Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tết Nguyên tiêu của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau những gì?

(VTC News) -

Tết Nguyên tiêu của Việt Nam và Trung Quốc không chỉ khác nhau về cách thực hiện mà ý nghĩa của ngày này đối với người dân cũng không giống nhau.

Không chỉ Việt Nam, một số nước châu Á khác cũng coi trọng ngày rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu, nhất là Trung Quốc, được cho là xuất xứ của ngày lễ này. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp biến văn hóa, với ảnh hưởng của cả đạo Mẫu và Phật giáo, ý nghĩa Tết Nguyên tiêu của người Việt cũng như các hoạt động trong dịp này dần dần không còn giống với Tết Nguyên tiêu của Trung Quốc.

Tại Trung Hoa xưa, Tết Nguyên tiêu xưa còn được gọi là Tết Trạng nguyên, là dịp nhà vua hội họp các ông Trạng để thết tiệc, mời vào thượng uyển tham hoa, ngắm cảnh, làm thơ. 

 Về sau, Tết Nguyên tiêu được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng”, có thể bắt nguồn từ tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc thời Hán Vũ Đế. Những lồng đèn có hình thù rồng, phượng, 12 con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích được yêu chuộng.

Ngoài ra còn những tập tục khác như cúng tế cầu an cầu phước, ăn bánh trôi (gọi là “thang viên” – viên tròn trong nước), thi đoán hình thù trên lồng đèn, ngâm thơ. Người Đài Loan còn ghi những câu ước nguyện của mình vào đèn lồng và thả bay lên trời. Nhiều người còn coi đây là mùa Valentine phương Đông, tương tự như lễ Thất tịch.

 Tại Việt Nam, rằm tháng Giêng mang ý nghĩa cầu mong một năm tốt lành, gia đạo bình ổn, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đây là một trong 2 ngày rằm được coi trọng nhất (bên cạnh rằm tháng Bảy, với Phật tử thì có thêm ngày rằm quan trọng nhất là rằm tháng Tư - lễ Phật đản). Dân gian có câu "Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng" là vậy. 

Đi chùa lễ Phật là hoạt động của nhiều người Việt Nam dịp rằm tháng Giêng.

Vào ngày này, phật tử sẽ bái Phật, các gia đình khác cúng thần linh, Thổ công, Thổ địa và nhất là ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn bề  trên phù hộ cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong năm.

Cúng rằm tháng Giêng trong nhà hay ngoài trời?

Đối với lễ cúng tại gia, nhiều gia đình chỉ làm một mâm cỗ đặt lên bàn thờ chính để mời gia tiên, thần linh thụ hưởng. Một số gia đình cầu kỳ hơn, sửa soạn mâm lễ để cúng cả trong nhà và ngoài trời vào giờ Ngọ.

Cúng ngoài trời

Đây là lễ cúng nhằm cảm ơn trời đất, thần tiên, Phật thánh cùng các vị anh hùng dân tộc. Nếu không có sân thì có thể bày lễ ở gian giữa trong nhà hoặc ở sân thượng.

Nếu có điều kiện, ở ngoài trời, có thể đặt bốn bàn lễ ở bốn hướng: Hướng bắc để thờ Thượng đế; hướng nam để thờ các vị thần; hướng tây để thờ Phật; hướng đông để thờ các vị anh hùng có công với dân với nước. Mâm lễ theo truyền thống gồm:

  • Gà trống trắng luộc chín 1 con
  • Thịt dê hấp 1 miếng
  • Một đĩa xôi đỏ
  • Một đĩa trái cây
  • 99 thuyền vàng, 99 thỏi vàng, 99 lá vàng (không cúng tiền âm phủ)
  • 3 chén rượu trắng, đỏ, vàng...
  • 3 chén trà hương vị khác nhau. Mỗi bàn lễ đốt 5 ngọn nến, thắp 9 nén nhang.

Riêng ban lễ hướng tây lễ Phật thì làm cơm chay, không có tiền vàng và rượu. Trên các bàn lễ nếu có lọng che thì rất tốt.

Tuy nhiên, nếu không có điều kiện và không cầu kỳ thì chỉ cần soạn một mâm lễ giản dị, điều cốt yếu vẫn là thành tâm.

Cúng trong nhà

Lễ cúng trong nhà dành cho thần linh và gia tiên. Thời điểm cúng tốt nhất là giờ Ngọ (từ 11-13h) ngày 15/1 âm lịch.

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng truyền thống hầu như không thể thiếu thịt gà, xôi gấc/bánh chưng. Gà là vật cúng tế linh thiêng nhất, còn xôi gấc có màu đỏ, được cho là sẽ mang đến may mắn cho gia đình trong năm mới.

Các món giò, chả, rau xào... cũng thường có mặt trên mâm cỗ mặn cúng gia tiên vào ngày rằm tháng Giêng. Ngoài ra, các gia đình còn chuẩn bị hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu.

Cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên "tùy tiền biện lễ", dựa vào điều kiện kinh tế và số thành viên trong gia đình mà chuẩn bị phù hợp. Nhà ít người không nên làm quá nhiều món, quá nhiều mâm cỗ, sau đó không thể thụ lộc hết sẽ rất lãng phí.

Những kiêng kỵ khi cúng rằm tháng Giêng

Dân gian cho rằng việc cúng rằm tháng Giêng có một số điều nên tránh để đảm bảo sự tôn nghiêm của lễ cúng, sự thành kính đối với thần linh, chư Phật, tổ tiên.

Không dùng hoa giả, trái cây giả

Rất nhiều gia đình sử dụng hoa giả, trái cây giả đặt trên ban thờ để làm cảnh cho đẹp, vì chúng mẫu mã rất bắt mắt, dùng được lâu mà không lo hỏng, héo.

Tuy nhiên, việc bày hoa, quả giả trên bàn thờ hay trong mâm lễ cúng là không nên, vì thờ cúng phải tịnh tâm, nhà có sao dâng lên vậy, nên dùng hoa tươi, trái cây tươi để dâng cúng thần Phật, tổ tiên.

Không dùng đồ chay giả mặn

Rất nhiều gia đình tránh sát sinh trong ngày rằm nên thường chọn mâm cỗ chay để dâng lên bàn thờ Phật và gia tiên, mong trong năm gia đình bình an, gặp nhiều điều may mắn, đây là một việc làm tốt. Tuy nhiên, gia chủ lưu ý, khi làm mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng là đồ chay thì nên làm đồ thuần chay.

Kiêng kỵ rằm tháng Giêng: Không nên đốt nhiều vàng mã.

Không đốt nhiều vàng mã

Trọng tâm của lễ rằm tháng Giêng là cầu nguyện cho một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Tuy nhiên, đạo Phật không bắt buộc phải đốt vàng mã cho người đã mất, không cổ xúy việc đốt vàng mã, vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường.

Vậy nên, người dân đi lễ nên dùng tấm lòng thành kính chứ không phải cố sắm mâm cao cỗ đầy hoặc đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí.

Không xê dịch bát hương

Vào ngày rằm tháng Giêng, các gia đình thường lau dọn bàn thờ. Khi làm việc này lưu ý không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin Thần linh Thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng.

Không cúng thủ lợn

Theo quan niệm dân gian từ xưa tới nay, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có thể cúng cả đồ chay và đồ mặn. Tuy nhiên, nếu gia chủ cúng mâm cỗ mặn thì nên nhớ, chớ nên cúng thủ lợn.

Thông thường các gia đình vẫn làm mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng tương đối giống với mâm cỗ ngày Tết với những món truyền thống, trong đó có thịt gà, thịt lợn, giò chả, măng miến… Người ta cho rằng cúng thủ lợn không tốt, ngày đầu năm đã sát sinh, có thể ảnh hưởng đến vận phúc của cả gia đình trong năm, vì thế vẫn nên hạn chế là hơn.

Không dùng tiền giả, tiền bất chính

Nhiều gia đình Việt thường có thói quen đặt tiền thật lên bàn thờ khi cúng tế, ngụ ý muốn cầu xin tài lộc, may mắn. Tuy nhiên cần lưu ý, tiền này nên là tiền thật, do chính sức mình làm ra.

Tuyệt đối không dâng lên tiền giả hay tiền có nguồn gốc bất chính, có được từ những hành vi phạm pháp hay trái với đạo đức.

(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo

Minh Anh (Tổng hợp)

Tin mới