Tối 26/8, nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình và phát thanh trực tiếp mang tên "Tết Độc Lập" .
Chương trình nhằm ôn lại trang sử vẻ vang, truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc, bài học giữ nước của cha ông để thế hệ hôm nay và mai sau ra sức xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Tiết mục văn nghệ trong chương trình "Tết Độc Lập".
Chương trình "Tết Độc Lập" gồm 3 chương: Dưới lá cờ Đảng, Hào khí tháng Tám và Tết Độc Lập.
Phần 1 Dưới lá cờ Đảng có những thước phim nhấn mạnh thắng lợi có tầm vóc vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố.
Trong đó, nổi bật là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt chỉ đạo xây dựng, phát huy mạnh mẽ vai trò của các căn cứ địa, làm bàn đạp khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên quy mô toàn quốc.
Các đại biểu tới tham dự chương trình.
Trên sân khấu, MC có cuộc trò chuyện với ông Lê Đức Vân (Trưởng Ban Liên lạc Hội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu) và PGS.TS. Đại tá Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chính ủy sư đoàn 308 Anh hùng, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng).
Các khách mời đều khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
Ông Lê Đức Vân (ngoài cùng bên trái) và PGS.TS, Đại tá Nguyễn Mạnh Hà trong chương trình "Tết Độc Lập".
Sau phần giao lưu, các ca khúc Cùng nhau đi hồng binh (sáng tác của Đinh Nhu) và Lên đàng (sáng tác của Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng) được biểu diễn trên sân khấu, kể lại bầu không khí sôi sục của những ngày Tổng khởi nghĩa.
Phần 2 của chương trình mang tên Hào khí tháng Tám, mở đầu là ca khúc Mười chín tháng Tám. Các khán giả cũng được họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao, chia sẻ về chuyện ca khúc Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca.
“Lúc đó, có ba bài hát được gửi lên Bác gồm 'Diệt phát xít' của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, 'Chiến sĩ Việt Minh' và 'Tiến quân ca' của nhạc sĩ Văn Cao. Sau khi nghe, Bác nhận xét, bài 'Diệt phát xít' ngắn gọn, hay, dễ hát nhưng không thể chọn làm Quốc ca được vì chủ nghĩa phát xít đã tan rã. Bài 'Chiến sĩ Việt Minh' có giai điệu phù hợp nhưng lại hơi dài, nếu chọn thì khi chào cờ nhân dân đứng lâu sẽ bị mỏi chân.
Bác chọn 'Tiến quân ca' làm Quốc ca vì bài hát đúng ý nghĩa, dễ phổ cập. Tiến quân ca đồng hành với Cách mạng tháng Tám và với dân tộc Việt Nam cho tới tận bây giờ. Bài Tiến quân ca của nhân dân, chính nhân dân bảo vệ, tiếp tục gìn giữ Tiến quân ca".
Trong phần giao lưu, PGS.TS. Đại tá Nguyễn Mạnh Hà khẳng định ý nghĩa của cuộc Tổng khởi nghĩa: “Sự kiện toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ trong vòng 2 tuần cho thấy cuộc cách mạng này có ý nghĩa rất sâu xa. Người dân lần đầu tiên được làm chủ, nô nức xếp chỗ ở quảng trường Ba Đình, cho thấy sự hậu thuẫn của người dân với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là rất lớn.
Nó đánh dấu thắng lợi đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ, chế độ thực dân hàng trăm năm, mang lại quyền sống, quyền chính trị, quyền tự do, độc lập cho người dân. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức được cuộc bầu cử Quốc hội, cũng là lần đầu tiên người phụ nữ được đi bầu cử trong cả khu vực Đông Nam Á. Nó mở ra thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh”.
Phần 3 của chương trình có tên Tết Độc lập. Góp mặt trong phần giao lưu là Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (sinh năm 1940, ở Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), người tham gia Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng khi mới 11 tuổi. Ngoài ra còn có võ sĩ wushu Phạm Quốc Khánh, người mang lại nhiều thành tích cho Đoàn thể thao Việt Nam, được sinh ra đúng vào ngày 2/9.
Ông Nguyễn Đức Thìn xúc động kể lại kỷ niệm khi tham gia Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng: "Năm 1951, khi mới 11 tuổi, tôi nhận nhiệm vụ theo dõi tình hình địch đi về để báo qua hòm thư bí mật. Tôi nghĩ ra cách chơi ở quanh đình làng, làm đủ trò vui như ống kính vạn hoa, chơi kèn harmonica, tạo cớ thân thiết với quân địch nhưng thực chất nhằm dò la tin tức từ chúng”.
Ông Nguyễn Đức Thìn xúc động kể lại kỷ niệm khi tham gia Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng.
Còn võ sĩ Quốc Khánh chia sẻ: “Cái tên Quốc Khánh và sinh nhật đúng ngày 2/9 là động lực lớn giúp tôi không ngừng nỗ lực. Còn nhớ lần thi đấu SEA GAMES bên Lào, chỉ 3 ngày trước khi lên sàn đấu, tôi bị đứt dây chằng đầu gối. Bác sĩ, gia đình đều khuyên tôi bỏ cuộc, chữa lành vết thương để kỳ sau thi đấu tiếp. Nhưng tôi quyết định thi đấu với 4 lớp bó gối và giành được huy chương Vàng".
"Cứ mỗi lần đi thi đấu quốc tế, trong tôi lại tràn đầy tình yêu và cảm xúc tự hào hai tiếng Việt Nam. Và rất ý nghĩa, cũng trong ngày mùa thu tháng Tám hai năm trước - 21/8/2018, tôi mang về tấm huy chương Bạc thứ 2 cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018”, võ sĩ Quốc Khánh chia sẻ thêm.
Võ sĩ Quốc Khánh chia sẻ về ngày sinh nhật đặc biệt và động lực giúp anh lập nhiều thành tích trong thi đấu.
Bên cạnh các phóng sự, các cuộc giao lưu chia sẻ, chương trình "Tết Độc Lập" còn vang lên lời ca, giai điệu quen thuộc của Bài ca hy vọng (Văn Ký), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) và Giai điệu Tổ Quốc (Trần Tiến)...
Các đại biểu chúc mừng thành công của chương trình "Tết Độc Lập".
Chương trình "Tết Độc Lập" khiến khán giả rưng rưng xúc động và một lần nữa cho thấy, với hàng triệu người Việt Nam, ngày Quốc khánh luôn thiêng liêng, gây xúc động và tự hào nhất.