Bản nhạc này không phải được tấu lên từ các nhạc cụ, mà là dữ liệu âm thanh được công cụ Waves của Juno thu thập từ sự phát xạ các sóng vô tuyến điện từ của Ganymede, thứ giúp họ hiểu thêm rất nhiều về từ quyển của mặt trăng lớn hơn cả Sao Thủy này.
Ganymede và Sao Mộ. (Ảnh: NASA)
"Bản nhạc nền vừa đủ hoang dã để khiến bạn cảm thấy như thể đang cưỡi ngựa khi Juno đi ngang qua Ganymede lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ" - tiến sĩ Scott Bolton, nhà nghiên cứu hành tinh từ Viện Nghiên cứu Tây Nam và là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm điều hành Juno, nói trên Sci-News.
Theo Science Alert, bản nhạc kỳ lạ dài 50 giây, thu được vào ngày 7/6/2021 vừa qua. Lúc đó, tàu Juno đạt đến điểm tiếp cận gần nhất với mặt trăng Ganymede trong vòng bay thứ 34 của nó quanh Sao Mộc. Tàu vũ trụ lúc đó chỉ cách bề mặt mặt trăng 1.038 km, di chuyển với vận tốc tương đối là 67.000 km/giờ.
Mặt trăng Ganymede là mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc và cũng là lớn nhất hệ Mặt Trời, lớn hơn cả Sao Thủy và Sao Diêm Vương và là một trong những thiên thể được giới thiên văn nhắm đến trong hành trình săn tìm sự sống ngoài hành tinh.
Trước đó, một số nghiên cứu từ NASA đã đặt ra mối nghi ngờ rằng mặt trăng này có biển ngầm bên dưới bề mặt băng giá, được sưởi ấm bởi hệ thống thủy nhiệt và sự tương tác thủy triều phức tạp với hành tinh mẹ cũng như với 3 mặt trăng khổng lồ khác là Io, Europa và Calisto.
Vào cuối tháng 7-2021, một nghiên cứu công bố trên Nature Astronomy, phân tích dữ liệu cực tím của Kính viễn vọng Hubble (NASA/ESA) đã tiết lộ bằng chứng về hơi nước trên thiên thể này. Ganymede cũng là mặt trăng hiếm hoi trong vũ trụ sở hữu từ quyển mạnh mẽ, thứ giúp nó chống lại các bức xạ có hại, một trong những điều kiện giúp bảo vệ sự sống nếu thực sự đó là nơi sống được.