Ăn “Tết lại” - tục lệ nghìn năm tuổi ở ngoại thành Hà Nội
Hằng năm, cứ vào khoảng ngày mồng 4 đến 22 tháng Giêng âm lịch, bà con nhiều địa phương thuộc ngoại thành Hà Nội như: Sóc Sơn, Thanh Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ... đều tổ chức ăn “Tết lại” với nhiều phong tục độc đáo.
Không ai biết rõ nguồn gốc của tục lệ ăn "Tết lại", kể cả những cụ ông cụ bà nhiều tuổi nhất làng. Khi họ sinh ra, tương truyền từ bao đời nay, hết 3 ngày Tết đi (Tết Nguyên đán), dân làng lại rục rịch chuẩn bị "Tết lại".
Xưa kia, ở Thăng Long, để củng cố lực lượng chống nghĩa quân Tây Sơn, quân giặc ra sức hoành hành, cướp bóc của nhân dân. Dân làng trong không khí chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm, nhưng do phải chạy giặc, họ chỉ đem đi được rất ít, còn bánh chưng, phần lớn phải vứt xuống ao.
Khi cuộc chiến kết thúc, đất nước bình yên, người dân mới trở về quê hương. Lúc đó Tết đã qua, vua Quang Trung cho phép binh sĩ và nhân dân ăn Tết lại để có một cái Tết trọn vẹn. Dân làng nô nức tổ chức giã giò, gói bánh chưng, mở hội. Do là Tết mừng chiến thắng và thoát chết trở về nên "Tết lại" rầm rộ hơn Tết chính.
Rộn ràng không khí ăn “Tết lại”
Ngày "Tết lại" của mỗi làng là ngày người dân đầu tiên về tới làng sau cuộc chạy giặc. "Tết lại" không được tổ chức cùng ngày, mỗi thôn, xã lại có ngày ăn "Tết lại" khác nhau. “Tết lại” chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng người dân vẫn gói bánh chưng, làm giò bó, chuẩn bị nhiều món ăn để mời bạn bè, anh em.
Trong từng gia đình, ông bà, vợ chồng, con cái quây quần, sum họp. Họ ngồi thưởng thức miếng bánh chưng tự tay mình làm ra, tận hưởng cái thơm tho, dịu ngọt thấm đậm hương vị đồng quê.
Sau khi ăn uống, chúc tụng nhau xong, mọi người đều kéo ra đình làng để tham gia vào các trò chơi dân gian như: chọi gà, đu quay, đập niêu, úp chậu…
Không khí nhộn nhịp khắp thôn xóm, giữa sân đình, tiếng quan họ dặt dìu, "người ơi, người ở, đừng về"… Đường làng bày bán đủ hoa quả, bánh kẹo, đồ chơi cho con trẻ; băng rôn, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc đỏ rực. Chợ quê sầm uất, đông vui y như ngày áp Tết Nguyên đán.
Tục ăn "Tết lại" từ thói quen đã trở thành tục lệ không thể thiếu, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội. Sau ngày "Tết lại", mọi hoạt động làm việc, sinh hoạt của mọi người đều trở lại bình thường.