Đây có lẽ là vụ “tắc đường” tốn kém nhất lịch sử.
Con tàu khổng lồ Ever Given, dài 400 m và là một trong những tàu container lớn nhất từng được đóng, đã bị kẹt ở kênh đào Suez từ ngày 23/3. Theo Politico, vụ tàu Ever Given bị kẹt ở kênh đào Suez đang gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 400 triệu USD mỗi giờ.
Một số tàu chở dầu đã phải lựa chọn phương án đi quanh mũi Hảo vọng ở châu Phi, kéo dài hành trình thêm vài tuần nữa, và đi qua vùng biển nổi tiếng về nguy cơ cướp biển.
“Vụ việc này cho thấy chuỗi cung ứng của chúng ta mong manh đến thế nào”, Guy Platten, tổng thư ký một hiệp hội vận tải biển quốc tế ở Anh, nói với Washington Post.
Công ty cung cấp dịch vụ cho kênh Suez, Leth Agencies, cho biết trên Twitter rằng tàu Ever Given “vẫn bị mắc cạn ở cùng vị trí”.
Các tàu kéo và máy đào đang cố gắng đào cát xung quanh mũi tàu, để con tàu nổi trở lại, và để các tàu đang phải dừng có thể tiếp tục lưu thông, ước tính chở theo 12 tỷ USD hàng hóa.
Các nỗ lực đào cát mới để giải cứu con tàu đang “diễn ra tốt đẹp”, một người biết về việc này nói với Wall Street Journal. “Chúng ta có thể làm con tàu di chuyển sớm hơn dự kiến”.
Tín hiệu khả quan khép lại một ngày 26/3 với các dự báo khác nhau. Công ty vận hành con tàu, Evergreen Group của Đài Loan, nói có thể mất 2-3 ngày nữa để đào cát và bùn ở phía bờ của kênh Suez mà mũi tàu đã “cắm” vào. Đại diện công ty Imabari Shipbuilding Co. sở hữu con tàu lại nói đang hy vọng đưa được mũi tàu ra khỏi cát trong ngày 27/3.
Giới chức Ai Cập quản lý kênh Suez ngày 26/3 cho biết hoạt động đào cát đã hoàn tất được 87%, nhưng quy định về an toàn không cho các tàu đào tiến quá sát tàu container.
Hải quân Mỹ có kế hoạch cử một đội ngũ chuyên gia về đào cát tới để đánh giá tình hình, theo CNN. Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ có thể hỗ trợ các thiết bị và năng lực mà các nước khác không có cho Ai Cập để giúp mở lại kênh giao thương huyết mạch Suez.
Do lo ngại tình trạng “tắc đường” kéo dài, một số công ty vận tải đang cân nhắc phương án khác.
“Chúng tôi đang thấy một số tàu đã vào Địa Trung Hải mà vẫn quay đầu”, Lars Jensen, CEO của công ty SeaIntelligence Consulting đặt ở Đan Mạch, nói với Washington Post.
Ít nhất 7 tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng đã được chuyển hướng, bao gồm ba tàu chuyển sang hành trình dài hơn đến châu Âu qua mũi Hảo vọng ở phía nam châu Phi. Thêm 9 tàu chở dầu hoặc khí nữa dự kiến cũng chuyển hướng nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài xuyên cuối tuần, một nhà phân tích cho công ty dữ liệu Kpler nói với Guardian.
Ít nhất 4 tàu chở dầu viễn dương có sức chứa 75.000 tấn dầu có thể đang tiến về phía mũi Hảo vọng, công ty môi giới tàu Braemar ACM, trụ sở ở London, nói với Reuters.
Giới chức Ai Cập quản lý kênh Suez ngày 26/3 cho biết hoạt động đào cát đã hoàn tất được 87%. (Ảnh:AP)
Trên dịch vụ theo dõi tàu Marine Traffic, có thể thấy một số tàu đã đổi hướng vào ngày 26/3, theo quan sát của Washington Post.
Nhưng đi qua mũi Hảo vọng sẽ mất thêm một cho tới vài tuần, và thêm hàng chục nghìn USD vào chi phí chuyến đi, theo Wall Street Journal. Rủi ro cướp biển cũng phải được tính đến. Cướp biển từ lâu đã nhắm vào các tàu đi qua vùng biển ngoài khơi mũi Hảo Vọng.
Ngoài ra, vùng biển nhiều dầu mỏ ở Tây Phi đang được coi là một trong những tuyến vận tải nguy hiểm nhất thế giới.
Hai ngày qua, Hải quân Mỹ cho biết đã được các công ty vận tải nhiều nước liên lạc để nêu lo ngại về nguy cơ cướp biển, đối với những tàu phải chuyển hướng - phát ngôn viên Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ nói với Financial Times.
Chưa rõ nguyên nhân chính xác khiến tàu Ever Given, do hãng Evergreen của Đài Loan vận hành và đang trên đường tới Hà Lan, bị mắc cạn trong trận bão cát. Các chuyên gia đã phỏng đoán rằng các container xếp cao nhiều tầng có thể đã đóng vai trò như cánh buồm khổng lồ, tác động đến con tàu trong điều kiện gió mạnh.
Vì vậy, việc điều khiển con tàu có thể đã trở nên khó khăn hơn, ngay cả đối với những người “chuyên” lái kênh đào Suez, tức những người sống ở vùng Suez và sẽ lên tàu chỉ để lái các con tàu qua tuyến đường này. Khi tàu Ever Given mắc cạn, có hai người chuyên lái kênh đào Suez như vậy trên tàu.
Tình trạng tắc nghẽn ở kênh Suez được dự báo sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng ở châu Âu và châu Á, nhưng cũng sẽ tác động cộng dồn tới hàng hóa, sản xuất ở Mỹ.
Tàu thuyền ở lối vào Suez. (Ảnh: Reuters)
Từ trước vụ việc này, nhu cầu vận chuyển hàng qua container đã tăng vọt ở Mỹ vào cuối năm ngoái, đầu năm nay. Tại các cảng container ở bờ Tây nước Mỹ, đang xảy ra tình trạng tắc nghẽn, “xếp hàng chờ” đối với hàng hóa, dù đây là giai đoạn thấp điểm trong năm đối với vận tải đường biển.
Các cảng ở châu Âu đang chuẩn bị cho khả năng tắc nghẽn, một khi các tàu lưu thông trở lại và về đến cảng. Thời gian chờ ở các cảng “cửa ngõ” vào châu Âu như Rotterdam, Hà Lan hay Antwerp, Bỉ có thể kéo dài đáng kể, theo các nhà phân tích.
Ông Guy Platten chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng hiện tại cho thấy kinh tế thế giới phụ thuộc nhiều thế nào vào các thủy thủ tàu viễn dương - trong đó, nhiều thủy thủ đã đi xa cả năm trời mà không được nghỉ phép hoặc thăm gia đình, vì đại dịch COVID-19.