“Theo nhận định rút tiền mặt sẽ không như mọi năm, do tình hình dịch COVID-19, thu nhập của người lao động bị giảm sút nên sẽ không rút tiền mặt tập trung nhiều như mọi năm. Thứ hai là xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử giúp cho phân tải từ hệ thống ATM sang chuyển tiền 24/7… Chúng tôi tự tin nhu cầu rút tiền mặt sẽ không cao như mọi năm, ngân hàng sẽ đáp ứng được nhu cầu của dân cư”, ông Dũng nói.
(Ảnh minh họa: KT)
Từ 2020 đến đến năm 2021, Ngân hàng Nhà nước ước tính tổng tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (Napas) đã giảm cho khách hàng hơn 2.550 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, 60% thẻ ATM nội địa (loại thẻ từ) đã chuyển sang thẻ chip.
Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, trong 10 tháng của năm 2021, số lượng và giá trị giao dịch qua điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tăng tương ứng hơn 14% và 12,6% so với cùng kỳ, qua kênh Internet tăng tương ứng 49% và 29%; qua kênh điện thoại di động tăng 72% và 85%; qua kênh QR Code tăng 54% và 120% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...
Những con số cho thấy rõ sự dịch chuyển của người dân từ thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức thanh toán điện tử. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sẽ có những biện pháp kịp thời để cung ứng đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
“Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung ứng đủ lượng tiền mặt cho nền kinh tế cả về cơ cấu, về số lượng, về thời gian, tính chất phục vụ cho người dân, thông qua mát ATM để người dân rút tiền. Ngoài ra cũng có những biện pháp cần thiết khi ATM dịp cuối năm thường quá tải, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng có những hình thức đáp ứng thuận lợi cho người dân, có thể rút tiền ở nhiều nơi chứ không chỉ ở nơi làm việc hoặc doanh nghiệp đang làm việc”, ông Tú nói.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022, bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM…
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền; có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn).