Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định tại Điều 7 và 8 Luật Dược nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu trong nước theo hướng như sau:
Quy định các nội dung ưu đãi/đặc biệt ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thuốc công nghệ sinh học, thuốc chuyên khoa đặc trị được chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam.
Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7: "Ưu đãi đầu tư/đặc biệt ưu đãi đầu tư về chính sách thuế, thuê đất đai, vay vốn, ưu đãi, hỗ trợ về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và các chính sách hỗ trợ đầu tư khác theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động đầu tư sản xuất nguyên liệu làm thuốc, sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thuốc chuyên khoa đặc trị được chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam;
Thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vaccine, sinh phẩm, thuốc công nghệ sinh học, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước, thuốc hiếm; ưu đãi nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới".
Đặt mục tiêu nghiên cứu phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục nộp đơn đăng ký lưu hành thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao và thuốc công nghệ sinh học chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam.
Khuyến khích nghiên cứu sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên liệu làm thuốc, sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc sinh học, thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia, nguyên liệu sản xuất thuốc.
Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 10 Luật Dược theo hướng bổ sung trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc chủ trì áp dụng khoa học và công nghệ để phát triển ngành công nghiệp hóa dược.
Theo dự báo của Tổ chức IQVIA, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu khoảng 8% trong giai đoạn 2019-2023.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report, trong những tháng còn lại năm 2023, ngành dược vẫn đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là kênh OTC sẽ gặp nhiều rào cản trong việc duy trì tăng trưởng do tình hình phục hồi kinh tế vẫn chậm và chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.
Mặc dù đưa ra lưu ý cần theo dõi sát sao tốc độ chuyển trạng thái của nền kinh tế và nguy cơ gia tăng chi phí đầu vào do diễn biến của các cuộc xung đột trên thế giới song nhìn chung, đa số doanh nghiệp vẫn đưa ra góc nhìn lạc quan về triển vọng của cả bản thân doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế vào năm 2024.
Đặc biệt, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, ngành dược nhiều khả năng sẽ phục hồi trước nhịp phục hồi của nền kinh tế và tình hình sẽ có những cải thiện đáng kể trong quý IV năm sau.
Về tầm nhìn dài hạn, Việt Nam được các tổ chức đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” - một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao.
Với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế. Trong đó, một số điểm sáng để kỳ vọng được chỉ ra, bao gồm:
Thứ nhất, quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện, nhu cầu nhu cầu được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm ngày càng cao hơn và chi tiêu cho dược phẩm đang trên đà tăng trưởng mạnh.
Thứ hai, cơ hội các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn chẳng hạn như EU-GMP.
Đồng thời, các FTA thường đi kèm với việc khuyến khích chia sẻ kiến thức và công nghệ, cũng như tạo điều kiện cho hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các quốc gia. Điều này có thể giúp ngành dược Việt Nam có cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.
Thứ ba, Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để “chạy đua” thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp dược.
Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Điển hình là mới đây Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được coi là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành cũng như các doanh nghiệp trong ngành.
Chiến lược được kỳ vọng thúc đẩy phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới.
Đồng thời, Chính phủ đặt mục tiêu hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO.
Chính phủ cũng chú trọng phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.
Phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.
Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.