Theo Russia Beyond, sức nóng của cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường trong những năm 1960 luôn đặt Liên Xô và Mỹ vào tình thế phải làm mọi cách để vượt mặt đối phương, kể cả việc sử dụng chiến thuật hù dọa.
Vào thời điểm đó, Moskva khá thành công với các cuộc duyệt binh phô trương sức mạnh quân sự bằng các loại vũ khí mà theo nhiều người là không thể tồn tại.
Thật vậy, hàng dài tên lửa đạn đạo khổng lồ mang đầu đạn hạt nhân luôn là “đặc sản” trong các lễ duyệt binh của Liên Xô trên Quảng trường Đỏ vào giữa những năm 1960. Những quả tên lửa không chỉ thu hút sự chú ý từ dân chúng Moskva mà cả đại sứ các nước tham gia sự kiện. Chỉ riêng kích thước của chúng cũng đủ khiến kẻ thù của Liên Xô cảm thấy bất an.
Bên cạnh những quả tên lửa trên Quảng trường Đỏ, Liên Xô cũng làm khá tốt việc tuyên truyền định hướng có chủ đích về các loại vũ khí giả của họ. Các phát thanh viên Liên Xô luôn nhấn mạnh vào kích thước khổng lồ của những quả tên lửa, đi kèm với các tính năng tiên tiến và mô tả chúng gần như không có giới hạn.
Các cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ luôn là cơ hội vàng để tình báo phương Tây biết thêm về vũ khí mới của Liên Xô, nhưng không phải những gì họ thấy đều là thật. (Ảnh: RT)
Hình ảnh về những hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa trên Quảng trường Đỏ chỉ mất vài giờ để xuất hiện trên trang nhất các tờ báo lớn ở Mỹ hay châu Âu. Nhưng ít người biết rằng phần lớn số vũ khí tối tân này đều là đồ giả.
Tại sao Liên Xô cần tên lửa giả?
Câu hỏi này đã được cựu lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia Liên bang Xô Viết (KGB) Vladimir Semichastny trả lời trong một cuộc phỏng vấn sau khi Liên Xô tan rã, rằng cuộc chạy đua tên lửa là thứ duy nhất mà Moskva và Washington quan tâm vào những năm đầu Chiến tranh Lạnh. Việc công khai cho đối phương thấy các tên lửa khổng lồ giống như một đòn tâm lý. Thậm chí quân đội Liên Xô còn xây dựng một chiến dịch bí mật để dùng vũ khí giả dọa người Mỹ.
“Theo thường niên, khoảng từ một đến ba lần trong một năm, chúng tôi sẽ cho ra vài tuyên bố đã làm chủ được một số công nghệ tên lửa mới. Sau đó, chúng tôi sẽ giới thiệu chúng trên Quảng trường Đỏ trong các cuộc duyệt binh. Chỉ vài người nhận ra được các tên lửa này là giả và chúng không thể bay”, Semichastny thừa nhận.
Về lý do tại sao các tên lửa này lại cần thiết, Semichastny giải thích rằng các cơ quan đặc nhiệm của phương Tây hầu như không thể có được một báo cáo đánh giá đúng mức về tiềm lực của quân đội Liên Xô vào thời kỳ đó, mọi thông tin đều được bảo mật tối đa. Tất cả các loại vũ khí tối tân nhất đều nằm dưới các hầm ngầm và không vệ tinh nào có thể do thám được.
Tình báo phương Tây rõ ràng không biết Liên Xô có những gì bên dưới lòng đất. Cách duy nhất biết Moskva đang phát triển loại vũ khí nào chính là các cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ, bởi họ chỉ phô diễn các thành tựu công nghiệp quốc phòng nổi bật nhất sau một năm trong các sự kiện đặc biệt.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa R-26 (SS-8 Sasin) của Liên Xô trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5/1965. (Ảnh: RT)
Phương Tây biết rõ có gì đó mờ ám đằng sau các tên lửa khổng lồ của Liên Xô trên Quảng trường Đỏ, nhưng họ không có cách nào xác minh được cái nào là thật, cái nào là giả.
Đòn tâm lý của Liên Xô
Để mọi thứ diễn ra như thật, mọi cuộc duyệt binh phô diễn vũ khí thật lẫn giả của Liên Xô đều được lên kịch bản đến từng chi tiết nhỏ nhất. Thậm chí đích thân nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchyov còn tham gia chiến dịch “tung hỏa mù” này. Điển hình là bài phát biểu “rực lửa” của ông Khrushchyov ở điện Kremlin vào năm 1962 về cái gọi là “tên lửa toàn cầu” - GR-1.
Khái niệm về tên lửa toàn cầu trên thực tế do người Mỹ đưa ra đầu tiên, nhưng kế hoạch phát triển loại vũ khí như vậy chưa bao giờ thành hiện thực, do nó không thực sự cần thiết. Thay vào đó, Washington chỉ cần mở rộng vùng ảnh hưởng của NATO gần biên giới Liên Xô là đủ để triển khai các tên lửa đạn đạo chiến thuật hoặc tầm trung.
Trong khi đó, ở Liên Xô, người ta bắt đầu nghiên cứu chế tạo loại vũ khí này một cách nghiêm túc. Thực chất, GR-1 được dùng để đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân lên quỹ đạo và tấn công trực tiếp vào những mục tiêu từ vũ trụ trong trường hợp cần thiết. Loại tên lửa này không hạn chế về tầm xa và hướng bắn, tức là nó có thể tấn công vào bất cứ mục tiêu nào trên Trái đất.
“Tên lửa toàn cầu sẽ khiến cho các phương tiện cảnh báo trở nên vô nghĩa hoàn toàn. Chúng không thể bị phát hiện kịp thời để ra phương án đáp trả”, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev từng nói. Năm 1965, trên Quảng trường Đỏ xuất hiện “tên lửa GR-1” (thực ra đó chỉ là tên lửa mô hình) trong cuộc diễu binh mừng chiến thắng phát xít, người Mỹ không còn nghi ngờ gì nữa: Liên Xô đã làm được điều đó!
Tên lửa toàn cầu GR-1, thứ vũ khí khiến người Mỹ sợ hãi bao năm thực chất chỉ là mô hình. (Ảnh: RT)
Chưa dừng ở đó, Liên Xô còn tiến hành kế hoạch triển khai tên lửa giả để tình báo phương Tây tin rằng họ đã sở hữu loại vũ khí này. Ngay sau khi kết thúc cuộc duyệt binh, các tên lửa này được chuyển đến một trong số các nhà ga ở Moskva và người ta cố tình để lộ thông tin này cho nhân viên đại sứ quán các nước.
Điều này về cơ bản sẽ khiến tình báo phương Tây phải đặt ra câu hỏi, Moskva sẽ triển khai các tên lửa mới ở đâu và nhiệm vụ của chúng sẽ là gì?
Thông qua việc nghe lén các cuộc điện thoại giữa tùy viên quân sự các nước phương Tây trao đổi về mẫu tên lửa mới, Moskva có thể nắm rõ được việc Mỹ và đồng minh của họ có “cắn câu” hay không.
Những dự án không tưởng
Tên lửa toàn cầu chỉ là một ví dụ về chiến dịch định hướng thông tin của Liên Xô dành cho Mỹ. Một kịch bản tương tự cũng được sử dụng cho các sự kiện liên quan đến RT-15 và RT-20, hai hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa di động có kích thước không tưởng của Liên Xô vào những năm 1960. Tất nhiên, việc chế tạo các tên lửa này là bất khả thi và không thực tế với công nghệ Liên Xô có thời điểm đó.
Có thể nói tương tự về pháo tự hành hạng nặng 2B1 “Oka”, được mô tả là bắn đi các quả đạn pháo nặng 750kg ở khoảng cách gần 50km. Nó cũng được quảng cáo là có khả năng bắn đạn pháo hạt nhân. Dù vậy, độ giật quá mạnh của 2B1 sau mỗi phát bắn gần như phá hủy hệ thống khung gầm bánh xích của nó. Việc di chuyển một hệ thống pháo nặng 55 tấn cùng hậu cần đi kèm cũng gây ra không ít rắc rối.
Do những thiếu sót này, 2B1 “Oka” chỉ xuất hiện một lần duy nhất trên Quảng trường Đỏ vào năm 1961 và chỉ có 6 hệ thống được chế tạo thử nghiệm; chúng thậm chí còn không được đưa vào các bài kiểm tra cấp nhà nước.
Pháo tự hành 2B1 “Oka” chỉ là một trong nhiều đề án vũ khí không bao giờ được Liên Xô đưa vào sử dụng trong Chiến tranh Lạnh. (Ảnh: RT)
Tương tự là máy bay ném bom M-4, xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh năm 1954. Nó được giới thiệu có thể triển khai vũ khí hạt nhân tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Mỹ. Tuy nhiên, M-4 có quá nhiều nhược điểm và được chuyển đổi thành máy bay tiếp nhiên liệu trên không.
Đối với GR-1, Liên Xô cũng có lời giải thích không thể hợp lý hơn: Dự án đổ vỡ do sự trì hoãn trong việc phát triển hệ thống động cơ đẩy cũng như không có bãi phóng phù hợp.
Trong mọi trường hợp, hầu như Liên Xô đã đạt được mục tiêu của họ khi dọa cho người Mỹ nhiều lần hết vía, cùng với đó là việc Washington đồng ý ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Sứ mệnh của những loại vũ khí như GR-1 cũng kết thúc.