Nhật Bản cho biết việc Trung Quốc liên tục gửi tàu tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông là một vấn đề "cực kỳ nghiêm trọng", buộc Tokyo phải tăng cường tuần tra và liên tục phản đối Bắc Kinh.
"Các hoạt động lặp đi lặp lại là vô cùng nghiêm trọng. Các tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo, đồng thời chúng tôi đã phản đối phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao hết lần này đến lần khác", Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết trong cuộc họp báo.
"Chúng tôi sẽ bình tĩnh đáp trả Trung Quốc dựa trên lập trường kiên quyết của Nhật Bản”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản nhấn mạnh và cho biết Tokyo quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của nước này.
Nhật Bản cảnh báo đáp trả khi tàu Trung Quốc liên tục xuất hiện xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. (Ảnh: AP)
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 4 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã được phát hiện tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 22/7, một trong số tàu này được trang bị súng máy. Các tàu tuần tra bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo, yêu cầu 4 tàu Trung Quốc không được xâm phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản.
Trung Quốc bắt đầu đưa ra yêu sách đối với các hòn đảo nhỏ - mà nước này gọi là Điếu Ngư, nằm cách Okinawa khoảng 400 km, vào những năm 1970 sau khi xuất hiện các thông tin về trữ lượng dầu khí dồi dào trong khu vực.
Căng thẳng Bắc Kinh - Tokyo đối với các đảo nhỏ tăng vọt sau khi Nhật Bản đặt chúng dưới sự kiểm soát của nước này vào tháng 9/2012.
Trong những năm gần đây, quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc đã tan băng trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington.
Tuy nhiên, các hoạt động của các tàu Trung Quốc tại vùng biển xung quanh các đảo đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang gia tăng trong thời gian qua, khiến Tokyo tăng cường cảnh giác đối với những động thái được xem là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông.
Hôm 4/6, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản Bản xung quanh các đảo không có người trong 11 ngày.
6 ngày sau, Tokyo phản đối Bắc Kinh về hoạt động nghiên cứu biển của một tàu Trung Quốc ở nơi Nhật Bản coi là vùng đặc quyền kinh tế gần đảo Okinotori, điểm cực nam của nước này.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 16/7 cho rằng "yêu sách đơn phương của Nhật Bản đối với một đặc khu kinh tế xung quanh Okinotori không có cơ sở pháp lý" vì nó không tạo thành một hòn đảo, mà chỉ là những hòn đá.