Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc chưa được lắp vũ khí, ngày ra biển còn xa

(VTC News) -

Dựa trên hình ảnh mới nhất tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc vẫn trong quá trình hoàn thiện và phải mất nhiều năm để nó có thể đi vào hoạt động.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Phúc Kiến - tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc (còn được gọi Type 003) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện tại xưởng đóng tàu Giang Nam (Thượng Hải), và những hình ảnh mới nhất về con tàu này chỉ ra rằng tiến độ hoàn thiện Phúc Kiến đang chậm lại.

Cụ thể, từ một số bức ảnh chụp Phúc Kiến được đăng tải trên mạng xã hội Weibo cho thấy tàu sân bay này gần như không có nhiều thay đổi sau 1 tháng được hạ thủy.

Ảnh chụp chỉ ra hai vị trí trống trên tháp điều khiển của con tàu, đây là vị trí sẽ lắp đặt hệ thống radar mảng pha điện tử hiện đại AESA – Type 346. Việc lắp đặt ba cụm đường băng sử dụng hệ thống phóng máy bay bằng điện từ trường (EMALS) vẫn chưa hoàn thành.

Hình ảnh mới về tàu sân bay Phúc Kiến, một tháng sau khi được hạ thủy. (Ảnh: SCMP)

SCMP dẫn lời một số chuyên gia hải quân cho biết việc hoàn thiện và thử nghiệm những tàu sân bay cơ lớn như Phúc Kiến sẽ mất nhiều năm, tiến trình này phụ thuộc vào thời gian con tàu được hoàn thiện.

Theo Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan, hệ thống radar trên tàu Phúc Kiến nên được ưu tiên lắp đặt trước khi nó được hạ thủy.

Chuyên gia này nhận định thời điểm hiện tại, đáng lẽ các khí tài quan trọng như radar đã phải được lắp đặt xong. Việc thiếu vắng các trang bị như vậy là dấu hiệu cho thấy quá trình hoàn thiện tàu đang chậm tiến độ.

"Nhiều công đoạn thử nghiệm kỹ thuật dưới nước và các công việc khác sau đó dường như sẽ bị chậm lại", Lu Li Shih nói.

Theo kế hoạch ban đầu, tàu sân bay Phúc Kiến sẽ hạ thủy vào ngày 23/4 để đánh dấu dịp kỷ niệm 73 năm thành lập hải quân Trung Quốc, tuy nhiên do đợt bùng phát COVID-19 kế hoạch bị dời sang 3/6, trùng với Lễ hội Thuyền Rồng. Tuy nhiên, thời gian hạ thủy của tàu Phúc Kiến sau đó một lần nữa bị hoãn mà không có giải thích. Con tàu cuối cùng chính thức hạ thủy ngày 17/6.

Những hình ảnh mới nhất cũng cho thấy một số cửa sổ trên tháp điều khiển bị che kín. Trong khi đó, các hệ thống vũ khí đánh chặn tầm gần (CIWS) Type 1130 cũng bị tháo gỡ sau lễ hạ thủy.

Hệ thống vũ khí đánh chặn tầm gần (CIWS) Type 1130 bị gỡ bỏ sau khi tàu Phúc Kiến được hạ thủy.

Còn theo chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho biết việc hoàn thiện Phúc Kiến sẽ bao gồm việc lắp đặt hệ thống vũ khí và hệ thống động lực cho tàu.

“Hiện tại, Phúc Kiến không thể tự cung cấp điện cho các hoạt động trên tàu khi hệ thống động lực của nó chưa chạy thử nghiệm, vì vậy cần đến nguồn điện từ bên ngoài trong việc hoàn thiện tàu sân bay này”, Li Jie nói.

Còn về việc hệ thống vũ khí trên Phúc Kiến chưa được lắp đặt, Li Jie giải thích rằng chúng sẽ được lắp đặt sau khi hạ thủy cấu trúc tàu sẽ biến đổi chút ít dưới áp lực nước.

Li Jie dự đoán quá trình này sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng, sau đó sẽ đến giai đoạn thử nghiệm hệ thống đẩy.

Còn chuyên gia Zhou Chenming tại Viện khoa học quân sự và công nghệ Viễn Vọng ở Bắc Kinh phân tích rằng những hình ảnh mới nhất cho thấy có thể mất nhiều năm nữa tàu sân bay Phúc Kiến mới được giao cho hải quân Trung Quốc.

“Việc thử nghiệm một tàu sân bay với hệ thống phóng đẩy máy bay điện từ sẽ phức tạp và thử thách hơn so với hệ thống phóng đẩy bằng hơi nước truyền thống”, ông Zhou nói và dự báo tàu Phúc Kiến sẽ gặp những khó khăn tương tự tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ.

Việc sử dụng các công nghệ mới đòi hỏi quá trình hoàn thiện và thử nghiệm của các tàu sân bay như Phúc Kiến sẽ lâu hơn các mẫu tàu chiến mặt nước thông thường.

Tàu Ford là tàu đắt đỏ nhất của quân đội Mỹ và mất 14 năm với 13,3 tỉ USD để phát triển và chế tạo. Tàu được giao cho hải quân vào tháng 5/2017, hơn 3 năm rưỡi sau khi hạ thủy và đến tháng 4 năm nay mới sẵn sàng hoạt động sau nhiều vấn đề kỹ thuật.

Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo. Với lượng choán nước 80.000 tấn, nó có kích thước tương tự như các tàu sân bay lớp Kitty Hawk đã nghỉ hưu của hải quân Mỹ. Đây cũng sẽ là tàu sân bay thứ hai trên thế giới - sau USS Gerald R. Ford sử dụng hệ thống máy phóng điện từ tiên tiến cho phép máy bay phản lực phóng thường xuyên hơn với tải trọng tối đa lớn hơn so với thiết kế phóng nhảy cầu và máy phóng hơi nước.

Trà Khánh

Tin mới