Theo CNN, những hình ảnh ban đầu do ImageSat International (ISI) cung cấp hôm 3/6 cho thấy nơi từng có một số lượng lớn bệ phóng tên lửa chỉ còn là bãi trống. Tuy nhiên, trong phân tích tình báo ngày 11/6, tổ chức này cho rằng các vũ khí đã xuất hiện trở lại trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tên lửa Trung Quốc được cho là "xuất hiện" trở lại trên đảo Phú Lâm. (Ảnh: CNN)
Tên lửa Trung Quốc được cho là "xuất hiện" trở lại trên đảo Phú Lâm. (Ảnh: CNN)
ISI phân tích động thái được cho là loại bỏ các hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo và cho rằng chúng có khả năng di chuyển đến một đảo khác, hoặc di chuyển trong quá trình huấn luyện.
Khi hình ảnh tên lửa dường như bị loại bỏ được công bố, các chuyên gia vô cùng nghi ngờ và cho rằng có khả năng những thiết bị phòng không này không bị loại bỏ vĩnh viễn mà chỉ được vận chuyển sang một vị trí khác.
“Dựa vào hiệu ứng ăn mòn của muối và khí ẩm trên đảo, hệ thống HQ-9 rất có thể phải tạm thời bị gửi về đất liền để bảo dưỡng định kỳ” – một nhà phân tích cho biết.
Sự biến mất “bí ẩn” của các tên lửa này xảy ra sau khi Trung Quốc bị chỉ trích gay gắt tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á liên quan đến những hành động quân sự hóa ồ ạt của Bắc Kinh như điều tên lửa, diễn tập bắn đạn thật và cho máy bay ném bom diễn tập cất-hạ cánh trên các cấu trúc xây dựng và xâm lấn trái phép thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Với việc Trung Quốc liên tục triển khai trái phép vũ khí quân sự ra các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi xâm chiếm trái phép và vi phạm luật pháp quốc tế.
Video: Trung Quốc cất - hạ cánh máy bay tại Hoàng Sa