Thời gian qua, nhiều ngư dân ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) lo lắng và bức xúc trước vấn nạn tàu giã cào lộng hành, ngang nhiên đánh bắt theo lối “tận diệt” hải sản ven bờ và sẵn sàng tấn công ngư dân ra ngăn cản.
Những tàu giã cào đa phần là tàu có công suất lớn, chúng đi tới đâu là sẵn sàng kéo phăng và xé toạc ngư lưới cụ của ngư dân đã thả trước đó, bất chấp ngư dân cảnh báo, ngăn cản.
Những ngư dân ở xã Phú Thuận cho biết, ở khu vực vùng ven biển của xã này, hầu như ngày nào cũng có chục chiếc tàu giã cào đánh bắt hải sản theo lối “tận diệt”. Tình trạng này khiến hệ sinh thái biển gần bờ và nguồn lợi thủy sản bị hủy hoại và đe dọa.
Một tàu giã cào đang đánh bắt theo lối "tận diệt" hải sản tại vùng biển gần bờ. (Ảnh: Tư liệu)
“Gia đình tôi đã có nhiều tay lưới bị tàu giã cào kéo phăng và xé toạc, thiệt hại trên 20 triệu đồng. Rất nhiều hộ ngư dân khác nơi đây cũng đã bị tàu giã cào phá hỏng phương tiện làm ăn dẫn đến nguy cơ bỏ nghề, nợ nần chồng chất. Tôi và nhiều hộ dân khác đã làm đơn gửi lên hải đội, tàu kiểm ngư nhưng chưa được phản hồi”, một ngư dân bị tàu giã cào phá ngư lưới cụ bức xúc phản ánh.
Được biết theo quy định, tàu giã cào chỉ được hoạt động cách bờ trên 20 hải lí. Tuy nhiên, hầu như chẳng tàu nào chịu tuân thủ quy định trên và ngang nhiên vào vùng biển gần bờ để lộng hành cả ngày lẫn đêm. Những tàu giã cào này hầu hết đều mang số hiệu ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Những tàu giã cào hầu hết tỏ ra hung hăng, sẵn sàng tấn công ngư dân nếu bị ngăn cản, thậm chí còn đe dọa cả lực lượng chức năng. (Ảnh: Tư liệu)
Ông Nguyễn Quang Dân - Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: "Vừa qua, chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh của người dân. Chính quyền cũng đã kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp xử lý tình trạng tàu giã cào lộng hành ở vùng biển gần bờ.
Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng này là rất khó bởi khi thấy lực lượng chức năng thì những tàu giã cào lập tức bỏ chạy. Trong thời gian tới, xã sẽ tăng cường lực lượng và xử lý thật nghiêm, phạt thật nặng nếu bắt được tàu giã cào vi phạm".
Trước sự lộng hành của các tàu giã cào, ngư dân xã Phú Thuận đã đồng loạt ký tên vào đơn thư gửi chính quyền. (Ảnh: Tư liệu)
Trả lời báo chí, lãnh đạo Phòng Thanh tra Pháp chế - Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa - Thiên Huế thông tin, có nhiều người dân gọi điện đến đơn vị phản ánh việc tàu giã cào đánh bắt tại vùng biển Thừa Thiên – Huế. Tuy nhiên rất khó xử lý do lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu kiểm ngư của chi cục đều là dân sự nên các tàu giã cào không sợ.
Thậm chí, trong quá trình tuần tra kiểm soát, khi phát hiện, bắt quả tang thì các tàu giã cào đều chống đối, thách thức và đe dọa. Trong khi đó, lực lượng kiểm ngư lại mỏng nên không thể kiểm soát hết được.
Video: Tàu hải cảnh Trung Quốc vây tàu cá Việt Nam bị nạn
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa - Thiên Huế hay, việc xử lý tàu giã cào còn hạn chế là do nguồn lực mỏng.
"Hiện nguồn lực được bố trí không tương xứng, chỉ có 7 người trên tàu kiểm ngư trong khi quản lý cả vùng biển quá rộng lớn.
Lực lượng kiểm ngư trên tàu cũng theo truyền thống, không được xem là lực lượng kiểm ngư chuyên nghiệp, không có phụ cấp và giả sử nếu chết khi đang làm nhiệm vụ thì cũng không được công nhận là liệt sĩ. Bên cạnh đó, con tàu kiểm ngư duy nhất được trang bị 20 năm đến giờ có kích thước nhỏ và đã quá cũ", ông Bình cho hay.
Với đặc tính đánh bắt của mình, các tàu giã cào được mệnh danh là những kẻ "tận diệt" sinh thái biển. (Ảnh: Tư liệu)
Trước đó, ngư dân Quảng Trị cũng rất bức xúc về việc tàu giã cào lộng hành phá ngư lưới cụ và thậm chí là tấn công, đâm chìm thuyền của họ. Đơn cử là trường hợp của anh Trần Anh (33 tuổi, trú thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Khoảng 22h30 ngày 5/5, tại vị trí câu mực của anh Anh xuất hiện hai tàu giã cào đi song song với nhau và tiến đến vị trí thuyền của anh. Thấy vậy, anh Anh đã dùng đèn pha (chuyên dùng để câu mực) và đèn nháy để báo hiệu cho tàu giã cào.
Tuy nhiên, dù đã thấy tín hiệu đèn báo, hai chiếc tàu giã cào vẫn hung hãn tiến vào tấn công khiến chiếc thuyền câu của anh Anh bị vỡ và chìm xuống biển. May mắn là lúc thuyền bị đâm chìm, anh Anh bám được vào khúc gỗ và dùng đèn pin của điện thoại báo hiệu cho người hàng xóm của mình đến cứu (khi ấy thuyền của ông Trần Binh – hàng xóm của anh Anh đang ở cách đó 300 m).
Anh Trần Anh suýt bỏ mạng trên biển vì bị tàu giã cào tấn công. (Ảnh: T.D)
Ông Trần Tuấn – Trưởng thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) cho biết, trường hợp của anh Trần Anh không phải là trường hợp đầu tiên bị tàu giã cào tấn công, phá ngư lưới cụ. Tính từ tháng 3/2017 cho đến nay trong thôn có khoảng 30 hộ dân mất lưới với giá trị gần 300 trăm triệu đồng vì có liên quan đền tàu giã cào.
Lãnh đạo Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị cho biết, khoảng giữa tháng 4/2017, đơn vị này đã phối hợp với Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tiến hành truy quét nhưng bị các đối tượng trên tàu giã cào chống trả. Không chỉ vậy, đa phần các tàu giã cào này luôn có “mật báo” nên khi ra đến nơi thì tàu đã bỏ chạy.