Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tàu cát tặc ‘rơi từ trên trời xuống’ bãi nuôi ngao hút cát trái phép ở cửa biển Hải Phòng

Hàng chục chiếc tàu hút cát như thể rơi từ trên trời xuống bãi nuôi ngao của ngư dân hút trộm cát, trong khi có ít nhất 6 đơn vị chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cung đường đi của chúng.

Những ngày qua, ngư dân làm nghề nuôi ngao ven biển Hải Phòng vẫn chưa hết bức xúc trước tình trạng hàng chục chiếc tàu ngang nhiên vào các bãi nuôi ngao hút cát trái phép. Ngư dân phải tổ chức lực lượng vây bắt giao cho Đồn Biên phòng 42 Đoàn Xá (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng) xử lý theo thẩm quyền.

Đặc biệt, trong trận đụng độ với cát tặc, khi cùng các ngư dân khác vây bắt 3 tàu cát tặc ở khu vực Gồ Đông, nơi các hộ dân huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) nuôi ngao, 2 phụ nữ đã bị đánh phải nhập viện.

 Bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1953, thôn Nam Hải, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy), một trong 2 người bị cát tặc tấn công phải nhập viện. (Ảnh: Người dân cung cấp)

Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao những con tàu cát tặc này lại có thể "chui" qua các cửa sông ra biển hút trộm cát – một loại tài nguyên khoán sản của quốc gia và phá hoại bãi ngao của ngư dân mà không hề bị lực lượng chức năng ngăn chặn, bắt giữ?

Tàu cát tặc từ trên trời rơi xuống?

Ông Vũ Chí Tuân (SN 1974, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, Hội trưởng Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) cho biết, để ra đến khu vực gồ Đông ngoài biển, cách đất liền khu vực xã Đại Hợp, xã Đoàn Xá (Kiến Thụy, Hải Phòng) khoảng 2 hải lý, các tàu cát tặc phải đi từ các tuyến sông nội địa đổ ra biển như sông Văn Úc, sông Lạch Tray, sông Cấm, sông Bạch Đằng (Hải Phòng) và sông Thái Bình (giáp ranh giữa huyện Tiên Lãng (Hải Phòng và huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Tại các cửa sông này, đều có các trạm kiểm soát biên phòng (Bộ Chỉ huy Biên phòng Hải Phòng). Bên cạnh đó, các lực lượng khác như cảnh sát đường thủy, cảnh sát biển, Hải đoàn 38 (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam) tuần tra, kiểm soát các phương tiện qua lại trên các tuyến sông. Nếu phát hiện những con tàu này hoạt động bất hợp pháp hoặc vi phạm các quy định đối với phương tiện thủy thì đương nhiên sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.

“Vậy thì tại sao hàng chục phương tiện thủy nội địa này lại có thể "chui" qua các cửa sông để ra biển hút cát trộm, phá hoại sản xuất của ngư dân nuôi ngao? Chẳng lẽ các lực lượng này không hề hay biết?” – ông Tuân đặt câu hỏi.

Khu vực khoang tròn là hiện trạng người dân đang nuôi ngao, cửa sông Văn Úc đổ ra biển. 

Người dân cho hay, khu nuôi ngao của họ có từ năm 2009. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, nghe tin TP Hải Phòng có chủ trương sẽ cho thăm dò khai thác khoáng sản (cát đen) thì các tàu khai thác bắt đầu lộng hành, mặc dù cho đến nay, chưa có một doanh nghiệp nào được cấp phép chính thức khai thác cát tại các khu vực cồn.

Để bảo vệ tài sản, của hàng trăm hộ dân nuôi ngao, mỗi khi thấy tàu cát tặc xâm phạm, người dân đã không biết bao lần thông báo cho lực lượng biên phòng gần nhất là Đồn Biên phòng 42 Đoàn Xá (Bộ Chỉ huy Biên phòng Hải Phòng) nhưng dường như không có tác dụng ngăn chặn, bắt giữ.

Năm 2017, trong một lần cùng ngư dân ra khu vực nuôi ngao, phát hiện nhiều tàu hút cát thế này nhưng khi PV VTC News liên lạc với chỉ huy biên phòng báo tin đều không nhận được sự hợp tác, bắt giữ. 

Cực chẳng đã, hơn 200 hộ nuôi ngao đã vào hội, thành lập nên một tổ tự quản, mua sắm phương tiện, dụng cụ, cắt cử anh em trực chiến suốt ngày đêm, hễ thấy tàu cát tặc xuất hiện sẽ tập trung xua đuổi, vây bắt áp giải về giao cho Đồn biên phòng Đoàn Xá lập biên bản xử lý theo thẩm quyền.

Mới đây nhất, ngày 8/10, ngư dân đã bắt được 3 tàu cát tặc đang hút trộm cát ở khu vực nuôi ngao, áp giải về cảng cá Đoàn Xá, bàn giao cho Đồn Biên phòng xử lý. Trong lần đụng độ này, 2 phụ nữ ngoài 60 tuổi đã bị một số cát tặc tấn công phải nhập viện cấp cứu, điều trị.

Theo ông Vũ Chí Tuân cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay, ngư dân ở đây đã bắt được 11 tàu hút cát trái phép, Hải đoàn 38 bắt giữ được 28 phương tiện, trong khi Đồn biên phòng 42 chưa bắt được tàu nào!?

 3 tàu cát tặc bị ngư dân bắt, áp giải về giao cho Đồn biên phòng 42 Đoàn Xá (Bộ Chỉ huy Biên phòng Hải Phòng) xử lý mà không phải là lực lượng  biên phòng phát hiện, bắt giữ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 19/10, chia sẻ với PV VTC News, một cán bộ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng cho biết, theo quy định hiện hành, tàu thủy được trang bị các phương tiện, máy móc để khai thác cát tại các mỏ nội địa và ven biển ký hiệu là tàu SB, được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phép. Còn loại tàu S1 chỉ được hoạt động trong các tuyến sông nội địa.

Khi các tàu này hoạt động ở khu vực ven biển, phải lên các đồn, trạm biên phòng quản lý khai báo. Nếu phát hiện vi phạm các quy định hiện hành các đơn vị biên phòng sẽ xử lý theo quy định.

Ngoài lực lượng biên phòng, còn có lực lượng cảnh sát biển, cảnh sát đường thủy và lực lượng thuộc Hải đoàn 38 (Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam) đều có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên khu vực ven biển. Nếu phát hiện các phương tiện, cá nhân trên phương tiện này vi phạm đều bị xử lý.

Cũng theo vị cán bộ Sở GTVT Hải Phòng này, khu vực gồ Đông ven biển giáp ranh giữa quận Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy và huyện Tiên Lãng mà người dân đang nuôi ngao, chưa được cơ quan chức năng xác định đó là mỏ cát và chưa cấp phép cho bất kỳ một doanh nghiệp nào được khai thác cát.

“Việc khai thác trộm cát trong thời gian vừa qua ở khu vực này là khai thác cát trái phép, đang là điểm nóng hiện nay” – vị cán bộ này chia sẻ.

Khu vực cửa biển Hải Phòng này bao giờ sẽ hết cát tặc, để ngư dân yên ổn làm ăn? (Ảnh chụp từ bản đồ Google Map) 

Cũng trong ngày 19/10, trả lời PV VTC News, ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết, hiện nay có 4 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực nêu trên gồm Công ty Hoàng Sơn, Công ty Thiên Quý, Công ty Đông Kinh và Công ty Thành Trang.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để được khai thác. Chỉ duy nhất có Công ty Hoàng Sơn đã đủ thủ tục nhưng TP vừa có thông báo tạm dừng khai thác.

Cuộc chiến chống cát tặc trộm cắp tài nguyên, phá hoại sản xuất của ngư dân đến bao giờ chấm dứt nếu không sớm được ngăn chặn, đang là câu hỏi lớn của ngư dân ven biển và cũng là mong muốn của dư luận hiện nay tại Hải Phòng.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Minh Khang

Tin mới