Trung Quốc là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng Bắc Kinh cho tới nay vẫn chưa thể giải quyết được cuộc khủng hoảng dịch tả lợn.
Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh không thành của Bắc Kinh sẽ gây khó khăn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới nền nông nghiệp toàn cầu trong nhiều năm tới.
Để ngăn chặn virus tả lợn, giới chức các nước thuyết phục người dân giết lợn nhiễm bệnh và tiêu hủy chúng đúng cách. Ở Trung Quốc, vấn đề này hết sức khó khăn.
Khi dịch tả lợn bắt đầu hoành hành 16 tháng trước, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương thuyết phục người dân hủy bỏ tất cả đàn lợn dù chỉ 1 con trong số đó bị nhiễm bệnh và bồi thường với mức 115 USD/con cỡ lớn. Mức trần này sau đó tăng lên 170 USD.
Khủng hoảng thịt lợn vẫn chưa buông tha Trung Quốc. (Ảnh: NYT)
Tuy nhiên, để có được khoản bồi thường này, nông dân sẽ phải qua rất nhiều cá khâu kiểm duyệt nhiêu khê.
Khi lũ lợn của mình đột ngột chết 3 tháng trước, Peng Weita nhanh chóng giết thêm 40 con khác để tránh chúng bị lây bệnh. Anh chôn chúng nhưng không báo lại cho chính quyền địa phương vì những thủ tục kê khai rườm rà.
Việc Peng không báo cáo khiến các quan chức địa phương không thể chắc chắn rằng anh đã làm theo tất cả các bước cần thiết để ngăn chặn sự lây lan hay chưa. Peng thừa nhận đã chôn lũ lợn ở vị trí tương đối gần trang trại nhưng từ chối nói thêm về việc xử lý.
Từ trường hợp của Peng, dịch tả lợn châu Phi phản ánh hạn chế của việc chính quyền Trung Quốc nắm quyền giải quyết mọi vấn đề từ lớn tới nhỏ. Nó cũng cho thấy đất nước tỷ dân gặp khó khăn như thế nào khi phải tự nuôi sống mình.
Các thống kê chính thức cho thấy cho tới nay mới chỉ có 1,2 triệu con lợn, ít hơn 0,3% đàn gia súc của Trung Quốc bị loại bỏ. Không rõ phần còn lại đã biến đi đâu nhưng nhiều chuyên gia thực phẩm lo ngại nhiều người có thể đã đánh cắp chúng và "hô biến" lợn chết bệnh thành thức ăn.
Thống kê khiến người dân lo ngại này buộc giới chức Trung Quốc phải trấn an. Vào tháng 4, tháng 7, tháng 10, các quan chức cho biết họ đã kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng thực tế lại không được khả quan như vậy.
Dịch tả lợn đang lan nhanh ra khỏi Trung Quốc, ảnh hưởng tới đàn lợn của 9 quốc gia châu Á khác. Trước khi tới Trung Quốc, dịch bệnh này cũng hoành hành ở một số trang trại ở Nga và một vài nơi khác ở Đông Âu.
Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng lợn kéo giá thực phẩm nói chung của Trung Quốc trong tháng qua tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018 sau 7 năm gần như không biến động. Việc Trung Quốc đẩy mạnh mua lợn cũng đẩy giá lợn hơi ở Mỹ, châu Âu và toàn cầu lên cao, kéo theo chi phí cho tất cả mọi thứ từ xúc xích Đức tới thịt viên Việt Nam leo thang theo.
Giá thịt bò và thịt cừu tăng mạnh khi các gia đình trên thế giới tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Mức giá thịt nói chung trên thị trường hàng hóa quốc tế năm qua tăng gần 20%. Brazil đang tăng cường sản xuất thịt bò và thịt gà để áp ứng nhu cầu thịt trên toàn cầu. Trong nỗ lực này, họ đốt rừng Amazon để khai hoang đất nông nghiệp.
Boubaker Ben Belhassen, giám đốc phụ trách thương mại và thị trường tại Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Rome, nhận định dịch tả lợn của Trung Quốc sẽ tác động sâu rộng trên toàn cầu.
Một trang trại lợn ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: NYT)
“Chúng tôi khó mà tin được là sẽ có đủ thịt lợn để bù đắp sự thiếu hụt của Trung Quốc”, ông này cho hay.
Nhiều cảnh báo được phát đi về một cái Tết thiếu thịt lợn trầm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt với châu Á, khi món thịt lợn được sử dụng nhiều trong các bữa ăn.
Trung Quốc từng sở hữu đàn lợn lên tới 440 triệu con, gần một nửa đàn lợn thế giới, nhưng dịch tả lợn châu Phi khiến con số này giảm xuống hơn một nửa.
Theo NYT, vấn đề này trở nên cấp bách tới mức Bắc Kinh phải chấp nhận thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ, một phần để họ tiếp tục nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ. Giá thịt lợn tăng cao tới độ một công ty chăn nuôi ở Quảng Tây in các biểu ngữ màu đỏ với thông điệp “nuôi 10 con lợn đủ tiền để mua một chiếc BMW vào năm tới” như một cách để khuyến khích người dân nuôi thêm lợn.
Những người có lợn giờ là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Chen Zhixiang là một trong số ít chủ đàn lợn ở Wulongqiao, ngôi làng yên tĩnh ở Hồ Nam không bị mất con lợn nào.
Khi Chen lái xe tới một ngôi làng ở Hồ Nam, đám đông xúm quanh chiếc xe của ông, chăm chăm nhìn lũ lợn mà anh mang tới.
“Họ cứ như đang nhìn thấy gấu trúc vậy”, ông này chia sẻ.