Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy, chuyên gia mỹ thuật: 'Ở Đức đó là trào lưu nghệ thuật'

Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc bảo tàng Đông Nam Á đã đưa ra quan điểm về vụ việc tàu Cát Linh - Hà Đông bị 'vẽ bậy' bằng hình ảnh Graffiti.

Liên quan đến vụ việc tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị "bôi bẩn" bằng những hình ảnh Graffiti, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu đơn vị quản lý trích xuất camera để phục vụ công tác điều tra, xử lý truy tìm người vẽ.

Sự việc mang tính chất nghiêm trọng hơn khi vị Thứ trưởng cho rằng đây hành động phá hoại tài sản. Ngoài người vẽ bậy, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu cần xem xét trách nhiệm của Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng như Tổng thầu EPC.

Bàn luận về những vấn đề này, TS Nguyễn Việt - Giám đốc bảo tàng Đông Nam Á, một người am hiểu về nghệ thuật Graffiti cho rằng, nếu ở nước ngoài thì sự việc này rất dễ hiểu, được chấp nhận bởi đây là một trào lưu nghệ thuật.

Ông Việt cũng cho rằng đó là một tác phẩm nghệ thuật đẹp mà không phải người phá phách nào cũng làm được.

Hình ảnh được cho là "vẽ bậy" tại nhà ga Cát Linh - Hà Đông. 

"Tôi đã đến Châu Âu và đặc biệt là nước Đức rất nhiều lần nên đã quen với những hình ảnh đó. Ở nước Đức, đây là một trào lưu nghệ thuật đã được công nhận. Mới đầu ở nước Đức, lúc Graffiti mới hòa nhập, họ cũng lên án giống ta.

Họ cũng cho đây là những hình vẽ xấu xí, bẩn thỉu, bôi bẩn lên những bức tường. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó người ta đã công nhận nó là một trào lưu, nội dung nghệ thuật phong cách", TS Việt cho hay.

Theo phân tích của TS Việt, những người đi theo trường phái Graffiti này ở nước Đức được gọi là phủi. Phủi có thể hiểu là những người bụi đời. Phần lớn tác giả xuất phát từ những người am hiểu nghệ thuật nhưng mang trường phái tự do. Bởi vậy, tường nhà hay bất cứ đâu trống thì họ đều tận dụng để sáng tác.

Ở một số nước, hầu hết nhà ga, các bờ tường của tàu hỏa cũng là địa điểm mà họa sĩ Graffiti họ nhắm đến. Hiện ở Châu Âu, những nghệ sĩ vẽ đẹp thậm chí còn được mời vào nhà ga để thể hiện.

Khi làm việc tại Ba Lan, ông Việt từng biết nhiều họa sĩ Graffiti được mời vẽ cho các con tàu đỡ đơn điệu, nhàm chán.

Đối với sự việc được cho là "vẽ bậy" ở nhà ga Cát Linh - Hà Đông, TS Việt nhận định: "Tôi cho rằng đây có thể là phút ngẫu hứng, sảng khoái nào đấy của một nhóm người vẽ lên. Nhìn qua những bức ảnh đó tôi thấy nó là những bức vẽ đẹp chứ không phải phá hoại.

 

Người vẽ được bức Graffiti ở nhà ga Cát Linh - Hà Đông không phải đơn giản

TS Nguyễn Việt

Tôi ngờ rằng, họa sĩ nước ngoài giỏi mới vẽ được chứ không phải Việt Nam. Có thể là họa sĩ người Thái Lan, Hồng Kong, Châu Âu... Người vẽ được bức Graffiti ở nhà ga Cát Linh - Hà Đông không phải đơn giản.

Thường khi anh em đã có ý tưởng thì người ta mất từ 4 đến 6 tiếng để hoàn thành một tác phẩm độc đáo như vậy. Họ vẽ bằng các hộp xịt nên khá nhanh. Họ phải có từ 10 đến 20 cỡ hộp xịt khác nhau, đủ các màu và cực kỳ am hiểu thể loại này thì mới tạo được 1 tác phẩm đẹp như thế.

Tuy chưa được nhìn trực tiếp tại nhà ga nhưng qua một vài hình ảnh trên truyền hình tôi nghĩ ít nhất phải có 2 người tham gia vẽ. Bởi vì, tôi nhìn thấy ít nhất có 2 cá tính khác nhau trong một bức tranh".

TS Nguyễn Việt cũng bày tỏ tiếc nuối khi ở Việt Nam chưa nhìn nhận đó là nghệ thuật và thậm chí còn cho đó là phá hoại và đưa ra thành vấn đề hình sự.

Trước đó, một số cán bộ, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội từng có đề xuất đưa Graffiti vào bức tường gốm sứ Hà Nội để trình bày. Thế nhưng, đề xuất này không được chấp nhận.

Mặc dù thể hiện niềm yêu thích hình ảnh Graffiti  ở nhà ga Cát Linh - Hà Đông, nhưng với TS Nguyễn Việt vẫn bày tỏ không đồng tình với cách làm của những người vẽ.

"Cái đó không phải của anh mà anh xâm phạm mà anh có lỗi. Dù anh có làm đẹp đến đâu thì đẹp mà chủ nhà không thích vẫn là anh sai.

Còn riêng tội xâm phạm còn tùy mức độ cố ý hay không cố ý mà cảm thông hay chấp nhận được. Với tôi, đó không phải là sự xâm phạm bôi bác mà đó là những tác phẩm mỹ thuật, nếu được đánh giá một cách tử tế có thể dùng được.

Trong trường hợp này, để tránh sự tùy tiện khi đưa sở thích, thẩm mỹ cá nhân của mình vào hiện tượng công cộng, tôi nghĩ vẫn nên để cho các ngành, cơ quan chức năng điều tra, tìm hiểu mang tích chất răn đe chung.

Đương nhiên, khi xử lý thì lưu ý phối hợp với cùng các luật sư, dư luận và những người am hiểu về nghệ thuật để hành vi đó không bị xử lý nặng nề như là dư luận hoặc một vài người suy nghĩ".

Vị chuyên gia mỹ thuật cho rằng chỉ nên nhắc nhở với những người vẽ lên tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bởi đó chỉ là một hành động vô thức chứ không phải phá hoại.

"Việc anh tùy tiện xâm phạm tài sản của công mà không xin phép thì nên nhắc nhở, xử lý. Đến khi tìm ra được đối tượng rồi, nghe đối tượng đó trình bày tôi tin rằng nhiều người cũng sẽ ủng hộ như tôi.

Nhưng ủng hộ ở đây không phải là ủng hộ sự tùy tiện, ủng hộ ở đây là khía cạnh làm cho tội đó thu lại ở cái mức không phải là sự phá hoại mà nõ chỉ là sự vô thức. Lúc ấy, sự việc sẽ được giải quyết một cách thấu tình đạt lý hơn", TS Việt nói.

Nghệ thuật hay tội phạm?

"Graffiti là một loại hình nghệ thuật đương đại, rất phổ biến ở các đô thị châu Âu, Mỹ. Lúc đầu nó cũng bị coi là hành vi phá hoại mỹ quan công cộng và chính quyền ở các địa phương đã phải tốn nhiều công sức, tiền bạc để xóa đi các bức vẽ trên các không gian công cộng của thành phố và truy lùng những “họa sỹ vẽ trộm” mà dưới mắt của các nhà quản lý xã hội bị coi là tội phạm.

Tuy nhiên, những cố gắng ngăn cản, cấm đoán các “họa sỹ vẽ trộm” của họ ngày càng trở nên vô vọng, bởi nhận diện các bịt mặt, trùm đầu là bất khả thi.

Các nhà quản lý đành phải nghĩ ra một hướng giải quyết khác tích cực hơn bằng cách tạo ra những không gian để các nghệ sỹ đường phố thích graffiti có thể thể hiện ý tưởng và tài năng của mình: các tấm che ở các công trình xây dựng, những bức tường ngăn tiếng ồn ở các xa lộ, những bức tường nhân tạo ở các công viên, các tấm cửa kéo ở các gian hàng ở các chợ....

Mặt khác, chính những nghệ sỹ Graffiti tài năng cũng làm thay đổi tư duy của các nhà quản lý, họ nhận thấy rằng, kiểu nghệ thuật này cũng có tác dụng tích cực của nó, nhất là trong việc thể hiện chính sách văn hóa dân chủ và thu hút khách du lịch. Một ví dụ rất tiểu biểu liên quan đến huyền thoại sống Banksy- vị vua vẽ trộm.

 

Trong một đêm, Banksy đã vẽ một tuyệt tác trên bức tường lớn của bệnh viện da liệu ở thành phố Bristol, sáng hôm sau, chính quyền địa phương tổ chức họp khẩn cấp để bàn xem nên xử lý vấn đề này thế nào và cuộc họp đã đi đến kết luận: Giữ lại bức tranh đó để hút khách du lịch. Quả nhiên, từ đó, khách du lịch kéo đến Bristol nườm nượp và chỉ để xem, chụp ảnh bức tranh đó. Bức tranh đó giờ đây đã trở thành thương hiệu văn hóa của thành phố này.

Ở ta, Graffiti còn quá mới mẻ đối với cả những họa sỹ và nhất là đối với cả nhà quản lý, vì thế cần có những sự học hỏi kinh nghiệm quản lý ở những nước tiên tiến để có thể khắc phục được tính tự phát, vô chính phủ của nghệ sỹ đồng thời phát huy được những mặt tích cực của loại hình nghệ thuật này, tránh cách xử lý cực đoan, một chiều của chính quyền, chỉ nhìn những nghệ sỹ này như tội phạm, loại hình nghệ thuật này là thứ bôi bẩn, phá hoại cảnh quan công cộng".

(PGS. TS Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

Kim Thược

Tin mới