Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tết Độc lập ở Trường Sa có gì đặc biệt?

Với các thế hệ bộ đội Trường Sa, ngày Tết Độc lập 2/9 được gọi đơn giản là “Ngày lập Quốc” và họ dành vẹn nguyên ngày 2/9 để hướng về đất liền.

Với các thế hệ bộ đội Trường Sa, ngày Tết Độc lập 2/9 được gọi đơn giản là “Ngày lập quốc” và họ dành vẹn nguyên ngày 2/9 để hướng về đất liền, thảnh thơi ngồi cùng nhau giữa biển cả, chia sẻ tâm tình với Tổ quốc thân thương.

Quà Tết bằng rau củ

Đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân, nay đã gần 90 tuổi, nghỉ hưu ở TP.Cam Ranh (Khánh Hòa), nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn.

Kể về thời khắc 2/9/1945 và chuyện Tết Độc lập ngoài Trường Sa, ông bảo: “Tháng 8.1945 tôi mới 16 tuổi, người còi cọc nhưng đã tham gia Đội Thiếu niên tiền phong ở An Ninh Tây, Tuy An, Phú Yên với nhiệm vụ liên lạc cho các anh các chú!”

Cũng ngay sau ngày độc lập, chiến sự đã nổ ra ở khu vực Nam Trung Bộ và cậu bé 16 tuổi loắt choắt Cao Ánh Đăng nằn nì xin vào làm liên lạc cho 1 đơn vị bộ đội Nam tiến đang hành quân ngang qua với lý do: “Nếu không có tui đưa đi, các anh cũng đâu biết đường vô Nam?”. Đó là tháng 10/1945.

 
 
Hoạt động tập thể của bộ đội Trường Sa dịp Lễ Tết, những năm 70-80. 

Đúng 30 năm sau, từ tháng 6/1975, khi đã là thiếu tá, trung đoàn trưởng Trung đoàn 46 (Quân khu Hữu Ngạn), ông mới quay trở lại mảnh đất Khánh Hòa - Phú Yên với nhiệm vụ mới: Lữ đoàn phó Lữ đoàn 126, Quân chủng Hải quân, chuyên trách nhiệm vụ xây dựng - bảo vệ Quần đảo Trường Sa.

Tròn 13 năm 11 tháng đảm nhiệm chức vụ tại đây cho đến khi về hưu, hồi ức về những ngày Tết Độc lập của bộ đội đảo luôn tràn ngập trong ông. “Lính tráng hồi ấy khổ lắm, cứ mong đến ngày 2.9 để được miếng tươi!”  - đại tá Đăng trầm ngâm vậy và nhớ:

“Có thời điểm trước 2/9 cả tháng, tôi phải lên tận Đà Lạt (Lâm Đồng) xin UBND tỉnh trên ấy hỗ trợ cho bộ đội đảo ít rau. Rau chở từ Đà Lạt xuống Cam Ranh đã héo rũ, lại phải chờ tàu chuyển ra ngoài đó mất gần tuần, nên khi mang ra đến nơi, chỉ còn ít củ quả tạm ăn được. Nhưng đó là kỷ niệm nhớ đời, vì ăn Tết Độc lập có rau!”.

Cốc nước sâm nhớ đời

Thượng tá Lê Văn An (68 tuổi, ở Gia Viễn, Hà Nam), trước khi về nghỉ hưu tại Cam Nghĩa (Cam Ranh, Khánh Hòa) là Chỉ huy trưởng khu vực đảo, thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. 27 năm 6 tháng phục vụ trong quân đội, nhưng có đến 13 năm 3 tháng biền biệt ngoài đảo (5.1975 - 7.1988), giữ nhiệm vụ Chỉ huy trưởng tất cả các đảo nổi lớn, như Song Tử Tây, Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn... nên những câu chuyện về Trường Sa, từ hồi sau giải phóng, ông đều rành rẽ.

Lễ chào cờ sáng 2/9 trên đảo Trường Sa. 

“Ngày 2/9/1975, trong khi ở trong bờ, tổ chức duyệt binh mừng chiến thắng thì ngoài đảo, do điều kiện thiếu thốn nên chỉ tổ chức chào cờ Tổ quốc và tập trung nghe đài Tiếng nói Việt Nam truyền thanh trực tiếp lễ duyệt binh!”, thượng tá Lê Văn An nhớ lại ngày Tết Độc lập đầu tiên ở Trường Sa, khi ông giữ chức vụ Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn như vậy.

Ông cười: “Ở trong bờ, còn tăng gia sản xuất và bữa ăn hôm đó, nhất định phải có tí tươi. Nhưng ngoài đảo lúc ấy, lương thực - thực phẩm của bộ đội mang ra từ chuyến tàu hôm giải phóng đảo cũng gần cạn, phải dùng đến cả gạo sấy thu được của binh lính chế độ cũ, nên mỗi anh em chỉ được đặc cách thêm chút thịt hộp. Khổ vậy nhưng chẳng ai kêu ca!”...

Hòa mạch câu chuyện của thượng tá An, ông Trần Văn Thế (nguyên thiếu tá, Chủ nhiệm Công binh Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) cũng chia sẻ chuyện của những người lính Công binh Trung đoàn 83, lần đầu tiên ăn Tết Độc lập ở Trường Sa 2/9/1975.

 
“Hồi ấy, 5 - 6 tháng mới có 1 chuyến tàu trong đất liền ra tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước ngọt và trang thiết bị khác. Dịp tháng 9 đúng mùa biển động, lại gần cuối năm nên hầu như thực phẩm cạn kiệt. Có khi cá, ốc bắt được chỉ luộc chấm muối vì gia vị nấu ăn phải dùng trong trường hợp chiến đấu!”
Thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146.
 

Ngay sau khi giải phóng, Đại đội Công binh thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 83 của ông Trần Văn Thế cũng tức tốc nhận nhiệm vụ ra xây dựng - củng cố đảo Song Tử Tây. “Hồi ấy, ngoài sân trước cửa nhà khí tượng, những người lính chế độ cũ trồng được 1 bụi sâm đất rất lớn. 

Ngày 2/9, chỉ huy đảo cho cắt vài củ, nấu nướng uống cho bộ đội, gọi là nước Độc lập. Vị ngọt và thơm của nó, gần 40 năm rồi, tôi vẫn nhớ!”, thiếu tá Thế xuýt xoa rồi tiếc: “Giờ các đảo to rộng, khang trang và đầy đủ lắm rồi. Nhưng chắc chả đâu có củ sâm hiếm hoi, như hồi ấy Trường Sa!”..

Điếu thuốc dành ngày “lập Quốc”

Thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 cứ đến những ngày này là lại kể cho vợ con nghe về những Tết Độc lập mà mình đã trải qua trong những năm từ 1988 đến 1991, khi anh mới tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, được phân công về nhận nhiệm vụ tại đây và ra ngay đảo chìm Đá Lát với cương vị Chỉ huy trưởng điểm đảo chìm.

Hồi ấy, đảo Đá Lát mới được đóng giữ ngày 5/2/1988 và xây tạm nhà cao chân để giữ đảo. “Anh em đếm lịch từng ngày chờ đến dịp 2/9, để có cơ hội quây quần bên nhau, nhớ về đất liền!” - thượng tá Đỗ hồi tưởng và nhớ chi tiết: các đảo nổi thì còn có lợn gà tăng gia, để khao quân. 

Ngoài đảo chìm, chỉ chơ vơ chòi dựng cọc bê tông, mái vách tôn, nền là các thanh gỗ ghép tạm, không nuôi được bất cứ thứ gì. Anh em trên đảo đợi mỗi khi thủy triều xuống, đi bắt cá nhặt ốc và nuôi tạm dưới cột nhà, đúng buổi sáng 2/9 mới “phá lệ” chi thêm dầu đốt để kéo dài bếp lửa, xào nấu cải thiện thêm...

 Mổ lợn liên hoan dịp Tết Độc lập.

Thượng tá Đỗ nhớ lại vậy và bảo: “Nén hương thơm cắm bàn thờ Tổ quốc cũng không có. Cả đảo đốt điếu thuốc để dành từ lâu, cho cháy 1 chút rồi xin lộc, chia nhau mỗi anh em kéo 1 hơi, cho có mùi thuốc lá!”.

Tết ấm từ bát xôi chè

Hỏi chuyện 2/9 năm nay, thượng úy Trần Thanh Sơn, chính trị viên đảo Thuyền Chài B (quê ở Bố Trạch, Quảng Bình) hào hứng: Tháng này giông gió, không tổ chức sinh hoạt ngoài trời được, nên phải kéo hết vào trong nhà. Sôi nổi nhất là việc hát karaoke, hiện tại đang trong... vòng loại. 

Tiếp sau là phong trào thi đấu bóng bàn. Mấy năm trước, các đảo còn được cấp phát bàn bóng. Nhưng giờ, hình như tiêu chuẩn ấy bị cắt, nên anh em phải ghép những bàn gỗ cũ lại, sơn phết cho thành “đồng chất đồng màu” và cũng căng lưới, hì hục thi đấu, hò hét y như thể trong đất liền.

Rau xanh là phần thưởng hiếm hoi của đất liền cho lính đảo ngày 2/9. 

“Cả đảo còn 2 con vịt, nên sáng 2/9 sẽ cải thiện bữa ăn cho anh em!”, Sơn kể vậy và phấn khởi: “Nấu cả xôi chè, dâng lên bàn thờ Tổ quốc. Riêng hương thơm, đảo nhờ tàu trực mua sẵn rồi!”.

Nói chuyện Tết Độc lập của quân và dân các đảo ngoài Trường Sa, đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn 146, BTL Vùng 4 Hải quân nhấn mạnh: “Cứ sáng 2/9, các đảo đều tổ chức chào cờ Tổ quốc buổi sáng. Đặc trưng này chỉ có riêng ngoài Trường Sa và sự thiêng liêng, gắn người lính với biển trời!”...

Ngày Tết Độc lập bây giờ ở trong bờ, nhiều người chỉ quan tâm đến việc được nghỉ mấy ngày, được thưởng bao nhiêu tiền để đi nghỉ - đi chơi. Với những người lính Trường Sa, càng những ngày lễ này họ càng phải cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển đảo, bảo vệ ngay bờ cho nơi hậu phương xa tít. Cứ vậy, thầm lặng gần 40 năm trời...

Theo TNO

Nguồn:

Tin mới