Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết: "Chuyến thăm này tiếp nối chuyến thăm lịch sử năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70), chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam trong hơn 40 năm. Chuyến thăm cũng diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với quan hệ song phương của chúng ta. Chỉ 25 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương của chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Tàu USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng. (Ảnh: Đinh Tùng)
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng chủ trì lễ đón nhóm tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Tham dự lễ đón còn có đại diện Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Bộ tư lệnh Quân khu 5, Biên phòng Đà Nẵng, Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng, Cục Quân y Tổng cục Hậu cần, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng và các cơ quan khác của Chính phủ Việt Nam.
Phái đoàn Mỹ do Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, Chỉ huy trưởng nhóm tàu sân bay tác chiến (CSG) 9 Chuẩn Đô đốc Stu Baker, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh Marie Damour và các viên chức khác đến từ CSG 9 và Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam.
Theo Chuẩn Đô đốc Stu Baker, chuyến thăm thể hiện sức mạnh quan hệ song phương và nhấn mạnh sự tiếp tục hợp tác của Mỹ với các quốc gia đối tác, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ cho khu vực, trong đó có các tổ chức như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch năm nay.
"Chuyến thăm này cũng là bằng chứng cho cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi các quốc gia hùng mạnh và độc lập tôn trọng chủ quyền của quốc gia khác và thượng tôn pháp luật" - ông Baker nói.
Trong chuyến thăm, các thủy thủ sẽ tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa và chuyên môn, các dự án phục vụ cộng đồng, thi đấu thể thao cũng như các buổi đón tiếp.
Đại tá Brett Crozier, Chỉ huy trưởng tàu sân bay Theodore Roosevelt chia sẻ: “Chuyến thăm không chỉ giúp tăng cường quan hệ quốc phòng song phương mà còn giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ giao lưu văn hóa và chuyên môn. Chúng tôi rất vinh dự khi được tham gia vào chuyến thăm quan trọng này và nhận được sự chào đón nồng nhiệt đến vậy”.
Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ 4 thuộc lớp Nimitz của Mỹ với thủy thủ đoàn gồm 5.000 người tham gia hỗ trợ và thực hiện các hoạt động không quân trên biển. Nhóm tàu sân bay tác chiến bao gồm tổng cộng 6.500 thủy thủ, một tàu sân bay, một không đoàn, một tàu tuần dương và sáu tàu khu trục.
Hạm đội 7 của Mỹ thực hiện các hoạt động hải quân được triển khai ở tiền phương nhằm hỗ trợ cho các lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Là hạm đội có lực lượng đông nhất của Hải quân Mỹ, Hạm đội 7 tương tác với 35 quốc gia ven biển khác để xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường an ninh biển, thúc đẩy ổn định và ngăn ngừa xung đột.
(Ảnh: Đại sứ quán Mỹ)
(Ảnh: Đại sứ quán Mỹ)