Tư lệnh Chiến khu phía Nam quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập bắn đạn thật để kiểm tra khả năng phản ứng đối với các cuộc tấn công tên lửa ở “vùng biển xa”, theo SCMP. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin hôm 27/2 mà không cho biết cuộc tập trận diễn ra khi nào hoặc ở đâu.
SCMP cho biết Chiến khu phía Nam thường chịu trách nhiệm cho các hoạt động ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
(Ảnh minh họa)
Trong khi đó, theo Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), một cơ quan nghiên cứu tại Bắc Kinh, Mỹ đã cử một tàu giám sát đi quanh quần đảo Hoàng Sa kể từ hôm 23/2. “USNS Impeccable đang đi vòng quanh quần đảo Hoàng Sa, điểm đến là đâu? Các điểm theo dõi thường xuyên như thế này là không bình thường đối với một tàu trinh sát trong khu vực này”, cơ quan này viết.
Cơ quan nghiên cứu cũng cho biết Mỹ đã cử một máy bay trinh sát bay qua Biển Đông, ngoài khơi Đài Loan hôm 27/2.
Theo SCMP, tàu USNS Impeccable từng là tâm điểm của cuộc "chạm trán" vào năm 2009 khi tàu giám sát đại dương không vũ trang này bị 5 tàu Trung Quốc đi theo ở vùng biển phía Nam đảo Hải Nam. Vụ việc đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington.
Đầu tuần này, ít nhất 10 máy bay ném bom của Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận tấn công hàng hải, ngay sau khi tàu chiến Mỹ tập trận chung ở Biển Đông.
Bắc Kinh và Washington căng thẳng trên nhiều lĩnh vực bao gồm các vấn đề thương mại, COVID-19, Biển Đông và Đài Loan. Bắc Kinh nhiều lần chỉ trích Washington "gây bất ổn" trong khi Mỹ nói Trung Quốc "bắt nạt" ở khu vực.
Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách xây dựng lại các liên minh nhằm đối phó với Trung Quốc, nhiều quốc gia đã tham gia vào các hoạt động ở Biển Đông.
Tuần trước, Pháp đã cử tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục Surcouf hiện diện ở Biển Đông. Đức và Anh dự kiến sẽ điều các tàu hải quân đến vùng biển này.
Chiều 25/2, trả lời họp báo thường kỳ liên quan đến các hoạt động trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển đã được quy định tại Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.