Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tết quê mình: Ly kỳ sự tích tục dán giấy đỏ khắp nhà vào dịp Tết ở vùng cao

Đã có lần nào bạn được dịp ghé thăm các bản làng vùng cao, nhìn thấy những tấm giấy đỏ được dán trong nhà và thắc mắc về nguồn gốc, ý nghĩa của chúng?

Trong ngày Tết người ta thực hành rất nhiều nghi lễ và dán giấy đỏ là một trong những tục lệ đã hình thành từ lâu đời, hiện nay vẫn đang được một bộ phận người dân thực hành.

 

Có không ít dân tộc thiểu số vùng cao đều có phong tục chung là trong ngày Tết cổ truyền dán giấy đỏ lên bàn thờ và các vật dụng sinh hoạt, sản xuất. Theo đó, trong ngày cuối năm cũ, sau khi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, ruộng vườn, đồng bào Tày, Giáy, Mông, Dao, Nùng Dín, Cao Lan... đều trang trí nhà bằng giấy đỏ.

Nguồn gốc tục dán giấy đỏ

 

Nguồn gốc của phong tục này đến giờ vẫn là một ẩn số. Chỉ biết rằng, xưa nay trong dân gian vẫn lưu truyền một câu chuyện: Vào thời xa xưa, cứ mỗi khi năm hết tết đến, cả bản tưng bừng chuẩn bị đón xuân, mọi người náo nức chuẩn bị gạo thịt làm bánh chưng, thì lũ quỷ lại mò đến trộm thịt và phát hoại đồ đạc, gia súc gia cầm. 

Vì vậy, nên dân bản thường xuyên phải cử người túc trực ngày đêm để canh gác không cho lũ quỷ đến phá hoại. Một năm, vào dịp tết có một gia đình đầu bản phơi mảnh vải đỏ ở ngoài sân, lũ quỷ như thường lệ mò đến đầu bản, mới nhìn thấy tấm vải đỏ ở đằng xa đã vội vàng bỏ chạy. Sau lần đó, mọi người biết quỷ sợ màu đỏ nên cứ vào dịp tết năm mới, người ta lại dán giấy đỏ lên các đồ vật, lên gia súc gia cầm để xua đuổi ma quỷ.

Sắc giấy đỏ ngày 30 Tết

 

Những tờ giấy đỏ năm cũ sau khi gỡ ra, sẽ được người ta đem đốt. Mọi người sợ giấy cũ bị gia súc gia cầm giẫm lên sẽ khiến gia đình gặp nhiều xui xẻo trong năm mới. Vậy nên, sau khi gỡ xong người ta mang giấy cũ ra trước sân rồi đốt để xóa đi những điều không may mắn trong năm cũ.

 

Đồng thời việc dán giấy đỏ cũng mang ý nghĩa đánh thức cây trồng, năm mới cây sai quả, gia súc gia cầm sinh sôi nảy nở…

Trong đó, tục dán giấy đỏ của người Dao cầu kỳ hơn các dân tộc khác trên địa bàn. Sau khi dọn nhà xong, chủ nhà người Dao cắt giấy thành những nét hoa văn và có hình con chim đang bay lượn, hình con cá đang bơi... Hai bên bàn thờ thường dán hai câu đối bằng chữ Nôm Dao trên giấy đỏ.

Theo người Dao, cá tượng trưng cho sức mạnh của biển, chim tượng trưng cho sức mạnh của rừng núi, sức mạnh của thiên nhiên sẽ giúp đỡ tổ tiên phù hộ cho gia đình gặp nhiều may mắn trong năm tới.

 

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, tục dán giấy đỏ đã có những biến đổi so với trước đây. Nếu như ngày xưa, người ta chỉ mang giấy đến nhà thầy cúng nhờ viết chữ rồi dán lên bàn thờ và làm câu đối; thì hiện nay người ta có thể lựa chọn tranh thờ và câu đối, giấy đỏ in công nghiệp. 

Mặc dù việc dán giấy đỏ có nhiều biến đổi, tuy nhiên tục lệ này vẫn đang tồn tại phổ biến trong đời sống của không ít bà con người Tày, Giáy, Mông, Dao, Nùng Dín, Cao Lan... mỗi dịp tết đến xuân về. 

 

Cersei (Tổng hợp)

Tin mới