Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tết đến, dạy con quản lý và sử dụng tiền lì xì thế nào?

(VTC News) -

Tiến sĩ tâm lý học Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ bí kíp giúp phụ huynh cùng con sử dụng lì xì trong ngày đầu năm mới, để trẻ thấy được trách nhiệm và biết cách tiết kiệm tiền.

Khoanh tay lễ phép khi nhận lì xì

Theo phong tục Tết truyền thống, mỗi dịp năm mới, trẻ em sẽ được nhận tiền lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành, may mắn. Nhưng hầu như các bé chỉ biết nhận lì xì, thậm chí nhiều bé còn mở ngay ra xem được mừng tuổi nhiều hay ít, khiến người mừng rất ngại ngùng.

Do đó, bố mẹ nên dạy con cách nhận và sử dụng lì xì đúng mực để hiểu được ý nghĩa của phong tục này.

Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương khuyên các bậc phụ huynh nên dạy con nói cảm ơn khi nhận lì xì, cần có thái độ trân trọng, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết lại người mừng tuổi con.

Hãy để trẻ hiểu, mỗi một phong bao lì xì là một lời chúc năm mới đến trẻ, không phải việc đánh giá tiền ít hay tiền nhiều. Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác tưởng chừng rất đơn giản như đưa hai tay nhận lấy lì xì, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn…

Bí kíp dạy trẻ quản lý tiền lì xì Tết đúng cách.

Giao kèo về số tiền mừng tuổi

Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh, vài năm trở lại đây, không khó để bắt gặp cảnh tượng nhiều trẻ vừa nhận được lì xì thì lập tức xé phong bao ngay trước mặt khách. Làm như vậy là chưa lễ phép. Phụ huynh đừng cổ xúy hay coi nhẹ chuyện đó, cần dạy trẻ đừng vội tò mò mà mở phong bao, hãy đợi đến khi người mừng ra về thì có thể mở.

Bởi hành động mở phong bao lì xì trước mặt khách chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Đồng tiền mừng cho trẻ chỉ cần mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.

Nữ tiến sĩ Hương khuyên các bậc cha mẹ không nên hỏi các con về số lượng tiền lì xì con nhận được là nhiều hay ít.

Khi bố mẹ quá quan tâm đến số tiền trẻ nhận được như vậy, vô tình khiến con trẻ có tư duy coi trọng vật chất, giá trị của đồng tiền, làm mất đi ý nghĩa của việc mừng tuổi năm mới. Thay vào đó, chúng ta chỉ nên giao kèo cùng con về cách sử dụng số lì xì đó vào đúng mục đích.

Dạy con sử dụng lì xì đúng cách

Ở Việt Nam tuy chưa có khảo sát chính thức về số lượng tiền mừng tuổi của trẻ mỗi dịp Tết cổ truyền nhưng nhìn chung, số tiền trẻ nhận ở các thị trấn, thành phố có thể lên đến con số tiền vài triệu đồng. 

Nhiều chuyên gia và bậc phụ huynh cho rằng dịp trẻ nhận tiền lì xì là cơ hội để bố mẹ dạy con chi tiêu đúng cách, thậm chí có thể hướng dẫn trẻ giữ tiền như một khoản đầu tư.

Thay vì ép buộc con, tiến sĩ Vũ Thu Hương mong các phụ huynh đừng nói câu “phải đưa cho mẹ” mà hãy khuyên răn, bảo ban và dạy cho bé những bài học nhỏ. Điều đó vừa giúp bé biết cách quản lý những bao lì xì cẩn thận, sử dụng hợp lý, vừa sẽ khiến bố mẹ vui lòng, tự hào thêm về bé.

Tiến sĩ Hương đưa một số gợi ý như: Nếu muốn con biết tiết kiệm tiền hãy mua lợn đất cho con đúc; nếu muốn con hiếu thảo hãy tập cho con thói quen mua đồ tặng ông bà, bố mẹ và nếu muốn con độc lập hãy giao kèo về việc tiêu tiền cho mục đích cụ thể.

Việc tiêu tiền quyết định tính cách của trẻ

Chị Hà Huyền Trang (Phú Thọ) chia sẻ, bản thân thường giao kèo với con từ trước khi sang đầu năm mới về việc cất giữ tiền lì xì bằng cách mua tặng con “chú heo đất” nhiều màu sắc. Con rất thích thú và hào hứng nuôi lợn đất mỗi ngày.

Năm nào cũng vậy, việc làm đó trở thành thói quen giúp con vừa được giữ tiền lì xì cho mình, vừa tạo được một đức tính tiết kiệm ngay từ nhỏ. Không những thế còn tránh được việc, bé bắt chước những anh chị lớn tiêu tiền lì xì không đúng mục đích, hay đòi hỏi bố mẹ mua đồ chơi, hoặc bất cứ thứ gì bé thích bằng tiền lì xì.

Chị Dương Phương Liên (Hà Nội) đưa ra ý kiến, hầu hết trẻ đều nghĩ rằng, tiền mua sách vở, đóng học đều là trách nhiệm của cha mẹ, không phải là nhiệm vụ của trẻ. Nên khi cha mẹ khuyên trẻ để dành tiền mua đồ dùng học tập hoặc đóng học phí (nếu nhiều tiền lì xì) trẻ sẽ tỏ ra khó chịu, vì trẻ vẫn luôn cho rằng số tiền đó thuộc về mình.

Tuy nhiên, cha mẹ cần nghiêm khắc, giáo dục trẻ hiểu rằng, tiền lì xì cũng là tiền cha mẹ vất vả kiếm được. Vì trẻ nhận được bao nhiêu, cha mẹ cũng phải mừng lại khách bấy nhiêu. Do đó, nếu trẻ để dành tiền và phục vụ cho nhu cầu học tập thì cha mẹ sẽ thấy vui hơn, nhờ đó, trẻ cũng trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn, chị Liên nói.

Khác với các phụ huynh trên, anh Trần Văn Thịnh (Thái Bình) luôn cho con cùng bàn bạc với cha mẹ về một kỳ nghỉ sau dịp lễ Tết như một cách tiêu số tiền mừng tuổi con nhận được. Đây không những là cơ hội để cả nhà cùng đi du lịch bên nhau, còn là cách để tôi dạy cho con biết, con cũng cần đóng góp tài chính trong chuyến đi.

Và đây cũng là một cách sử dụng tiền lì xì vào mục đích mang lại chuyến đi vui vẻ cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ học được tính tự lập và sống có trách nhiệm hơn.

Ngoài ra, anh Thịnh cũng dạy con dành một phần để làm từ thiện, bởi đây là lúc phù hợp nhất để dạy về tình thương người và sự hào phóng vì trẻ đang có sẵn khá nhiều tiền vừa được người khác cho thay vì tiêu khiển vào những quả bóng bay, đồ chơi ôtô…

 

Minh Khôi

Tin mới