Thờ cúng tổ tiên là phong tục có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Theo truyền thống, Tết Nguyên đán là dịp con cháu từ khắp nơi về sum họp, đoàn tụ với gia đình. Đây cũng là khoảng thời gian để hướng về cội nguồn, mời gia tiên tiền tổ và người thân đã mất trở về bằng cách thực hiện nghi lễ cúng.
Các gia đình sẽ sửa soạn bàn thờ, đặt lên các lễ vật, làm mâm cơm thịnh soạn để thắp hương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn không rõ trong dịp Tết Nguyên đán cần cúng bao nhiêu lần. Về điều này có nhiều quan niệm khác nhau. Có gia đình làm mâm cơm cúng hằng ngày từ hôm tất niên cho đến lúc hóa vàng. Tuy nhiên, nhiều gia đình chỉ thực hiện những lễ cúng cơ bản.
Nhìn chung, có 5 lần cúng "bắt buộc" trong dịp Tết Nguyên đán, nếu tính cả Tết ông Công ông Táo.
Đây là lễ cúng đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán. Theo truyền thống dân gian, cứ đến 23 tháng Chạp, ông Táo bay về trời báo cáo mọi việc xảy ra trong nhà với Ngọc hoàng để định công chuộc tội. Vì vậy, ngay từ 21-23 tháng Chạp, các gia đình đã phải dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ để tiễn ông Táo về trời.
Cúng ông Công ông Táo là lễ cúng đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán
Lễ cúng ông Táo lớn hay nhỏ tùy thuộc vào từng gia đình; có thể làm lễ mặn (xôi gà, giò chả,…) hoặc lễ chay (với trái cây, chè, xôi, bánh...). Đồ vàng mã gồm 2 mũ ông và 1 mũ bà. Mũ dành cho bà không cần cánh chuồn nhưng mũ dành cho ông cần 2 cánh chuồn. Đồ vàng mã sẽ được đốt sau lễ cúng 23 tháng Chạp.
Mâm cỗ cúng Tất niên là mâm cỗ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Ngoài việc tỏ lòng thành kính với gia tiên thì đây là dịp các thế hệ trong gia đình quây quần bên mâm cơm đầm ấm.
Trong ngày 30 Tết, vào buổi sáng, trưa hay chiều tối, các gia đình làm một mâm cơm cúng Tất niên, mời gia tiên tiền tổ về ăn Tết với con cháu, đồng thời thể hiện mong muốn xua đi những điều xui xẻo ở năm cũ, chào đón những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.
Mâm cỗ cúng Tất niên được chuẩn bị kỹ càng, có cả món chay và món mặn.
Mâm cỗ cúng Tất niên được chuẩn bị kỹ càng, với đầy đủ các món ngon truyền thống, có cả món chay và món mặn. Thành phần món ăn phụ thuộc rất nhiều vào phong tục tập quán và văn hóa của từng vùng và thói quen, truyền thống của mỗi gia đình. Nhìn chung, có vài món không thể thiếu là gà, xôi và bánh chưng.
Trong văn hóa người Việt Nam, cỗ Tất niên chính là bữa cơm sum họp, người ở phương xa cũng luôn muốn được trở về dự bữa cơm này. Đây cũng là dịp linh hồn ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Vì thế, ý nghĩa của lễ cúng Tất niên không đơn giản chỉ nằm ở mâm cao cỗ đầy mà còn nằm ở sự thành tâm với gia tiên và yêu thương, gần gũi với gia đình.
Sau khi cúng Tất niên, lễ cúng Giao thừa (hay lễ Trừ tịch) được thực hiện vào nửa đêm 30, rạng sáng mùng một Tết. Đây được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong Tết Nguyên đán bởi người ta tin rằng điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này đều liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kỵ được thực hiện triệt để từ giây phút Giao thừa tới sáng sớm mùng 1 Tết.
Lễ cúng Giao thừa được thực hiện vào nửa đêm 30, rạng sáng mùng một Tết, đúng thời khắc chào đón năm mới.
Theo quan niệm dân gian thì lễ cúng Giao thừa được thực hiện cả ở trong nhà và ngoài trời. Một số gia đình chuẩn bị khá đơn giản, chỉ gồm một chén chè, một đĩa xôi, một lọ hoa tươi và 3 nén hương.
Lễ vật cúng Giao thừa ngoài trời gồm ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, muối gạo, trà, xôi, bánh chưng chay, mâm lễ chay. Tất cả được bày lên bàn trang trọng ở trước cửa nhà. Vào đúng thời khắc Giao thừa, người chủ gia đình thắp đèn, nến, rót rượu và thành kính khấn vái. Khi thắp hương, chỉ cần cắm hương vào bát gạo và cắm thẳng, không được cắm nghiêng.
Cúng Giao thừa trong nhà chính là lễ cúng tổ tiên nhằm cầu xin những điều tốt lành sẽ đến với gia đình trong năm mới. Lễ vật cúng giao thừa trong nhà gồm mâm ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt tết, bánh chưng chay, xôi gấc, mâm cỗ chay. Vào đúng thời khắc Giao thừa, người lớn nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, súc miệng rượu thơm, bắt đầu hành lễ.
Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên, lễ cúng được thực hiện vào sáng mùng 1 Tết với mâm cỗ đầy đủ nhất. Chiều mùng 1 Tết, một số gia đình làm cơm cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều. Lễ mặn thường là cúng bánh chưng, gà, giò, canh… Nhiều gia đình chỉ cúng sáng, bỏ qua bữa cúng chiều này.
Do kiêng sát sinh vào sáng mùng 1 Tết nên gà cúng Nguyên đán thường được làm từ tối hôm trước.
Mâm cơm cúng Nguyên đán - mùng 1 Tết.
Một số gia đình cúng cơm hằng ngày kể từ bữa tất niên cho đến khi hóa vàng tiễn đưa gia tiên. Trong trường hợp này, mâm cỗ chỉ cần bày biện đơn giản gồm cơm hoặc xôi, bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Trên bàn thờ, ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục trong 3 ngày Tết cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy.
Lễ tiễn ông bà thường diễn ra từ mùng 3 đến mùng 7. Tuy nhiên, ngày nay hầu như gia đình nào cũng tiễn ông bà vào mùng 3 tháng Giêng, có những gia đình con cháu đi sớm thì cúng vào mùng 2. Việc chuẩn bị mâm cỗ cũng tuỳ vào hoàn cảnh từng gia đình, không quá câu nệ nhưng vẫn phải thực hiện trang nghiêm.
Gọi là lễ cúng hóa vàng vì vào ngày ấy, con cháu đốt tiền vàng để các cụ chi tiêu ở dưới âm phủ.