến thật rồi sao?"
Quả đó là một giấc mơ xa xăm, cho dù rất thực tế. Thịt cá, bánh kẹo, thuốc lá… có gì ghê gớm đâu mà sao thời ấy lại hiếm hoi đến thế?
Ôi, chuyện của cái thời “một đi không trở lại” bây giờ chỉ còn là kỷ niệm, à không, là di sản tinh thần trong tâm thức của những người may mắn được sống một phần đời trong thời bao cấp.
Mời độc giả tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”
Tết Nguyên đán gắn với đời sống văn hóa, tâm linh, tình cảm của mỗi người Việt Nam, là sự kiện mà mỗi chúng ta đều hướng về bằng việc nỗ lực tạo ra, dành ra những giá trị tốt đẹp nhất. Tết gắn với sum họp gia đình, với yêu thương chia sẻ, với những ước nguyện cho tương lai. Vì vậy, khi thời gian trôi qua, mỗi người Việt đều rưng rưng hoài niệm về Tết với bao thương nhớ.
Dù bạn đang ở tuổi 20 phơi phới, tuổi 30-40 rực rỡ, tuổi 50 “tri thiên mệnh” hay đã an nhiên với tuổi 70-80 thì đều có những ký ức về Tết Nguyên đán mà bạn thường dùng từ “hồi đó”, “ngày xưa” khi kể lại, những hoài niệm khiến mỗi chúng ta được trở về với sự thuần khiết, trong trẻo như trẻ thơ.
Hãy chia sẻ với VTC News và các độc giả khác những kỷ niệm, hồi ức đó của bạn bằng cách gửi bài viết tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”. Các bài viết xin gửi về địa chỉ email: tamsu@vtc.gov.vn.