Tại hội nghị quán triệt, tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số năm 2022 được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Tây Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số.
"Điển hình trong việc đi đầu chuyển đổi số ở tỉnh Tây Ninh là ứng dụng phục vụ cho phòng, chống dịch COVID-19, phần mềm tiêm chủng, theo dõi xét nghiệm cho người dân", ông Tiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông.
"Lãnh đạo các cấp phải thực sự vào cuộc, quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo; khi triển khai cần thận trọng, trên quy mô nhỏ trước, khi thành công, rút kinh nghiệm mới nhân rộng mô hình", ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết, chuyển đổi số là sự quyết tâm của tỉnh ủy, của cả hệ thống chính trị của tỉnh.
“Có thể coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số; năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương”, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh.
Theo ông Hùng, để công tác chuyển đổi số đạt kết quả cao, Ban Thường vụ tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh tổ chức các hoạt động chuyển đổi số thiết thực tại địa bàn, địa phương phụ trách.
Trên địa bàn tỉnh, đến nay đã triển khai các nền tảng dùng chung như: hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành, hệ thống họp không giấy tờ; hệ thống liên thông dữ liệu từ Trung ương về tỉnh, các hệ thống thông tin của tỉnh, hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng kết nối với hệ thống an toàn thông tin quốc gia, hệ thống giám sát, điều hành thông minh...
Tỉnh Tây Ninh có “Tây Ninh Smart” là một ứng dụng dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, đến nay, có hơn 132.000 tài khoản đăng ký.
Để việc chuyển đổi số đạt kết quả cao, mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển, xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số có ý nghĩa sống còn. Đồng thời, đây là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng của tỉnh.
"Các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp tích cực với các đơn vị chức năng để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, người lao động và nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số", ông Hùng nhấn mạnh.
PGS. TS Thoại Nam - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến liên ngành, Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc tiếp cận một hướng phát triển mới cho nông nghiệp của Việt Nam là cần thiết cho các đơn vị, địa phương khác nhau, ông mong rằng Tây Ninh sẽ có hướng tiếp cận mới về vấn đề này.
"Việc này sẽ mang lại một luồng gió mới, một cuộc cách mạng mới để phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nhà”, ông Nam nói.
Theo PGS. TS Thoại Nam, xu thế hiện tại phát triển khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo đang ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Các quốc gia từ châu Âu đến châu Á hiện nay phải thay đổi một cách căn cơ về lĩnh vực nông nghiệp, một trong những hướng đó là tiếp cận theo mô hình làng thông minh.
Làng thông minh là việc ứng dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo để đối phó và giải quyết các vấn đề của địa phương, sao cho đơn vị ở địa phương đó có thể phát triển bền vững dựa trên thế mạnh, kết nối cộng đồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, giải quyết được những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu... hướng đến sự thịnh vượng cho khu vực nông thôn.