Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tết Trung thu có nguồn gốc từ đâu?

Hằng năm, cứ đến Rằm tháng 8 là các em nhỏ nô nức chuẩn bị cho ngày được đi phá cỗ, ngắm trăng cùng các bạn.

Ngày 13/9, Google đặt hình doodle với chủ đề Tết Trung thu. Đây là ngày lễ có ý nghĩa với thiếu nhi tại một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên...

Lễ Trung thu có nhiều tên gọi khác nhau như Tết thiếu nhi, Tết trông trăng hay Tết hoa đăng. Trung thu được tổ chức vào 15/8 Âm lịch. Vì là dịp lễ "trọng đại" của thiếu nhi nên gần đến ngày này, các em sẽ vô cùng háo hức, chờ đợi được đi chơi, sắm các món đồ đặc trưng để phá cỗ như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân...

Nhắc đến Trung thu, không thể không nhắc tới đặc sản bánh nướng, bánh dẻo. Theo truyền thống, bánh có nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng. Tuy nhiên, theo thời gian, các nghệ nhân làm bánh sáng tạo thêm các hương vị mới mẻ như trà xanh matcha, đậu đỏ, mè đen,...

Vào ngày Tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Trên mâm cỗ bày các loại bỏng gạo, kẹo bánh... Nhiều nơi tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em được nô đùa, vui chơi. Ở Trung Quốc và các khu phố người Hoa trên thế giới còn có tổ chức bắn pháo hoa trong ngày này.

 Doodle ngày 13/9 đổi chủ đề Lễ Trung thu. (Ảnh chụp màn hình)

Lịch sử xuất hiện của Tết Trung thu hiện vẫn chưa được xác minh rõ ràng, bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.

Các nhà khảo cổ cho biết hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân-Thu. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của nước ta - một ngày lễ hội mừng thu hoạch khi nông dân được nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa.

Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục từng viết: "Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".

Trong dịp này, người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân.

Đồ trẻ con chơi trong Tết Trung thu là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá....Trẻ con buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối đón trăng Rằm. Đây cũng là dịp để mỗi người thể hiện tình cảm tới ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè bằng việc tặng bánh Trung thu, hoa quả, trà hoặc rượu.

Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu.

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Hạ Vũ

Tin mới